Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Cụ ông trăm tuổi ở Ayun Pa lưu giữ linh hồn ghè cổ, chiêng cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lưu giữ 30 chiếc ghè cổ và một bộ chiêng cổ 30 chiếc do tổ tiên để lại, ông R'Ô Nam (95 tuổi, buôn Phu Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) luôn xem đây là báu vật của gia đình. 
Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân đoàn khảo sát văn hóa của thị xã Ayun Pa đến thăm nhà ông R'Ô Nam. Chị Ksor HĐơ-con gái ông-vừa tiếp chúng tôi vừa làm “phiên dịch” cho bố. Ông R'Ô Nam đưa chúng tôi đến góc nhà nơi cất giữ 30 chiếc ghè cổ và trịnh trọng giới thiệu về từng chiếc. 
Ông Nam kể rằng, từ khi còn nhỏ, ông đã thấy những chiếc ghè này, nghe nói có chiếc phải đổi 10-20 con trâu hoặc bò mới có được. Mỗi ghè đều có màu sắc riêng, đa phần là màu đất nung da nhám hoặc da trơn màu cánh gián, có hoa văn cầu kỳ, cao chừng 0,5 m đến 1,2 m, tuổi đời hàng trăm năm. Khi xưa, những ngày giặc giã, nhiều lần ông bà, cha mẹ của ông phải đào hố để cất giấu mỗi chiếc một nơi. Sau chiến tranh, gia đình lại đào lên rửa sạch và cất vào kho. Dù vậy, gia đình vẫn không thể thu gom đủ số lượng do có chiếc bị trúng bom vỡ, có chiếc thất lạc không tìm thấy.
Ông R'Ô Nam bên bộ chiêng cổ do cha mẹ để lại. Ảnh: A.S
Theo ông Nam, mỗi chiếc ghè dùng vào một việc riêng, như cúng bỏ mả thì dùng ghè Stang, Stôk; làm lễ thổi tai cho trẻ dùng ghè Khươl, ghè Chpuôl; cúng mừng lúa mới thì dùng ghè Ranh… Mỗi lần cúng đều phải nhờ người khéo tay ủ rượu trong ghè để thực hiện nghi lễ. “Mỗi ghè có sự linh thiêng riêng nên khi dùng vào những việc lớn của làng như cúng cầu mưa thì các già làng lại đến mượn. Hàng chục năm qua, có những lúc gia đình khó khăn, thiếu gạo ăn nhưng tôi nhất định không bán vì ghè là nơi linh hồn ông bà trú ngụ trong đó, nếu bán đi là bất hiếu, bất nghĩa với ông bà tổ tiên, từ đó sẽ xảy ra đau ốm, làm ăn thất bát”-ông Nam nói.
Ngoài 30 chiếc ghè cổ, ông Nam còn sở hữu một bộ chiêng cổ gồm 30 chiếc. Chiếc lớn nhất có đường kính 1 m, chiếc nhỏ nhất 25 cm. Bộ chiêng này cha mẹ của ông đã phải đổi 10 con trâu sừng dài 2 gang tay mới có được. Chính vì quý giá như vậy nên bộ chiêng chỉ được mang ra sử dụng trong các lễ hội lớn hoặc tang ma. Bên cạnh đó, ông Nam còn sở hữu 1 chiếc trống bịt da trâu đường kính trên 1 m và chiếc khiên cầm tay bằng gỗ viền sắt. Tất cả những hiện vật trên luôn được ông lau chùi cẩn thận, cất giữ như báu vật. 
Ông Phan Tấn Sỹ-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rtô-cho hay: “Toàn xã có 572 hộ đồng bào Jrai, mỗi hộ còn chừng 5-7 chiếc ghè cổ. Những năm trước đây, có một số ghè đã bị bán đi hoặc bị đập vỡ để chia của cho người chết theo tập tục nên số lượng vơi dần. Riêng nhà ông R'Ô Nam còn giữ số ghè cổ nhiều nhất. Cán bộ xã đã đến động viên, khuyến khích gia đình ông giữ gìn cẩn thận, đồng thời tuyên truyền cho đồng bào hiểu ý nghĩa văn hóa-lịch sử để lưu giữ lại”. 
Bà Đặng Thị Thanh Vân-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa-cũng nhận định: “Đến nay, ghè cổ còn nhiều trong dân nhưng chưa thống kê được số lượng chính xác. Sắp tới, Phòng sẽ tổ chức khảo sát toàn bộ số ghè ở các buôn làng trên địa bàn thị xã để đưa vào kế hoạch bảo tồn”.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm