Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đak Đoa: Đẩy mạnh phong trào "Dân vận khéo"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, Huyện ủy Đak Đoa đã tập trung xây dựng mô hình “dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực. Nhờ phát huy hiệu quả các mô hình, huyện đã huy động được sức dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.



Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa-cho biết: 10 năm qua, Huyện ủy đã xây dựng được 34 mô hình “dân vận khéo” được Ban Dân vận Tỉnh ủy và Trung ương ghi nhận.

Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (thứ 2 từ bìa phải qua) trao đổi với cán bộ dân vận khéo. Ảnh: Đinh Yến
Ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy (thứ 2 từ bìa phải qua) trao đổi với cán bộ dân vận khéo. Ảnh: Đinh Yến



Một trong những mô hình “dân vận khéo” điển hình tạo được sự đồng thuận cao từ phía người dân là vận động dân làng Dơk Rơng (xã Glar) nâng cấp các trục đường chính. Ông Amyên-Trưởng thôn Dơk Rơng-cho biết: Trước đây, đường làng đều là đường đất khiến việc đi lại rất vất vả, nhất là vào mùa mưa. Đầu năm 2012, chi bộ và Ban Nhân dân thôn tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc mở rộng đường, nhựa hóa các tuyến đường làng và nhận được sự đồng thuận cao. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bà con sinh sống hai bên đường đã đóng góp 1 triệu đồng/hộ và ngày công để làm đường. Đoạn đường nào chưa thẳng, các hộ dân tự nguyện giải tỏa vật kiến trúc, phát quang bụi rậm để sớm có con đường thông thoáng, khang trang. Nhiều gia đình sống trong các đường nhánh, tuy không được Nhà nước hỗ trợ nhưng vẫn cùng nhau đóng góp 100% chi phí làm đường. “Hiện nay, các con đường từ trục chính đến đường nhánh ở Dơk Rơng với chiều dài tổng cộng 2,8 km đều đã được thảm nhựa, bê tông phẳng lì”-ông Amyên khoe. Còn bà Víc trên đường đi lấy nước giọt về cũng hồ hởi: “Mình rất vui khi làng ngày càng khang trang, sạch đẹp. Từ ngày đường sá được xây dựng, lắp hệ thống chiếu sáng, cuộc sống của bà con khởi sắc hẳn lên. Nạn trộm cắp vặt trong làng cũng không còn nữa”.

Từ mô hình điểm dân vận khéo ở Dơk Rơng, năm 2015, Hội Nông dân xã A Dơk cũng đã xây dựng thành công mô hình vận động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí và hiến đất để nâng cấp đường giao thông nông thôn trong xã và đường ra khu sản xuất. Theo ông Byin-Chủ tịch Hội Nông dân xã A Dơk: Hội đã vận động hội viên đóng góp 300 triệu đồng tiền mặt và hiến 15.000 m2 đất để làm đường giao thông, xây cầu bê tông và làm đường bê tông ra khu sản xuất. “Hiện nay, có 1,7 km đường giao thông và nội đồng đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản, vật tư. Cuối năm 2020, Hội sẽ tiếp tục vận động hội viên và cộng đồng đóng góp để hoàn thành các đoạn đường còn lại”-ông Byin nhấn mạnh.

 Đường làng Dơk Rơng (xã Glar) được thảm nhựa sạch đẹp. Ảnh: Đ.Y
Đường làng Dơk Rơng (xã Glar) được thảm nhựa sạch đẹp. Ảnh: Đ.Y



Không dừng lại ở các mô hình tập thể, nhiều cá nhân, người uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng rất tích cực tham gia phong trào “Dân vận khéo”. Ông Ũy-Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh làng Broch 1 (xã A Dơk) được biết đến với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giữ gìn vệ sinh môi trường, đẩy lùi tình trạng tảo hôn. Ông Ũy chia sẻ: “Sau thời gian dài tuyên truyền, vận động, dân làng đã dần hiểu ra hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; các gia đình cam kết không tổ chức tang ma, lễ hội kéo dài, không ăn uống linh đình và không giết mổ nhiều heo, trâu, bò...”. Cũng là người tích cực tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, xây dựng cuộc sống mới, ông Đinh Đăm (làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông) cho hay: “Đến nay, nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường đã thay đổi theo hướng tích cực. Hầu hết các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm đều di dời chuồng trại ra xa nhà ở, đào hố rác xử lý rác sinh hoạt...”. Ông Đăm còn vận động 44 hộ dân từ bỏ tà đạo “Hà Mòn”; vận động nhân dân đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng trên 1,7 km đường giao thông liên thôn, 1,3 km kênh mương thủy lợi; tuyên truyền chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao...

Trao đổi với P.V, ông Y Đức Thành nhấn mạnh: Phong trào thi đua “Dân vận khéo” thường xuyên được cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị triển khai sâu rộng. Hàng năm, Ban Dân vận Huyện ủy đều tham mưu giúp Huyện ủy cụ thể hóa các nội dung cần chú trọng, chủ trương đổi mới phương pháp dân vận. “Thời gian tới, Huyện ủy Đak Đoa tiếp tục phấn đấu mỗi đơn vị đều có những mô hình “Dân vận khéo”. Trên thực tế, bất kỳ cán bộ, đảng viên nào cũng có thể làm công tác dân vận, đều có thể sáng tạo ra những mô hình hay để ngày càng gần dân”-ông Thành cho biết thêm.

 

 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm