Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III: Đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 25-11, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku) đã diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh lần thứ III-2019. Đồng chí Trương Hòa Bình-Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về dự và chỉ đạo đại hội.
Đến dự đại hội còn có các đồng chí: Ksor Phước-nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Trương Thị Ngọc Ánh-Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nông Quốc Tuấn-Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc; đại diện Văn phòng Chính phủ, Ban Dân tộc các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đak Lak, Đak Nông…
Tham dự đại hội về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cùng 250 đại biểu đại diện cho 34 dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Nông Quốc Tuấn trao bằng khen cho 5 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Ảnh: ĐỨC THỤY
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Nông Quốc Tuấn trao bằng khen cho 5 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Ảnh: ĐỨC THỤY
Nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ
Trong không khí phấn khởi, đồng chí Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh vui mừng báo cáo trước đại hội những kết quả đã đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2019. Theo đó, xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, những năm qua, tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; triển khai đồng bộ, có hiệu quả 22 chính sách dân tộc; đồng thời luôn ưu tiên dành nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho khu vực này.
Đến nay, kinh tế-xã hội vùng DTTS ngày càng phát triển; bản sắc văn hóa luôn được duy trì và phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí từng bước được nâng lên. Giai đoạn 2014-2019, tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn là hơn 457,1 tỷ đồng; hỗ trợ được 12.375 con bò giống, 18.178 tấn muối i ốt, 500 tấn giống cây trồng và 7.776 tấn phân bón các loại cho khoảng 1,1 triệu lượt khẩu thuộc hộ nghèo đồng bào DTTS; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.494 hộ với kinh phí hơn 56 tỷ đồng; trên 90% thôn, làng đồng bào DTTS được định canh định cư ổn định; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm bình quân 6,37%.
Ông Kpă Phình (làng Blôm, xã Kim Tân, huyện Ia Pa) phấn khởi cho biết: “Đời sống đồng bào DTTS giờ đây đã có nhiều đổi thay tích cực, không còn đói kém như trước. Bà con được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, biết áp dụng máy móc, tiến bộ khoa học vào sản xuất thay lao động chân tay để tăng hiệu quả. Buôn làng ngày càng sạch đẹp, ấm no hơn”. Còn bà Quách Thị Hải (tổ dân phố Plei Ktỏh, thị trấn Kông Chro) thì chia sẻ: “Dù là dân tộc ít người từ phía Bắc di cư vào song chúng tôi luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện hỗ trợ định canh định cư, tiếp cận các nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Bà con vô cùng phấn khởi, luôn đoàn kết với đồng bào Kinh, Bahnar tại chỗ để xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp ở khu dân cư. Sau đại hội này, tôi mong rằng tỉnh sẽ có nhiều chính sách hay, thiết thực hơn nữa dành cho đồng bào DTTS”.
 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng 50 triệu đồng cho Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng 50 triệu đồng cho Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai. Ảnh: ĐỨC THỤY
Song song với đó, cơ sở hạ tầng được tăng cường đầu tư đáng kể với 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm; hơn 90% chiều dài đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện đã nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Phần lớn các thôn, làng nơi đồng bào DTTS sinh sống có nhà trẻ, trường mẫu giáo; các xã đều đã có trường tiểu học, THCS; học sinh, sinh viên DTTS đi học được hỗ trợ theo quy định; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 36,8%. Bên cạnh đó, 88% số xã có bác sĩ; 77,5% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. 99,3% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 93% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghe đài phát thanh đạt 99% và xem truyền hình đạt 96,5%. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị được quan tâm; số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong các cơ quan hành chính nhà nước ngày càng được nâng lên…
Tiếp tục tập trung phát triển vùng DTTS
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đó là, so với mặt bằng chung của tỉnh, vùng DTTS còn nhiều khó khăn. Khoảng cách chênh lệch về phát triển kinh tế-xã hội và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản giữa vùng dân tộc và đô thị còn khá lớn, hộ nghèo là người DTTS còn chiếm tỷ lệ cao; kết quả giảm nghèo chưa bền vững; chất lượng giáo dục có mặt còn hạn chế; các dịch vụ y tế còn ở mức thấp so với các vùng, miền khác trong tỉnh. Đội ngũ cán bộ người DTTS có trình độ cao còn ít, chưa đồng đều ở các cấp, các lĩnh vực, các dân tộc. Nguồn lực đầu tư cho chính sách chưa nhiều, chưa tập trung; một số chương trình, dự án đã được phê duyệt nhưng kinh phí phân bổ chưa đáp ứng. Chính sách dân tộc chưa mang tầm chiến lược, cơ bản, lâu dài; quá trình xây dựng chính sách còn chưa huy động sự tham gia của người dân nên có chính sách chưa phù hợp với đặc điểm và nguyện vọng của đồng bào các dân tộc...
Phát biểu chỉ đạo đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình bày tỏ sự đồng tình và chia sẻ với những khó khăn mà tỉnh Gia Lai đang gặp phải. Thời gian tới, để vùng DTTS của tỉnh phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh tiếp tục ưu tiên, tập trung các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ; khai thác tiềm năng, lợi thế để tạo sinh kế mới, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đi đôi với phát triển kinh tế, tỉnh cũng cần quan tâm phát triển giáo dục-đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng đồng bào DTTS; có kế hoạch, giải pháp thiết thực đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào DTTS để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự. Chăm lo, bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: ĐỨC THỤY
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: ĐỨC THỤY

Một số mục tiêu phấn đấu đến năm 2024: thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS tăng gấp 1,5 lần so với hiện nay; tỷ lệ giảm nghèo hàng năm 2,04%; 100% hộ có phương tiện nghe, nhìn; 100% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và 100% xã có đường ô tô được nhựa hóa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 80% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa; 100% xã có trường mầm non, tiểu học, THCS đáp ứng nhu cầu học tập; 90% xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế...


Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý: Tỉnh cần tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở thật sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng-chống giảm nhẹ thiên tai trong vùng đồng bào DTTS. “Tôi rất kỳ vọng 250 đại biểu chính thức của đại hội hôm nay là những người con ưu tú đại diện cho gần 700 ngàn người thuộc 34 thành phần DTTS đang sinh sống, công tác, cư trú trên quê hương Gia Lai sẽ ghi lòng tạc dạ công ơn đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ muôn vàn kính yêu; lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc của tỉnh đồng lòng chung sức, xây dựng tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại; mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”-Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.
Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn tỉnh lần thứ III-2019 đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Đại hội đã biểu quyết thông qua Quyết tâm thư với niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. 
Tại đại hội, 59 đại biểu ưu tú cũng đã được bầu chọn để đại diện cho các DTTS tỉnh nhà tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II-2020. Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai số tiền 50 triệu đồng. 5 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 39 tập thể và 166 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc ở địa phương từ năm 2014 đến năm 2019.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm