Đà Lạt, từ ô cửa biệt thự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các biệt thự cổ ở Đà Lạt có nghệ thuật thẩm mỹ hiện đại, với những gian phòng có tầm nhìn rộng, thường hướng ra cảnh quan thị giác đô thị. Từ những ô cửa, có thể ngắm nhìn các công trình kiến trúc nghệ thuật, phong cảnh và nhịp sống phố núi.

Bên khung cửa
Bên khung cửa


 Ngày cuối tuần, từ ô cửa của Sofitel Dalat Palace, tôi được cận cảnh nhà Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù và những cung đường nhàn du uốn lượn trên phố núi; được ngắm dãy Lang Biang xa mờ bồng bềnh trong mây. Khách sạn cảnh quan kiến trúc tuyệt diệu này có tên gọi cũ là Langbian Palace, được khởi công xây dựng từ năm 1916 và khai trương sau đó sáu năm, theo kiến trúc hiện đại kết hợp trường phái cổ điển; khuôn viên rộng hơn 40,3 nghìn m2, quanh công trình là vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ và rừng thông. Giống những công trình kiến trúc khác đương thời, khách sạn Palace có mặt tiền hướng về núi Langbiang.
 
Lang thang trong khuôn viên lãng mạn Sofitel Dalat Palace cùng Tiến sĩ kiến trúc Emmanuel Cerise, đại diện Vùng Île-de-France tại Hà Nội, trưởng phòng PRX - Việt Nam, tôi được nghe ông kể nhiều kỷ niệm về Đà Lạt. Ông nói: “Mỗi lần đến Đà Lạt, tôi ngỡ mình như cậu học trò thuở xưa đang dã ngoại về những miền quê nước Pháp”. Theo TS Emmanuel Cerise, dấu ấn kiến trúc Pháp rất đa dạng ở Đà Lạt. Nhưng vì sao người Pháp lại đưa rất nhiều công trình kiến trúc của mình đến đây? Bởi vì, khi họ đặt chân đến vùng đất này và nhận ra rằng, đây là nơi có thể tái hiện một đô thị kiểu Pháp, vì không gian cảnh quan, thiên nhiên, khí hậu đều tương tự quê hương họ.


 

Biệt thự cổ ở đường Trần Hưng Đạo
Biệt thự cổ ở đường Trần Hưng Đạo

 
Cuối thế kỷ 19, người Pháp đã khéo chọn cao nguyên Langbiang, nơi có địa hình và điều kiện khí hậu đặc trưng để kiến tạo đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt. Người Pháp nổi tiếng lãng mạn và họ cần một không gian lãng mạn để xây dựng thành phố kiểu Âu theo xu hướng “hoài hương”. Đô thị đặc biệt này đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn. Nhiều công trình kiến trúc cổ ở đây đã tạo nên biểu tượng, đan dệt thành ký ức đô thị Đà Lạt, lưu định trong trí nhớ nhiều người.
 
Sáng. Từ những ô cửa các biệt thự trên trục di sản Đông - Tây của đô thị Đà Lạt, ta có thể bao quát thành phố cao nguyên, với từng lớp nhà xuôi xuống thung lũng, ẩn hiện trong rừng thông và sương mù. Đêm. Bầu trời dường như xuống thấp, lung linh những vì sao. Ở đô thị Đà Lạt, mỗi công trình, cụm công trình được sắp đặt khéo léo nhằm khai thác triệt để đặc điểm địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tạo nên thành phố bản sắc, khó nhầm lẫn với kiến trúc ở các đô thị khác trong nước và trên thế giới. “Có thể khẳng định, giá trị cốt lõi tạo nên thương hiệu Đà Lạt là ở các đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và hệ thống di sản kiến trúc hiếm nơi nào có” - KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho biết.


 

Cung bậc phố núi
Cung bậc phố núi


 Đà Lạt được nhìn nhận như một “Bảo tàng kiến trúc Pháp thế kỷ 20 tại Việt Nam”. Đô thị cao nguyên này đang sở hữu khoảng 1.500 biệt thự, dinh thự, thánh đường cổ, được xem là mẫu hình tiêu biểu của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong số này, có hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng kiều diễm, ẩn mình giữa những rừng thông, núi đồi đầy mê hoặc. Điều độc đáo là không có sự trùng lặp kiểu dáng, mỗi công trình là một tác phẩm kiến trúc hoàn mỹ, đặt trong sự thể nghiệm những giá trị thẩm mỹ mới, trên cơ sở vừa tuân theo các nguyên tắc cục bộ đô thị kiểu Pháp, vừa phù hợp đặc điểm cảnh quan tự nhiên và văn hóa địa phương trong thiết kế các tổng thể kiến trúc đô thị. Và đặc điểm chung, những công trình biệt thự này luôn có vườn hoa, cách xa nhau, có tầm nhìn thoáng ra cảnh quan. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền… KTS Hoàng Đạo Kính thì nhìn nhận, rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp, nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ “cuộc hôn phối” giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người.
 
Từ ô cửa quán cà phê biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo, trục di sản Đông - Tây của đô thị Đà Lạt, tôi chọn góc quán tĩnh lặng để lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, phố phường những bước chân không ríu vào nhau, thong dong và thư nhàn. Ngày thường, Đà Lạt “lặng” đến lạ. Bởi thế, nên nhà thơ Nguyễn Duy đã “nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi”. Có lẽ, khí hậu, môi trường tự nhiên đã ảnh hưởng đến tư tưởng, quan niệm sống và phong thái của người dân xứ này!

 

Trong khuôn viên khách sạn Palace
Trong khuôn viên khách sạn Palace

 
Phóng tầm nhìn bao quát, có thể nhận thấy địa hình Đà Lạt uyển chuyển, mềm mại, dẫn dắt tầm nhìn hướng về dãy núi Langbiang, tạo thành cảnh quan thị giác đô thị đặc thù. Đà Lạt mang dấu ấn phong cách và ngôn ngữ kiến trúc Pháp khá rõ. Nhưng ngược lại, các nhà kiến trúc này cũng chịu ảnh hưởng của đặc điểm thiên nhiên Đà Lạt. Đó là sự giao thoa tự nhiên. Những kiến trúc ở thành phố cao nguyên được sáng tạo từ nguồn cảm hứng địa phương để tạo thành kiểu kiến trúc độc đáo, đậm bản sắc. Nghệ thuật tổ chức cảnh quan, điều kiện tự nhiên, giá trị nhân văn, cùng nghệ thuật kiến trúc công trình đã đan dệt, kiến tạo nên hình ảnh đô thị Đà Lạt, đủ để những bước chân lữ khách dùng dằng chẳng muốn rời xa.
 
Các đỉnh tháp nhà thờ Chánh tòa, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt; không gian và địa thế hồ Xuân Hương, khách sạn Palace, nhà ga; hình ảnh chợ Đà Lạt và các dinh thự, biệt thự cổ; vị thế và bóng dáng của phố trung tâm… đã tạo nên bản đồ ảo đô thị Đà Lạt. Và chỉ có những đô thị có ký ức, có biểu tượng mới có thể tạo cho thị dân, du khách bản đồ ảo để định vị không gian, để lưu định hình ảnh về đô thị mà mình đang sống, đã sống và từng là lữ khách.


 
http://baolamdong.vn/dulich/kham-pha/202106/da-lat-tu-o-cua-biet-thu-3061570/

Theo MAI VĂN BẢO (LĐ online)

Có thể bạn quan tâm