Cuối dòng sông Lại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Như đã ngân hết bản trường ca của suối nguồn, dòng sông Lại (hay còn gọi là Lại Giang) muốn mang câu chuyện thác ghềnh của mình kể cho hạ nguồn trước khi ra biển tiếp tục cuộc hành trình xa khơi. Câu chuyện miên man, dùng dằng ở cửa biển An Dũ như một nỗi niềm nơi cuối dòng sông Lại.
Cũng như sông Đà Rằng chỉ sở hữu tên riêng ở hạ nguồn dòng sông Ba khi từ TP. Tuy Hòa chạy ra biển sau khi đi qua hết những cung bậc của thảo nguyên mênh mông, sông Lại chỉ chính thức mang tên mình sau khi hợp lưu 2 dòng sông Kim Sơn và An Lão tại ngã ba sông ngay thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Chỉ một đoạn đường chưa tới 20 km nhưng dòng sông kịp ghi dấu ấn của mình cho phong cảnh quê hương trước khi đổ ra biển cả.
 Cửa biển An Dũ-nơi sông Lại hòa mình ra biển. Ảnh: CÔNG TÂM
Cửa biển An Dũ-nơi sông Lại hòa mình ra biển. Ảnh: CÔNG TÂM
Sông Lại chắt chiu từng dòng nước nhỏ của 2 lưu vực rồi lặng lẽ đi qua thị trấn Bồng Sơn để hẹn hò với biển ở cửa An Dũ. Vắt ngang dòng sông, thỉnh thoảng xuất hiện những chiếc cầu tre nối đôi bờ cứ chòng chành trên mặt nước. Khi đến cửa An Dũ, nơi cuối dòng sông Lại, 4 mùa nước xanh thăm thẳm và đẹp đến nao lòng.
Không đổ thẳng ra biển như những dòng sông vội vã, sông Lại uốn một vòng cung, bồi thêm 2 doi cát chạy dọc 2 làng Hoài Hương và Hoài Hải tạo nên một đầm nước. Sự giao thoa giữa nước ngọt và mặn nơi đây tạo ra một vùng sinh thái cho các loại tôm cá nước lợ sinh sống. Để tận hưởng nguồn lợi thủy hải sản đặc biệt này, ngư dân giăng lưới vó đầy mặt nước khiến đoạn cuối của dòng sông trở nên thật hữu tình và trù phú.
Để tô điểm thêm cảnh đẹp tự nhiên, nhiều người dân đã mở quán cà phê trên những đồi cát. Ngồi ngắm về phía biển mênh mông, thấy dòng sông trở nên thật nhỏ bé nhưng cũng vô cùng bền bỉ, suốt đời lắng nước cho biển khơi. Đây là nơi lý tưởng cho những cặp tình nhân lãng mạn ngồi đắm mình trong thiên nhiên để thấy cuộc sống đẹp hơn, con người gần gũi với nhau hơn. Đêm, đèn chong lên như những ánh sao lấp lánh in xuống mặt nước, những con sóng lăn tăn kéo ánh sáng dài ra thành từng vệt. Khi bình minh thức giấc, những lưới vó như hứng cả hừng đông gom lại trong giỏ cá đầy ắp của mình.
Con người ở đây hay du khách đến đây đứng trước dòng sông cũng trở nên hào phóng, thân thiện. Có một chàng trai từ TP. Hồ Chí Minh phải lòng với dòng sông, cứ rảnh việc là vác ba lô, máy ảnh bay ra doi cát nằm ngủ để chờ bình minh. Cho dù đến sớm hay khuya, chàng trai cũng “được phép” đẩy cửa vào bất cứ quán cà phê nào, cột võng lên rừng thông vi vút gió mà nằm, mà tận hưởng cái mênh mông tứ phía.
Cảnh đẹp nhất là lúc cửa An Dũ đón bình minh. Ánh sáng ửng hồng trên những lưới vó, những chiếc chòi canh soi bóng trên mặt nước, bóng những ngư dân trên chiếc thuyền thúng nhấp nhô trong cái nhìn ngược sáng làm cho cửa biển hiện ra trong bình minh trở nên rộn ràng và huyền ảo. Tò mò muốn một lần được ngồi lên thúng đi kéo cá, tôi chưa kịp ngỏ lời thì một lão ngư đã lên tiếng: “Có muốn ra rớ cho biết không?”. Như mở cờ trong bụng, tôi nhảy phóc lên làm thúng chòng chành. Đi một đoạn, lão ngư lại hỏi: “Có muốn chèo thử không?”. Lão chỉ cho tôi động tác cơ bản rồi cười khà khà khi cái thúng cứ quay tròn. Tôi áy náy vì làm mất thời gian làm ăn của lão, còn lão rít điếu thuốc rồi cười khà khà: “Ở đây đi chơi là đi làm, đi làm cũng như đi ngắm cảnh thôi. Chú em chờ tui kiếm con cá ngon lên nướng nhậu ngay trên mặt sông này, ngồi đây vừa nhậu vừa ngắm biển thì đã lắm”.
Tiếng cười giòn tan trên mặt nước, cứ lênh láng, rộn ràng không bao giờ dứt. Ngư dân ở đây bảo rằng cửa An Dũ là món quà của thiên nhiên hào phóng ban tặng cho họ. Có biết đâu chính họ cũng làm cho thiên nhiên đẹp hơn, ấm áp lòng người hơn.
TRƯỜNG ĐĂNG

Có thể bạn quan tâm