Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đak Đoa: Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt chỉ tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3% và tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các ngành, địa phương trong huyện đang tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Bí thư Huyện ủy Đak Đoa Nguyễn Hữu Thọ cho biết, kinh tế của huyện chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Theo đó, ngay đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ đã chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban chuyên môn rà soát, đánh giá rõ thực trạng tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, xây dựng bản đồ quy hoạch đất nông nghiệp gắn với các điều kiện về khí hậu, nguồn nước, phương thức canh tác... để thúc đẩy thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành, nhất là đẩy mạnh tái canh, cải tạo chất lượng cà phê. Hiện diện tích cây cà phê chiếm khoảng 40% trong tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện và mục tiêu trong nhiệm kỳ, phấn đấu mỗi năm sẽ tái canh khoảng 300 ha.

 Nhiều người dân huyện Đak Đoa tái canh cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Phương Dung
Nhiều người dân huyện Đak Đoa tái canh cà phê để nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Phương Dung


Để thúc đẩy phát triển kinh tế, huyện cũng đề ra giải pháp chủ động liên kết với các cơ sở chuyên ngành, các cơ quan nghiên cứu của Trung ương, của tỉnh để tiếp thu các kết quả nghiên cứu khoa học và lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, phù hợp với từng địa bàn. Đặc biệt là mở rộng hình thức liên kết sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nông hội... nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để phát triển ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, quy mô lớn, rút ngắn tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi.

Cụ thể hóa chủ trương đó, Bí thư Đảng ủy xã Glar Thái Văn Hưng cho hay, ngoài duy trì, phát triển đàn trâu bò, heo, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê. Trên cơ sở đó, tháng 5-2020, xã thành lập Nông hội chăn nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm với 16 hội viên tham gia.

Là hội viên của “Nông hội chăn nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm”, anh Si Môn (làng Dôr 2) chia sẻ: “Gia đình tôi tận dụng lá cây keo, cây bông gòn trong vườn để cho dê ăn. Ban đầu tôi chỉ nuôi thử vài con, sau thấy hiệu quả nên mở rộng quy mô. Mới đây, tôi đã bán 12 con dê thịt với giá 170 ngàn đồng/kg, hiện trong chuồng còn 6 con nuôi gây thêm đàn. So với trồng trọt, tôi thấy nuôi dê hiệu quả hơn nhiều”.

Nhiều hộ dân ở xã Glar đã tham gia Nông hội chăn nuôi dê. Ảnh: Phương Dung
Nhiều hộ dân ở xã Glar đã tham gia Nông hội chăn nuôi dê. Ảnh: Phương Dung


Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện đã chú trọng các giải pháp về công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, du lịch... Tập trung thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, khuyến khích phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến nông sản ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án khu phức hợp sân golf; triển khai và mở rộng cụm công nghiệp, chợ đầu mối nông sản, nhà máy chế tạo sản phẩm cao cấp từ cao su...

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện xác định trong nhiệm kỳ có 3 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và trên 30% số thôn, làng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Quang Hà-Chủ tịch UBND xã Hnol-cho biết: Hiện xã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, mục tiêu đến năm 2024 sẽ “cán đích”. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, chúng tôi tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém năng suất, diện tích hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào địa bàn và chú trọng đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động địa phương, khuyến khích lao động vào làm việc cho các công ty, doanh nghiệp...

Đối với giải pháp liên quan đến công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, nếu giải quyết được bài toán này thì không chỉ đời sống của người dân được cải thiện mà nhiều vấn đề khác cũng được giải quyết như xây dựng mối liên hệ với Trường Cao đẳng Gia Lai, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để tư vấn, giới thiệu, đào tạo nghề cho thanh niên. Xây dựng và thực hiện đề án nâng cao chất lượng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên của huyện và các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, thị trấn đảm bảo công tác dạy nghề, tạo nền tảng cho việc chuyển dịch ngành nghề cho lao động ở khu vực nông thôn.

 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm