Những cư dân người dân tộc phía bắc miền Trung như Tày, Thái, Mường... mới định cư dọc biên giới ở 3 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum giáp với Campuchia được ví như các “cột mốc sống” nơi biên viễn.
Ở đó, họ xem vùng đất mới là quê hương thứ hai, vừa tạo dựng cuộc sống lại góp phần giữ gìn an ninh biên giới. Bao đời nay người bản địa như Jrai, Xê Đăng, Giẻ Triêng… sinh sống dọc hai bên con sông Đăk Bla, Sê San, quần cư thành những cộng đồng nhỏ ở vùng bắc Tây nguyên.
Nơi ấy có dòng sông huyền thoại chảy ngược Đăk Bla với thượng nguồn là chân núi Ngọc Linh, H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) chảy ngược theo hướng đông - tây trước khi đổ vào dòng Sê San rồi chảy vào địa phận nước bạn Campuchia. Ngược lên hướng tây của hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum là dãy đường biên dài khoảng 185 km. Nơi ấy, nay là sự hội tụ của hơn 22 dân tộc.
Đất lành bắc Tây nguyên
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp ngược lên dãy dài biên giới của 3 tỉnh Tây nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum. Tháng củ mật. Vẻ vội vã, tất bật của cư dân biên giới cũng hằn in trên mỗi gương mặt, công việc. Anh Lò Văn Bằng (37 tuổi), người dân tộc Thái, kể: “Mình ở H.Lang Chánh (Thanh Hóa) vào H.Ia H’drai (Kon Tum) từ năm 2012. Ngoài quê khổ lắm. Đất thì ít lại bạc màu mà khí hậu mùa đông khắc nghiệt nên năng suất cây trồng thấp, nuôi con gì cũng lâu lớn. Ở quê mình mấy năm trước chỉ có người già. Trai trẻ đi các tỉnh miền Nam hay ngược ra Bắc làm công nhân. Cuối năm mới về”.
Những khu nhà được chuẩn bị cho công nhân mới vào nhận việc ở Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 |
Chuyện anh Bằng cùng vợ là Lò Thị Thắm vào Tây nguyên cũng là cơ duyên. Số là Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) đóng ở Gia Lai có tổ chức đợt tuyển công nhân cạo mủ, chăm sóc cây cao su cho Chi nhánh 716 ở H.Ia H’drai (Kon Tum). Nhà vợ chồng Bằng cũng khổ quá. Vợ chồng làm mãi mà chả khá lên được. Sẵn dịp, hai vợ chồng đưa theo đứa con trai mới hơn 3 tuổi quyết tâm vào Tây nguyên lập nghiệp. Trước đó, họ kể rằng chưa đi đâu xa. Nghe thấy Tây nguyên chỉ qua các phương tiện truyền thông. Mang theo ít đồ dùng thiết yếu. Vậy là đi!
Họ được Chi nhánh 716 đào tạo nghề cạo mủ, chăm sóc cây cao su và được bố trí chỗ ở để tiện sinh hoạt. Sẵn sáng ý, nhanh nhẹn, cả hai vợ chồng sau vài tháng đã ổn định. Nhiều năm qua, Bằng luôn được đánh giá là công nhân sản xuất giỏi. Lương tháng bình quân của hai vợ chồng trên dưới 15 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ so với thu nhập thấp ở quê Bằng. Ngoài ra, được lãnh đạo chi nhánh tạo điều kiện, vợ chồng Bằng tận dụng bờ lô, hợp thủy ở trên diện tích 6,5 ha cao su họ được giao khoán để trồng điều, lúa, mì… và chăn nuôi bò. Thu nhập mỗi năm của họ đạt hơn 200 triệu đồng. Đất mới, niềm vui của họ càng nhân lên khi có thêm một cháu trai hiện đã 8 tuổi. Cả hai cho biết đang có dự định cất nhà mới cho khang trang hơn!
Xã biên giới Ia Dal, H.Ia H’drai được thành lập từ năm 2013 đến nay có 1.228 hộ với 4.092 người thì có đến 900 hộ là công nhân của Chi nhánh 716 với nhiều dân tộc như Thái, Tày, Mường, Nùng, Dao…
Với 22 dân tộc đang sinh sống ở xã Ia Dal và nhiều vườn cao su của họ nằm sát đường tuần tra biên giới. Sự hiện diện của họ như là cơ duyên và cũng là những “cột mốc” sống nơi cương thổ đất Việt.
Công nhân yên tâm định cư trên vùng đất mới. Ảnh: Trần Hiếu |
Mưu sinh nơi đất mới
Với sự hội ngộ của nhiều dân tộc từ các tỉnh bắc miền Trung cho đến người bản địa khiến xã Ia Dal có sự phong phú về bản sắc văn hóa các dân tộc. Chị Nguyễn Thị Thuận, Phó chủ tịch UBND xã Ia Dal, một cán bộ trẻ, năng động ở vùng biên giới, chia sẻ: “Xã chúng tôi có hơn 16 km đường biên, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và đi lại khó khăn quả là thách thức không nhỏ về nhiều vấn đề. Đây là vùng đất của nhiều dân tộc cùng cư ngụ nhưng thật mừng là không có sự xung đột về văn hóa. Bà con sống với nhau chan hòa, nhân ái”.
