Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Cuộc thi "Một thời kháng chiến ở Gia Lai": Sống dậy ký ức hào hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhân kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018), nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức cuộc thi viết về “Một thời kháng chiến ở Gia Lai”. Qua 1 năm triển khai, cuộc thi đã thu được những kết quả đáng ghi nhận.
Một thời hoa lửa...
Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng cuộc thi đã tiếp nhận hơn 50 tác phẩm của nhiều tác giả đang sống và làm việc trên khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, cuộc thi có sự góp mặt của những cây bút được nhiều người biết đến như: nhà văn Trung Trung Đỉnh, Bùi Quốc Trưởng, nhà báo Nguyễn Ngọc Tấn... Đặc biệt hơn, phần lớn tác giả lại là những người đã trực tiếp cầm súng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trên chiến trường Bắc Tây Nguyên. Vì vậy, trang viết của họ là những dòng ký ức chân thực về những năm tháng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” nơi tuyến đầu lửa đạn hoặc các cơ sở cách mạng nơi rừng sâu, núi thẳm.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh là người con đất Bắc, nhưng với ông, Gia Lai là quê hương thứ 2, chiến trường Gia Lai là nơi rèn luyện và trưởng thành. Trong tác phẩm “Chiến khu K10 và 2 người con đặc biệt của Gia Lai”, ông đã tái hiện hình ảnh Anh hùng Núp và Anh hùng Trần Văn Bình một cách chân thực: “Tôi có cái may mắn là sớm được gặp Anh hùng Núp, vì khi ấy bok Núp đã làm Bí thư Huyện ủy Khu 10 kiêm Chính trị viên Huyện đội. Hơn thế, tôi lại còn được sống chung, công tác chung với ông mấy năm giữa thời trai trẻ ấy. Sau này thân quen, ông dẫn tôi và anh Nguyễn Mạnh Tăng (Trợ lý chính trị của ông, tức là của Huyện đội Khu 10) đến gặp bok Đẳng (đồng chí Trần Văn Bình)-Bí thư Tỉnh ủy. Đây là cuộc gặp mặt thật hy hữu và đặc biệt trong cuộc đời lính tráng của tôi. Ông Đẳng khi ấy là một người gần gũi và thương dân “như bok Hồ của Gia Lai”-bok Núp  nói với chúng tôi trước khi đến gặp”.
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Cũng là người trực tiếp cầm súng chiến đấu nơi chiến trường ác liệt Tây Nguyên, mở đầu cho tác phẩm “Nỗi nhớ rừng sâu”, tác giả Bùi Quốc Trưởng viết: “Chiến tranh đã lùi xa. Đồng đội tôi, những người một thời cùng chung mái nhà tranh vùng căn cứ, cùng chung những vui buồn, sướng khổ với bao nước mắt, tiếng cười... giờ đây người còn, kẻ mất. Nhưng có một điều luôn còn mãi trong tôi, đó là những kỷ niệm, những ký ức ngày đánh Mỹ trên rừng Tây Nguyên gian khó và khắc nghiệt. Tây Nguyên, Gia Lai là tình yêu, là nỗi nhớ mà tôi sẽ mang theo suốt cả cuộc đời”.
Ngoài Trung Trung Đỉnh, Bùi Quốc Trưởng, những dòng ký ức về “một thời kháng chiến ở Gia Lai” còn xuất hiện một cách đầy đặn trong tác phẩm của các tác giả: Ngô Thành, Trần Thị Mỹ, Trịnh Văn Cư, Phan Anh Tuấn... Đặc biệt, câu chuyện một thời kháng chiến gian khổ, ác liệt còn được ghi dấu trong tâm khảm của thế hệ con cháu bây giờ. Trong tác phẩm viết về ông ngoại của mình là Rơ Chom Thép-người con Jrai kiên trung với Đảng-tác giả Nay Ly Hương không giấu được niềm tự hào: “Năm 1989 và 2001, ông bà ngoại tôi lần lượt về với tổ tiên. Nhưng những ký ức, những câu chuyện về ông ngoại tôi tự bao giờ đã trở thành niềm tự hào sâu sắc và là nguồn động lực để thế hệ con, cháu chúng tôi nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, tích cực góp sức cùng đồng bào dân tộc Jrai nói riêng và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu mạnh”.
Xuyên suốt nội dung các tác phẩm dự thi, người đọc có thể hình dung một cách rõ nét hình ảnh đất và người Gia Lai trong những năm kháng chiến, kể cả giai đoạn hòa bình dựng xây sau này. Đặc biệt, đó là hình ảnh của những người con ưu tú từ bốn phương tụ hội về mảnh đất Gia Lai cùng đồng bào các dân tộc nơi đây đứng lên đấu tranh chống quân xâm lược đến ngày giang sơn thu về một mối.
Cần chú trọng giáo dục truyền thống
Là một trong những người phác họa ý tưởng, cũng là tác giả tích cực tham gia cuộc thi, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, giáo dục truyền thống cách mạng là việc làm cần thiết hiện nay. Bởi lẽ, theo thời gian, những tư liệu, nhân chứng của một thời đấu tranh cách mạng sẽ dần thưa vắng.
Ông Đoàn Minh Phụng-Trưởng ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh, Trưởng ban tổ chức cuộc thi-chia sẻ: Tuy lần đầu tổ chức nhưng cuộc thi đã đạt kết quả ngoài mong đợi. Trong những năm tới, nếu điều kiện cho phép thì Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp tổ chức cuộc thi với nội dung tương tự. “Những năm qua, Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh chú trọng tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ như: biên soạn, phát hành sách viết về một thời kháng chiến trên địa bàn tỉnh; tổ chức phiên chợ chiến khu xưa... Hy vọng thời gian tới, tỉnh sẽ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”-Trưởng ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại từ TP. Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Ngọc Hoa-con gái của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hồng-nhận xét: Giáo dục truyền thống cách mạng là mục đích chính của cuộc thi này. Ở góc độ ấy, Ban tổ chức đã thành công. Trong tương lai, chúng ta cần tổ chức các cuộc thi mang chủ đề tương tự.

Theo kế hoạch, sáng mai (27-4), lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết về “Một thời kháng chiến ở Gia Lai” sẽ được Ban Liên lạc những người kháng chiến tỉnh phối hợp với Báo Gia Lai tổ chức tại TP. Pleiku. Theo đó, Ban tổ chức sẽ trao 3 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 4 giải phụ. Cuộc thi do Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 
tài trợ.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm