Thời sự - Bình luận

Đã về hưu có cần xóa tư cách chức vụ không?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự thì không bị xóa tư cách chức vụ, người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự thì lại bị xóa tư cách chức vụ - điểm bất hợp lý theo phân tích của đại biểu QH.
 
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 24-10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, một số đại biểu đã nêu ý kiến về hình thức kỷ luật "xóa tư cách chức vụ" đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp - cho rằng quy định trong dự thảo về việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu là chưa hợp lý.
Ông Hiển đồng tình sự cần thiết phải rà soát hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật về mặt Đảng và chính quyền.
"Tuy nhiên, thống nhất không có nghĩa là bên Đảng kỷ luật thế nào nào thì bên nhà nước cũng phải có hình thức kỷ luật như vậy", ông Hiển phát biểu.
"Cần hiểu thống nhất, đồng bộ ở đây là về tính chất, sự nghiêm khắc của chế tài xử lý kỷ luật chứ không phải chế tài xử lý kỷ luật với tên gọi giống nhau. Giữa trách nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý có đặc thù khác nhau".
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp phân tích: Về mặt pháp lý, rất khó giải thích thế nào là "tư cách chức vụ" và hiện không có văn bản nào dùng khái niệm này.
Mặt khác, quy định xóa tư cách không tương thích và thống nhất với các quy định về trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự và các quy định về xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đương chức.
Ví dụ, Bộ luật hình sự hiện quy định nếu một cán bộ, công chức giữ chức vụ, quyền hạn cao bị xử lý hình sự phạt tù có thời hạn, chung thân thì họ vẫn không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm.
Tương tự, cán bộ, công chức đương chức bị kỷ luật buộc thôi việc cũng không bị xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm trước đó.
"Như vậy, cán bộ, công chức đương chức gây hậu quả pháp lý nghiêm trọng phải xử lý hình sự lại không bị xóa tư cách chức vụ, còn người đã nghỉ hưu có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị xóa tư cách chức vụ", ông Hiển chỉ ra điểm ông cho là bất hợp lý.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cảnh báo việc quy định xóa tư cách chức vụ sẽ tạo sự tranh cãi liệu những văn bản, quyết định… mà người bị xóa tư cách chức vụ đã ký trước đó có còn hiệu lực hay không.
Từ những bất cập trên, viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đề nghị không quy định xóa tư cách chức vụ với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.
Thay vào đó, nên quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn, kèm theo tước bỏ hoặc cắt giảm chế độ chính sách đang được hưởng gồm lương hưu, danh hiệu, danh xưng, huân huy chương.
Người bị kỷ luật cũng sẽ không còn có quyền giới thiệu và được giới thiệu là nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng...
"Tôi thấy quy định như thế là logic về pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn nước ta. Nghĩa là phải kỷ luật cái hiện hữu đang có, tác động đến lợi ích vật chất và tinh thần của người bị kỷ luật", ông Nguyễn Văn Hiển nói.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) lưu ý: Cán bộ, công chức đã nghỉ hưu, nghỉ việc là họ hết chức vụ, không còn nằm trong biên chế, không còn hưởng lương ngân sách mà hưởng lương phụ cấp bảo hiểm xã hội.
Do vậy, theo ông Vân, nếu đưa ra biện pháp xử lý kỷ luật cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu vào luật thì chỉ quy định tước bỏ những phụ cấp đặc thù hoặc quyền lợi kèm theo. Còn lương hưu thì không thể cắt được.
Tiến Long-Ngọc Hiển (TTO)

Có thể bạn quan tâm