Đà Nẵng thí điểm khai thác du lịch kết hợp phát triển nông, lâm sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề án thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang của Đà Nẵng được triển khai với số lượng không quá 15 mô hình.
 
Sông Cu Đê chảy qua địa bàn huyện Hòa Vang tạo nên nhiều điểm du lịch cộng đồng cho du khách đến tham quan trải nghiệm. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Sông Cu Đê chảy qua địa bàn huyện Hòa Vang tạo nên nhiều điểm du lịch cộng đồng cho du khách đến tham quan trải nghiệm. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN
Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định triển khai Đề án thực hiện thí điểm khai khác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang.
Đề án để cụ thể hóa Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chương trình, Nghị quyết của Đảng bộ thành phố, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng hướng đến mục tiêu phát triển các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản của huyện Hòa Vang trở thành những điểm nông nghiệp gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân nông thôn.
Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của Đà Nẵng; phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững đồng thời đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch, người dân đô thị, giáo dục trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông; khôi phục hoạt động du lịch của Đà Nẵng sau đại dịch COVID-19.
Đề án được thực hiện thí điểm từ năm 2022 đến 2025 với số lượng không quá 15 mô hình thí điểm. Các loại đất được triển khai mô hình gồm, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất rừng sản xuất.
Nguyên tắc thực hiện mô hình là khai thác không gian, cảnh quan sinh thái vùng sản xuất nông, lâm, nuôi trồng thủy sản để gia tăng giá trị kinh tế, tạo sinh kế mới cho người dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho đối tượng khách du lịch trong ngày; các hạng mục cơ sở vật chất thực hiện phải bằng vật liệu thô sơ, thân thiện môi trường, không phá vỡ cảnh quan chung.
Để tránh trường hợp thực hiện không đúng mục đích các mô hình, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quy định rõ việc thực hiện mô hình phải tuân thủ nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu 70% diện tích đất phải phục vụ sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Các mô hình phải được thực hiện trên đất được nhà nước quản lý theo mọi hình thức. Đồng thời, mô hình không được cung cấp dịch vụ lưu trú; không để cơ sở hạ tầng trong mô hình thành chỗ ở, nơi thờ tự và thực hành tôn giáo, tín ngưỡng...
Các mô hình thí điểm sẽ được triển khai các dịch vụ trải nghiệm, dịch vụ ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí…
Thành phố đã giao Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai để thực hiện tốt mô hình thí điểm; tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch, đào tạo nhân lực, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các tour du lịch quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp tại huyện, qua đó, góp phần sớm khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, đồng thời thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, với phương châm “chủ động-thích ứng-linh hoạt” trong tình hình mới.
Theo Trần Lê Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm