Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đại hội Đảng đầu tiên ở nước ngoài và 6 năm 4 lần bầu Tổng Bí thư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong 90 năm lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), Đảng đã tổ chức 12 Đại hội đại biểu toàn quốc. Trong đó có một Đại hội Đảng đã tổ chức ở nước ngoài và trong khoảng thời gian 6 năm từ 1935 -1941, Đảng đã 4 lần bầu Tổng Bí thư.
 
Các Tổng Bí thư của Đảng: Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ và Trường Chinh (tính từ trái sang -ảnh T.L).
Trong lịch sử Đảng CSVN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1935; địa điểm: nhà số 2 Quan Công Lộ, Ma Cao, Trung Quốc. Có 13 đại biểu đại diện cho 600 đảng viên trong cả nước dự Đại hội. Lúc này lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đang công tác ở Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng ta đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, nên không tham dự được.
Tính thời gian từ Hội nghị thành lập Đảng CSVN ngày 3/2/1930 tại Hương Cảng Hồng Kông - Trung Quốc, (sau đổi tên Đảng Cộng sản Đông Dương, Đảng Lao động Việt Nam và quay về tên Đảng CSVN) đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất là hơn 5 năm.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 9 ủy viên chính thức và 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Hồng Phong (1902-1942) được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Ban Chấp hành Trung ương nhất trí cử đồng chí Nguyễn Ái Quốc là đại biểu của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
Trong lịch sử Đảng CSVN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất là Đại hội duy nhất Đảng ta phải tổ chức ở nước ngoài. Theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM), sau khủng bố trắng của thực dân Pháp với phong trào cách mạng 1930 -1931, đỉnh cao là Xô Việt Nghệ Tĩnh, đến thời điểm năm 1935, Đảng đã dần dần khôi phục phong trào cách mạng. Tuy nhiên tình hình trong nước lúc đó rất khó khăn, chưa có cơ sở vững chắc để tiến hành Đại hội nên Đảng đã tổ chức Đại hội ở nước ngoài để đảm bảo an toàn.
Từ thành công của Đại hội Đảng lần thứ nhất đã đánh dấu thắng lợi căn bản của cuộc đấu tranh gìn giữ và khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ cơ sở đến trung ương. Đây là một điều kiện cơ bản và cần thiết để Đảng bước vào một thời kỳ đấu tranh mới. 
Sau khi được bầu tại Đại hội Đảng lần thứ I, đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư đến tháng 10/1936. Từ tháng 10/1936, đồng chí Hà Huy Tập (1906 -1941) được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Đến ngày 29 và 30/3/1938 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định lập Mặt trận thống nhất dân chủ. Bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư thay đồng chí Hà Huy Tập. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ sau thời gian hoạt động đã bị thực dân Pháp bắt (tháng 1/1940) và chúng xử tử hình người Cộng sản trung kiên này vào tháng 8/1941.
Tháng 1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (Cao Bằng) sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Tại đây, tháng 5/1941, Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8, đồng chí Trường Chinh (1907-1988) được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Như vậy tính từ năm 1935 đến năm 1941, Đảng đã 4 lần bầu Tổng Bí thư.
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang), đồng chí Trường Chinh tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư của Đảng. Tính thời gian từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần I đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần II của Đảng thời gian gần 16 năm.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Đảng được tổ chức năm 1960 tại Hà Nội và sau đó cũng phải hơn 16 năm Đảng mới tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV vào cuối năm 1976, sau hơn một năm đất nước đã thống nhất. Một trong những nội dung đáng chú ý là Đại hội quyết định đổi tên Đảng Lao động Việt Nam (lấy tên từ 1951) thành Đảng CSVN đặt lại chức vụ Tổng Bí thư thay chức Bí thư thứ nhất (tên gọi chức danh này đặt ra tại Đại hội III -1960), quy định nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương là 5 năm.
PVCT (Dân Việt)
http://danviet.vn/tin-tuc/dai-hoi-dang-dau-tien-o-nuoc-ngoai-va-6-nam-4-lan-bau-tong-bi-thu-1054682.html

Có thể bạn quan tâm