Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, nhân dân các dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk luôn giữ vững niềm tin son sắt với Đảng và kỳ vọng Đại hội lần thứ XIII sẽ đề ra những quyết sách mang tính chiến lược, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Niềm tin son sắt
Tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc anh em sinh sống. Hòa chung với dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng bào tỉnh Đắk Lắk luôn đồng sức, đồng lòng cùng quân, dân cả nước vững bước dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với “cuộc chiến chống đói nghèo” và “hàn gắn vết thương chiến tranh”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đắk Lắk tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Để có được sự phát triển đó, bên cạnh nỗ lực của cả hệ thống chính trị tại địa phương là sự hỗ trợ từ những quyết sách của Trung ương, trở thành “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk.
Tỉnh Đắk Lắk chú trọng thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020. Trong ảnh: Rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Buôn Đôn. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN |
Là một trong những người có uy tín trong cộng đồng, nhiều năm là Trưởng buôn, ông Y Đức Êban ở buôn Sút Mgrư, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, nhìn lại quá trình phát triển của tỉnh Đắk Lắk, rõ ràng bộ mặt nông thôn tại các buôn làng đã có sự thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây, đường xá, nhà cửa đều tạm bợ, bây giờ cơ sở hạ tầng giao thông, nhà cửa, đời sống kinh tế nhân dân tại các buôn, làng đã được nâng cao. Với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã từng bước đẩy lùi “cái đói, cái nghèo”. Nhiều gia đình vươn lên làm giàu, trở thành những cá nhân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh và cả nước.
Đến hết năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được hơn 35.400 ha cà phê trên tổng diện tích cà phê là hơn 208.100 ha. Niên vụ 2019 - 2020, diện tích cà phê cho thu hoạch là 190.678 ha (tăng 2.738 ha so với niên vụ 2012 - 2013); Sản lượng cà phê niên vụ 2012 - 2013 từ hơn 390.510 tấn đến niên vụ 2019 - 2020 đã tăng lên gần 476.420 tấn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo ông Y Đức Êban, để có được sự đổi thay trên là nhờ vào những chính sách, đường lối đúng đắn của Đảng. “Với vai trò là một Trưởng buôn, trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục làm tốt khâu tuyên truyền, vận động đồng bào giữ trọn niềm tin với Đảng; không nghe, không tin vào sự lôi kéo, xúi giục của các phần tử cơ hội, phản động làm những việc trái quy định của pháp luật. Cùng vớ đó, tiếp tục vươn lên trong lao động sản xuất làm giàu cho gia đình, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp” ông Y Đức Êban nói.
Cùng quan điểm trên, bà H’ Ngok Êban, buôn Sứt M’Đăng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong công cuộc đổi mới đất nước, bên cạnh đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc anh em được nâng cao, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội của nhân dân cũng được đầy đủ và thuận lợi hơn. Điều này góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Hướng tới Đại hội XIII của Đảng, nhân dân cả nước cũng như các dân tộc anh em tại tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng về những bước phát triển mang tính đột phá, bền vững sau Đại hội.
Kỳ vọng về những quyết sách của Đại hội
Chia ser về kỳ vọng trước thềm Đại hội XIII của Đảng, ông Y Đức Êban cho biết, mặc dù đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nhưng để tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ hơn, nhân dân tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ đưa ra những quyết sách lớn, mang tầm chiến lược để đưa buôn làng “cất cánh” và giải tỏa các “điểm nghẽn” đang tồn tại hiện nay như: cần có cơ chế, chính sách đặc thù giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Qua thực tế tại địa phương và theo dõi trên các phương tiện thông tin, có một thực trạng là con em đồng bào dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học rất nhiều nhưng sau nhiều năm vẫn chưa có việc làm phù hợp.
Tặng học bổng Vừ A Dính cho học sinh dân tộc vượt khó hiếu học tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoài Thu/TTXVN. |
Theo ông Y Đức Êban, nếu được giải quyết được điểm nghẽn trên, đội ngũ lao động trí thức là con em đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có sự đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên Cao nguyên Đắk Lắk.
Bà H’ Ngok Êban, buôn Sứt M’Đăng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk bày tỏ, với đặc thù nền kinh tế Đắk Lắk thì nông nghiệp vẫn là ngành chủ lực. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá cả thị trường biến động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kỹ thuật canh tác lạc hậu, chủ yếu sản xuất thô, giá trị sản phẩm thấp… đang trở thành “bài toán” cần sớm có “lời giải” để giúp nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
“Trước thực tế trên, nhân dân Đắk Lắk kỳ vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ có những quyết sách để tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế của người dân. Trong đó, cần ưu tiên nguồn lực phát triển công nghiệp chế biến nông sản để nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm và ổn định thị trường tiêu thụ, tránh câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa lặp lại trong nhiều năm qua”, bà H’ Ngok Êban nói.
"Bên cạnh đó, cần có chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ để hướng đến nền sản xuất hàng hóa, bền vững. Hiện nay, một bộ phận người dân trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đến các tỉnh phía Nam để lao động trong các khu công nghiệp, vì vậy cần ưu tiên nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để “mở đường” cho phát triển công nghiệp tại địa phương. Điều này không chỉ góp phần vào phát triển nền kinh tế mà còn giúp giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân và về lâu dài sẽ giải quyết vấn đề an sinh xã hội khi người dân có được việc làm, thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất quê hương", bà H’ Ngok Êban chia sẻ.
Một trong những trăn trở của nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đồng bào các dân tộc mong muốn sau Đại hội sẽ có những chính sách để tiếp tục thực hiện chủ trương bảo tồn nền văn hóa dân tộc.
Bà H’Yam Bkrông, dân tộc Êđê, buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo tồn nền văn hóa của mỗi thành phần dân tộc. Đối với Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, sự phát triển kinh tế phải gắn với bảo tồn diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, các lễ hội… Mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều nguồn lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tuy nhiên, trước sự phát triển của cơ chế thị trường, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, bảo tồn văn hóa phải gắn liền với phát triển kinh tế.
“Hy vọng Đại hội XIII của Đảng sẽ có những quyết sách lớn, để trong nhiệm kỳ mới có sự quan tâm hơn nữa đến vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để định hướng, hỗ trợ đồng bào trong việc phát triển các ngành nghề kinh tế như du lịch cộng đồng, dệt thổ cẩm, trải nghiệm, khám phá các nền văn hóa bản địa… Điều này góp phần gắn việc giữ gìn bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế, các dân tộc, vừa giữ gìn, phát huy được bản sắc văn hóa, vừa phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh, phong tục, tập quán của văn hóa dân tộc đến đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài nước” - bà H’Yam Bkrông chia sẻ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Bùi Văn Cường, cho biết, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đắk Lắk trở thành tỉnh đi đầu của khu vực trong các hoạt động ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp vào sản xuất. Đồng thời, tiếp thu sự chỉ đạo của Trung ương và những quyết sách tại Đại hội XIII của Đảng sắp tới để kích hoạt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Đắk Lắk.
Toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đắk Lắk đặt niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với những quyết sách lớn và những giải pháp mang tính đột phá nhằm huy động nguồn lực trong dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sức mạnh thời đại để tiếp tục xây dựng, phát triển nền kinh tế, xã hội của đất nước cũng như tỉnh Đắk Lắk trong công cuộc đổi mới.
Theo Tuấn Anh (TTXVN)