Củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22-1-2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Thông tri số 11-TT/TU ngày 23-4-2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị; mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng được củng cố, hoàn thiện và phát triển cả về tổ chức, nhân lực, cơ chế chính sách và đầu tư. Y tế tuyến xã được củng cố về cơ sở hạ tầng và trang-thiết bị, chất lượng các dịch vụ được cải thiện.

Chất lượng khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được quan tâm, nhất là khám-chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách xã hội, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

 

 

Năm 2000, toàn tỉnh có 14 bệnh viện tuyến huyện, 14 phòng khám đa khoa khu vực, 175 trạm y tế, còn 20 xã chưa có trạm y tế (chiếm 11,4%). Đến nay, có 2 bệnh viện đa khoa khu vực, 17 phòng y tế, 17 trung tâm y tế huyện, 17 trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình; 222 xã, phường, thị trấn có trạm y tế (trong đó, có 208 trạm y tế xã và 14 trạm y tế trung tâm cấp xã). Tổng số giường bệnh cấp cơ sở toàn tỉnh là 2.110 giường. Việc triển khai xây dựng trạm y tế đạt chuẩn quốc gia trong toàn ngành đã thu được nhiều kết quả tích cực, đến nay, toàn tỉnh đã có 64 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, chiếm 29%.

Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm và tranh thủ nhiều nguồn vốn như: Vốn vay của Ngân hàng thế giới, EC, Việt Úc, ADB, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ,… để tăng cường cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện đại phục vụ khám-chữa bệnh cho bệnh viện các huyện; đầu tư xây mới hoặc nâng cấp trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã, từng bước chuẩn hóa và đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn. Bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Bệnh viện đa khoa các huyện: Chư Prông, Ia Pa, Kông Chro, Kbang và các hạng mục của một số bệnh viện khác. Năm 2009, dự án đầu tư trang-thiết bị y tế cho 7 bệnh viện (Bệnh viện đa khoa khu vực Ayun Pa, Bệnh viện đa khoa các huyện: Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Đức Cơ, Krông Pa, Chư Sê) với kinh phí 42 tỷ đồng.

Hầu hết các trạm y tế xã đều đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp. Một số dự án do nước ngoài tài trợ đã được triển khai đạt hiệu quả như: Dự án phòng-chống sốt rét do Quỹ toàn cầu tài trợ thực hiện từ năm 2005-2009 tại 13 huyện với mục tiêu là giảm tỷ lệ mắc và chết do sốt rét, kinh phí khoảng 6 tỷ đồng/năm; dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh Gia Lai do ADB và SIDA tài trợ, thực hiện từ năm 2005-2009 với tổng kinh phí 6.138.000 USD; dự án mua sắm trang-thiết bị của Bệnh viện Đa khoa TP. Pleiku, với kinh phí 3 triệu USD, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2010; dự án hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người nghèo các tỉnh miền núi phía bắc Tây Nguyên (HEMA) do EC viện trợ từ năm 2007-2012 với tổng kinh phí là 2,5 triệu Euro. Tất cả các dự án trên đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo bác sĩ cho tuyến xã trong những năm qua được tỉnh đặc biệt quan tâm nên mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Năm 2000, toàn tỉnh có 2.220 cán bộ y tế với 325 bác sĩ (80 bác sĩ có trình độ sau đại học). Đến cuối năm 2011, có 3.989 cán bộ y tế, trong đó có 557 bác sĩ (221 bác sĩ có trình độ sau đại học), 21 dược sĩ đại học và 124 dược sĩ trung học, 1.171 điều dưỡng, 2.019 nhân viên y tế thôn làng; số trạm y tế xã có bác sĩ đạt tỷ lệ 60%; 100% số xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân đạt 5,78; tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân đạt 20,59. Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế cơ sở ngày càng nâng lên.

Từ năm 2003 đến nay, tỉnh quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, nhất là đào tạo bác sĩ cho tuyến xã như: Đã cử 220 em đi học cử tuyển bác sĩ tại các trường đại học y trong cả nước, đến năm 2010 có 44 em học ra trường về công tác tại tuyến y tế cơ sở; liên kết với Trường Đại học Y Dược Huế tổ chức 1 lớp đào tạo chuyên khoa cấp I chuyên ngành y tế cộng đồng tại tỉnh cho 31 bác sĩ và dược sĩ; 112 bác sĩ đang đi học sau đại học; Trường Trung học Y tế của tỉnh đào tạo hàng năm ra trường khoảng 200 em hệ trung cấp nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho các đơn vị y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở. Riêng trong năm 2011, giải quyết cho 32 người đi học đại học và sau đại học; 16 người thuộc các lớp bồi dưỡng khác, 8 trường hợp thuộc diện “trên điểm sàn dưới điểm chuẩn” đi học tại trường Đại học Y Dược Huế; tổ chức tiếp nhận 17 bác sĩ tốt nghiệp Học viện Quân y bố trí công tác tại các đơn vị y tế trong tỉnh. Một số huyện có tỷ lệ bác sĩ ở xã cao như: Ia Pa (67%), Chư Prông (50%), Chư Pah (44%)...

Thực hiện quan điểm kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo phát triển y học cổ truyền như quan tâm bố trí cán bộ y học cổ truyền ở các trung tâm y tế huyện, xã, phường, đặc biệt nhiều trạm y tế có vườn thuốc nam mẫu để tuyên truyền, hướng dẫn, góp phần hình thành ý thức sử dụng thuốc nam trong chữa bệnh thông thường cho nhân dân. Điển hình có TP. Pleiku, thị xã An Khê...

Nhìn chung, những năm qua mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh từng bước được hoàn thiện, chất lượng khám-chữa bệnh được nâng lên; công tác khám-chữa bệnh diện bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, dân nghèo đảm bảo công bằng; các chỉ tiêu, mục tiêu chăm sóc sức khỏe đạt và vượt kế hoạch đề ra, kiểm soát và khống chế kịp thời các loại dịch bệnh nguy hiểm. Công tác xã hội hóa các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe, phòng-chống dịch bệnh được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân, các loại hình dịch vụ y tế tư nhân được tạo điều kiện phát triển đã góp phần đáp ứng được nhu cầu về y tế của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đỗ Ngọc Hải
 

Có thể bạn quan tâm