Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Cùng Gia Lai online đón Giao thừa chào năm mới (trực tiếp)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi ánh nắng chiều vàng rọi của ngày 30 Tết dần tắt cũng là lúc người dân Phố núi khẩn trương hoàn thành công việc cuối năm còn dang dở và hân hoan chuẩn bị đón Giao thừa. Thời khắc thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới chỉ còn tính bằng giờ.


Tiết trời Phố núi đêm 30 cũng se sắt lạnh chẳng kém những ngày cận Tết vừa qua. Đường phố lung linh với ngập tràn cờ hoa và đèn màu. Trong trang phục áo ấm, khăn choàng, mọi người cùng nhau ra đường để tận hưởng không khí hân hoan trong đêm 30 Tết.

Nếu từ đầu tối, chợ hoa được xem là khu vực đông đúc nhất với các hoạt động vui chơi, chụp ảnh, bán-mua… thì càng về khuya, dòng người từ khắp mọi ngả đường lại tập trung về Quảng trường Đại đoàn kết, phía trước tượng đài Bác, náo nức chờ đón Lễ hội Giao thừa. Trên các tuyến đường xung quanh Quảng trường Đại Đoàn Kết như: Trần Hưng Đạo, Lý Tự Trọng, Lê Lợi, Anh Hùng Núp… lực lượng Công an đang tập trung điều tiết và phân luồng giao thông, đảm bảo cho người dân có thể đón một đêm Giao thừa ấm áp, trọn vẹn và an toàn nhất.

 

Trong tưng bừng rực rỡ pháo hoa và rộn rã âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên, các vị lãnh đạo đã cùng nhân dân vít cong cần rượu chúc nhau một năm mới Giáp Ngọ 2014 ấm no, hạnh phúc.

 

23 giờ 59 phút: Theo lời MC, tất cả mọi người có mặt tại Quảng trường cùng nhau đếm ngược trong sự háo hức: 10-9-8-7-6-5-4-3-2-1…
00 giờ 00 phút, pháo hoa bắt đầu tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời Phố núi, báo hiệu cho thời khắc thiêng liêng: Giao thừa. Giây phút đợi chờ nhất đã đến, tất cả mọi người cùng hướng mắt về phía những chùm pháo hoa đang bung tỏa, nở rộ đầy kiêu hãnh. Tiếng “ồ, à” ngạc nhiên của bọn trẻ, tiếng khen tặng, trầm trồ chen nhau trong âm thanh đì đùng của pháo nổ làm rộn rã, náo nhiệt cả Quảng trường.

 

23 giờ 57 phút: Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng đã đánh trống khai xuân

 

23 giờ 55 phút: Trong không khí rộn ràng chào đón năm mới, ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng bày tỏ: “Nhân dịp năm mới, trong thời khắc thiêng liêng, chuyển giao năm cũ và năm mới, tôi xin chúc toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh năm mới hạnh phúc, dành nhiều thắng lợi mới”.
 

 

23 giờ 48 phút: Dàn nhạc, cồng chiêng và vũ đoàn cùng kết hợp với nhau để thể hiện màn kết với bài hát “Xôn xao mùa xuân”. Sau màn pháo sáng lung linh trên sân khấu, là phần tái hiện ca khúc “Mùa xuân trở về”. Lời ca, tiếng hát, điệu múa, vòng xoan… trên nền nhịp chiêng âm vang, trong trống lân rộn rã. Tất cả giao hòa trong niềm phấn khởi, hân hoan chào mừng xuân mới.

 

23 giờ 45 phút: Cả Quảng trường như “nóng” lên, khán giả hào hứng cổ vũ trước sự xuất hiện của 4 Đội múa lân trên sân khấu. Từ xưa đến nay, múa lân đã trở thành một loại hình nghệ thuật mang đậm nét văn hóa dân gian không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Nó là biểu tượng của phước lành, thịnh vượng, dũng mãnh và quyền lực. Trong trang phục rực rỡ sắc màu vàng, đỏ, ông Địa cùng các chú lân đã đem đến cho khán giả những màn trình diễn ấn tượng, bắt mắt. Bên dưới, hầu hết khán giả “nhí” không rời mắt khỏi sân khấu dù chỉ là một phút.

 

23 giờ 40 phút: Ca khúc “Hát đi em mùa xuân” (sáng tác: Kỳ Phương) là một tiết mục sôi động do tốp ca nam và nhóm hip hop TP. Pleiku trình bày. Một mùa xuân căng tràn nhựa sống: “Hát đi em, mùa xuân đến/ Hát đi em, tràn ngập niềm vui”. Khán giả chăm chú theo dõi và cổ vũ nhiệt tình cho tiết mục hip hop đặc biệt.

 

23 giờ 36 phút: Giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết của ca khúc “Pleiku chưa xa đã nhớ” (Sáng tác: Ngọc Tường) vang lên giữa trời xuân Phố núi nghe ân tình, ấm áp. Một Pleiku thân thương với Biển Hồ trong xanh, với núi Hàm Rồng sừng sững giữa trời mây… như đã neo bến trái tim những ai từng gắn bó, ghé thăm.

 

23 giờ 30 phút: Chương trình được tiếp nối với nhạc phẩm “Nắng có còn Xuân”. Mùa xuân là mùa cỏ cây-vạn vật sinh sôi, khoe sắc; mùa chắp cánh cho những hy vọng và niềm tin, cho tình yêu đôi lứa. Dưới bầu trời Phố núi đêm 30 lộng gió, các cô gái duyên dáng trong trang phục rực rỡ sắc hồng của sen trong những điệu múa, bước nhảy, chúm chím môi cười. “Em chờ anh tình xuân đã qua rồi/Từng đàn chim trắng chở tình xuân/Ngàn sắc hoa xôn xao cành lá/Em cùng anh chào nắng ấm xuân về”…

23 giờ 27 phút: “Tổ quốc của tôi mấy ngàn năm chưa ngơi nghỉ, Tổ quốc linh thiêng, ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa. Mỗi người, mỗi lương tri thao thức tiếng Việt Nam”… Những ca từ trầm hùng của ca khúc “Tổ quốc gọi tên mình” (Nhạc: Đinh Trung Cẩn, Thơ: Nguyễn Phan Quế Mai, do ca sĩ Minh Hùng trình bày) đã làm thao thức biết bao trái tim khán giả.

 

23 giờ 19 phút: Tiếng chiêng cồng ngày một rộn rã hơn, bên dưới, khán giả đang chăm chú dõi theo từng bước chân, điệu múa uyển chuyển của nghệ nhân. Những vòng xoan cứ nhịp nhàng tiếp nối nhau trong ánh sáng rực rỡ, lung linh của đèn màu. Và trong làn khói trắng mờ, “Tiếng hát đêm nhà rông” cất lên với chất giọng khỏe khoắn, cao vang của nữ ca sĩ Y Blin. “Em hát điệu dân ca từ ngàn đời của ông cha/Em hát điệu dân ca quen thuộc của ngày ấu thơ… Bài dân ca năm xưa cha vót chông, diệt thù/Mẹ địu con lên nương bông lúa đã chín vàng…”.

 

23 giờ 15 phút: Bên cạnh 5 loại hình: Hát Xoan, Ca trù, Quan họ, Nhã nhạc Cung đình Huế và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ thì Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được vinh danh gồm cả không gian văn hóa của nghệ thuật, cội nguồn di sản, yếu tố tâm linh và thực tiễn sinh hoạt liên quan đến cồng chiêng của cư dân nơi di sản cồng chiêng tồn tại. Phần trình diễn cồng chiêng và múa truyền thống bài chiêng “Mừng chiến thắng” của đoàn nghệ nhân Cồng chiêng TP. Pleiku trên Lễ đài đã thể hiện được phong cách và thần thái của các nghệ nhân đang hòa nhập cộng đồng.
 

