Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Củng cố niềm tin trong nhân dân: Chống tham nhũng không phải để bắt bỏ tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thừa nhận những thành tựu của công cuộc chống tham nhũng này, nhưng nhiều chuyên gia, học giả cho rằng vấn đề cốt tử cho thời gian tới là hoàn thiện được một thể chế mà tự thân nó có thể chống chọi với tham nhũng.
Đổi mới thể chế là một trong những trọng tâm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - Ảnh minh họa: Nhật Bắc
Đổi mới thể chế là một trong những trọng tâm của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - Ảnh minh họa: Nhật Bắc
Cán bộ lạm dụng thể chế và cũng là nạn nhân của thể chế
Trong mọi báo cáo tổng kết về công tác chống tham nhũng, phần “tồn tại, hạn chế” không bao giờ thiếu nội dung “thể chế còn chưa hoàn thiện”. Quy định vừa sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng; có nhiều điểm quá lạc hậu, chưa sát với thực tế. Cán bộ vừa có thể lạm dụng thể chế để trục lợi, vừa là nạn nhân của thể chế.
Một cán bộ tham mưu của cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng chia sẻ: “Cũng có những cái oan cho người ta chứ không phải không oan đâu. Các tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật 20 năm nay chưa sửa đổi. Các cơ quan tiếp một ông cán bộ T.Ư về, định mức chỉ mấy trăm ngàn. Nhưng có ông cán bộ T.Ư nào về ăn bữa cơm với địa phương mà mấy trăm ngàn được đâu. Anh em không còn cách nào khác, phải gian dối chứ”.

"Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng. Đó mới là giải pháp căn cơ".
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa
Chưa kể đến việc, dù hàng trăm văn bản, quy định đã được sửa đổi, ban hành (theo Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư Nguyễn Viết Thông, trong nhiệm kỳ này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành tổng cộng 124 chỉ thị, nghị quyết, kết luận, thông tư hướng dẫn… liên quan trực tiếp công tác xây dựng Đảng, kéo theo đó là hàng trăm văn bản luật được chỉnh sửa), nhưng “công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế; rất ít vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ”, “số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng”, theo nhận định của Thanh tra Chính phủ.
Cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng chống tham nhũng còn chậm hoàn thiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn hiệu quả chưa cao. Bản thân sự vận hành của hệ thống chưa giúp phòng ngừa được tham nhũng, mà vẫn còn phải dựa vào ý chí chính trị của người đứng đầu. “Đánh rắn không đánh dập đầu”, tham nhũng lúc nào cũng rập rình nguy cơ quay trở lại.
Do đó, ông Nguyễn Viết Thông cho rằng tới đây, một trong những trọng tâm Đại hội XIII phải giải quyết là đổi mới thể chế. Đảng cũng đã nhìn rõ vấn đề này, khi trong dự thảo văn kiện, một trong những từ được lặp lại nhiều lần nhất chính là “đổi mới thể chế”.
Đừng để người ngay không dám làm, còn kẻ gian mạnh dạn vi phạm
Chia sẻ với Thanh Niên, GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng: Tham nhũng có thể nằm ở bất cứ quốc gia và thể chế chính trị nào, nhưng rõ ràng ở những thể chế chính trị mà quyền lực không được kiểm soát hoặc không có cơ chế kiểm soát quyền lực thì mức độ tham nhũng nhiều hơn, phổ biến hơn. Ở đây, đối với chúng ta, thì hệ thống bầu cử hay cơ chế bầu cử để lựa chọn bổ nhiệm những người có năng lực vào vị trí công quyền là có vấn đề. Nhiều trường hợp, chúng ta chưa lựa chọn được người thực sự có tài, có đức vào các vị trí đó. Thứ hai, cũng quan trọng không kém, là cơ chế của ta chưa có giám sát, kiểm tra được việc sử dụng quyền lực. Đặc biệt là những người giữ vị trí cao nhất. Cái yếu nhất của VN là việc kiểm soát quyền lực rất lỏng lẻo, dẫn đến quyền lực bị lạm dụng.
Đây cũng là lo lắng của đại biểu (ĐB) Quốc hội Ngô Thị Minh (Quảng Ninh). Bà Minh rất băn khoăn về việc những cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực đã được chỉ rõ là còn thiếu chặt chẽ, sơ hở và dễ bị lợi dụng, nhưng lại chậm được sửa đổi, mặc dù đã nhiều năm đề xuất.
“Chính sách sơ hở và việc để xảy ra tham nhũng ngay tại các cơ quan có chức năng chống tham nhũng và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong thời gian vừa qua cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng và làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử cũng chưa phản ánh đúng thực trạng về tình hình tham nhũng. Các trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, lợi dụng trong các vụ án kinh tế còn ít và chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội”, ĐB Minh nói.
ĐB Mai Thị Phương Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng đã đến lúc cần phải rút ra bài học về quản lý kinh tế, phải rà soát lại xem cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật cho những lĩnh vực có liên quan, việc gì là đúng và phù hợp, vấn đề gì bị sơ hở và dễ bị lợi dụng. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra phải tiến hành thường xuyên và chấn chỉnh ngay những sai phạm ở giai đoạn nguy cơ, không để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng mới phát hiện và xử lý.
ĐB Hoa cho rằng nếu không làm được những điều này sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy. Đó có thể là một số cá nhân lợi dụng những khe hở của pháp luật để trục lợi cho bản thân. Nhưng đó cũng lại có thể là tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định đẩy những người thực hiện vào tình trạng “kiểu gì cũng sai”, “sờ vào là chết”, đẩy cả những người trung thực, ngay thẳng vào tình trạng vi phạm pháp luật. Hậu quả của việc “trừng phạt sai”, “khuyến khích nhầm” sẽ là người ngay thì không dám làm, kẻ gian thì mạnh dạn vi phạm.
“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có biện pháp phòng ngừa từ xa”
“Đổi mới của chúng ta là việc không có tiền lệ. Vừa đi vừa mò mẫm, thành ra phải tính toán rất thận trọng. Có những cái hôm nay mình cho là không đúng, nhưng về sau nó lại phù hợp. Và thực tế là như thế. Thành ra cuộc đời có những anh đi trước chết vì thế”, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc chiêm nghiệm.
Ông nhớ lại trường hợp Tăng Minh Phụng, người tổ chức đổi đất lấy công trình đầu tiên là ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Tăng Minh Phụng lĩnh án tử hình, nhưng về sau nhà nước mới thừa nhận, đó là một phương pháp tốt và thậm chí bây giờ còn xây dựng luật.
“Thời trước thì có Kim Ngọc, sau đó thì Tăng Minh Phụng, rồi sân golf của Lê Văn Kiểm. Vụ sân golf của ông Kiểm mà không có Bộ Chính trị duyệt, lúc đó anh Phạm Thế Duyệt là Thường trực Bộ Chính trị, ông Phan Văn Khải là Thủ tướng mà không đề xuất chuyện cho khoanh nợ lại, thì ông Kiểm “toi” rồi. Nhưng cho nợ 4 năm, 4.000 tỉ cả gốc lẫn lãi ông ấy đều trả hết và còn được phong Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Tôi có suy nghĩ chỗ này nhiều. Trong bộ phận tham mưu, giúp việc cho T.Ư, Chính phủ cần phải thận trọng trong vấn đề đánh giá đổi mới hoạt động của từng địa phương. Tôi thấy hiện tượng như ở Đà Nẵng là án binh bất động, chẳng ai dại gì làm. Hay TP.HCM bây giờ cũng đang có hiện tượng. Có tình trạng đá bóng cho nhau. Dưới đá lên trên, trên đá cho nhau, Quốc hội đá cho Chính phủ, Chính phủ đá về Quốc hội. Ai cũng sợ trách nhiệm. Cái này, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư phải bàn, giải quyết”, ông Túc trăn trở.
“Xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng là rất tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu chúng ta có những biện pháp phòng ngừa từ xa, từ gốc rễ vấn đề có thể nảy sinh tham nhũng. Đó mới là giải pháp căn cơ”, theo ĐB Hoa.

Cũng lo lắng về dấu hiệu đình trệ rất rõ trong khu vực công, TS Huỳnh Thế Du, Trường Chính sách công Fulbright, cho rằng khi tâm lý không làm gì cả nổi trội lên, cả nền kinh tế và xã hội sẽ bị ảnh hưởng. “Những khó khăn hay vướng mắc trong xã hội cần có sự tháo vát và năng động của cán bộ công chức thì không ai muốn làm. Nếu tình hình này cứ kéo dài thì sẽ tác động rất không tốt về lâu dài với Việt Nam”, TS Du nói.
Theo VŨ HÂN - LÊ HIỆP - THÁI SƠN (TNO)

Có thể bạn quan tâm