Cũng theo chị Thuận, điều thuận lợi là trong 11 thôn của xã Ia Dal, có đến hơn 5 thôn là công nhân của Chi nhánh 716. Họ là quân nhân nên kỷ luật quân đội cũng đã thành nếp, rất quy củ và có tinh thần tương trợ từ đơn vị cho đến gia đình, xã hội. Mới đây vào ngày 10.12.2021, 2/5 thôn đã đạt chuẩn Nông thôn mới. Cùng với nhiều thôn khác ở xã Ia Dal, nơi có cộng đồng nhiều dân tộc sinh sống đã có đóng góp không nhỏ trong quá trình xây dựng các phong trào văn hóa ở khu dân cư, phát triển kinh tế hộ gia đình. Cuộc sống của người dân ở xã đang thực sự ổn định. Nhiều gia đình người dân tộc thiểu số đã có của ăn của để. Đó là điều đáng mừng!
Những hộ là công nhân từ những huyện miền núi ở các tỉnh bắc miền Trung được Chi nhánh 716 tuyển vào đều được cấp đất, dựng nhà. Nhà trẻ, trường học cũng được dựng lên. Dẫu là nhà tạm nhưng là tiền đề cơ bản để họ an tâm mưu sinh trên vùng đất mới. Từ những khoảnh đất trống và nắng gió cao nguyên, họ đã cần mẫn, chịu khó chắt chiu từng cơ hội nhỏ để gầy dựng dần. Đó là những khoảnh mì, bắp, bí đỏ hay là những vật nuôi như đàn gà, một hai con bò. Họ đã xây dựng cơ nghiệp và xác định cao nguyên trở thành quê hương thứ hai.
Quả ngọt trên quê mới mà những cư dân được hưởng thụ chính là thành quả cho bao nhọc nhằn, cố gắng. Anh Lỗ Văn Hoan (37 tuổi) người dân tộc Thái từ H.Kỳ Sơn (Nghệ An) vào làm công nhân từ 4 năm nay đã bớt khó khăn khi chế độ lương bổng của hai vợ chồng đạt hơn 13 triệu đồng/tháng. Cộng thêm việc trồng trọt, chăn nuôi, giờ đây cuộc sống của gia đình anh đã ổn định.
Vùng biên giới phủ đầy cao su, cây trái và hệ thống điện, đường được đầu tư, nâng cấp |
Thôn trưởng mang quân hàm xanh
Những thôn biên giới ở xã Ia Dal là đặc thù trong phân bố dân cư và cả những hoạt động mưu sinh. Công nhân cạo mủ thường bắt đầu công việc của mình từ lúc 1 - 2 giờ. Có dịp đến đây ở lại vào ban đêm, từ những lô cao su trên vùng biên giới lung linh ánh đèn đội đầu của những công nhân cạo mủ. Tiếng xe máy, tiếng cười nói vang vọng cả một vùng. Mùa cạo mủ, công nhân lấy đêm làm ngày để lấy dòng “vàng trắng”. Với hơn 3.100 ha cao su, trong đó gần 2.400 ha cao su đang kinh doanh, nơi đây có hàng trăm công nhân cạo mủ hằng đêm. Sự hiện diện của họ trong đêm đen biên viễn được ví như những chiến sĩ biên phòng trên dọc dài biên giới.
Đại úy, quân nhân chuyên nghiệp Lê Văn Bình, Đội trưởng Đội sản xuất số 10, đồng thời cũng là Trưởng thôn 7, xã Ia Dal, cho biết: “Hai nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi là phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng trên vùng biên giới. Để hoàn thành cũng không phải dễ. Đó là phải có sự đồng lòng, đồng sức từ những công nhân, sự hỗ trợ của người dân, chính quyền địa phương… Riêng cá nhân tôi khi đảm đương cả hai nhiệm vụ nặng nề trên càng phải ý thức được trách nhiệm, sự tín nhiệm của lãnh đạo, chính quyền và cả sự tin tưởng của người dân dành cho mình. Vinh dự nhưng cũng là thách thức!”.
Từ tháng 3.2014, Chi nhánh 716 được thành lập. Đến nay, vùng đất họ đến đã bạt ngàn cao su, phủ xanh một vùng biên giới. Hơn thế, một vùng cư dân mới đã giúp giữ gìn từng cột mốc biên cương. Đại úy Nguyễn Hữu Cường, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Hồ Le, xã Ia Dal, nói rằng sự có mặt của những công nhân đêm ngày trên đường biên đã hỗ trợ lực lượng biên phòng rất nhiều trong việc quản lý địa bàn, giữ gìn an ninh chủ quyền nơi biên giới.
Xuôi dọc theo tuyến đường biên giới sang các huyện Chư Prông, Đức Cơ (Gia Lai), Ea Súp (Đắk Lắk) mùa này trong cơn gió se sắt của những ngày cuối năm, phong vị ngày xuân sắp đến gần. Đất trời, cỏ cây mênh mang, tràn đầy nhựa sống. Nếu không vì đại dịch, ắt hẳn niềm vui sẽ được nhân lên, rộn ràng!
Theo Trần Hiếu (TNO)