 
 

Tự hào với phần biểu diễn cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình, anh Rơ Châm Kis (xã Glar-huyện Đak Đoa) chia sẻ: “Nghe tiếng cồng chiêng khiến lòng mình rạo rực hơn hẳn. Đây là lần đầu tiên mình được xem biểu diễn cồng chiêng trên một sân khấu lớn với nhiều ánh đèn màu như thế này”.

 
 

23 giờ 10 phút: Không khí trở nên sôi động với tiết mục tam ca “Mùa xuân trở về” cùng phần phụ họa của nhóm Hip hop. Thông qua giai điệu rộn ràng cùng những ca từ tươi vui, bài hát đã khắc họa nên một khung cảnh mùa xuân đẹp đẽ, duyên dáng và căng tràn sắc hương. Để rồi, “Xuân mang niềm vui tới/Xuân mang tình yêu tới/Xôn xao trong tim ôi hạnh phúc tuyệt vời/Xuân thênh thang ngàn tia nắng/Xuân xua tan niềm cay đắng/Xuân lung linh trong dáng mai vàng, đào thắm, hồng hoa và lũ chim non đang về đây ca hát”…

 
 

23 giờ 3 phút: Chương trình tiếp tục với phần biểu diễn nghệ thuật “Mừng Đảng quang vinh-Mừng xuân Giáp Ngọ 2014” do các nghệ nhân, nghệ sĩ của 2 đoàn cồng chiêng, 4 đội múa lân TP. Pleiku và Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San thực hiện.

 
 

23 giờ: Phần nghi thức bắt đầu. Đến dự lễ hội có ông Ksor Phước-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; ông Hà Sơn Nhin- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Phạm Đình Thu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Phạm Thế Dũng-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể của tỉnh và TP. Pleiku; lãnh đạo các huyện, các đơn vị; các lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; cùng đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 

 

22 giờ 58 phút: Hàng ngàn người dân ở Pleiku và các huyện lân cận đã có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết từ sớm đang rất hồi hợp chờ đến chương trình lễ hội chính được bắt đầu vào lúc 23 giờ


22 giờ 35 phút: Anh Rơ Châm Phi (Ia Nhin, Chư Pah) chia sẻ rằng, anh đã vượt gần 30 km để có mặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết tham dự Lễ hội Giao thừa. “Đây là lần đầu tiên mình đi xem đêm hội Giao thừa. Không khí ở đây vui quá, mình thích lắm”- anh phấn khởi.

Còn anh Nguyễn Hoàng An (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thì Giao thừa năm nào cũng là cơ hội để cả gia đình cùng nhau tận hưởng không khí rộn ràng, ấm áp trong thời khắc chuẩn bị đón năm mới. “Giao thừa nào tôi cũng dẫn vợ con đi xem lễ hội, các cháu rất hào hứng với các tiết mục văn nghệ, nhất là chờ đón màn bắn pháo hoa”.

 

22 giờ 25 phút: Các tiết mục ca múa nhạc do Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và Du lịch đang diễn ra hết sức sôi động với những ca khúc quen thuộc như: Lời Chào Xuân Tây Nguyên. Việt Nam Quê Hương Tôi; Giọt Nắng Trên Cao Nguyên hay như tiết mục hát múa Gia Lai Những Chặng Đường Chiến Công do Tốp múa Nam, nữ của Đội văn nghệ Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.

 
 
 
 

22 giờ: Chương trình văn nghệ mừng Xuân mới với những bài ca, điệu múa ca ngợi quê hương đất nước, con người Việt Nam, do Trung tâm Văn hóa Điện ảnh và Du lịch tỉnh chủ trì phối hợp với Đội văn nghệ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Nhà Thiếu nhi tỉnh cùng đội cồng chiêng TP. Pleiku thực hiện.

 
 

LTS: Ban Biên tập Báo Gia Lai trân trọng cảm ơn quý độc giả đã quan tâm theo dõi chương trình trực tiếp lễ hội đón giao thừa của Báo GiaLai Online.

Nhân dịp năm mới, kính chúc quý độc giả An khang-Thịnh vượng.

BBT Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm