Cụ thể, UBND huyện yêu cầu Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh động vật; chủ động hướng dẫn đôn đốc các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo chỉ đạo hướng dẫn của cấp trên. Trong trường hợp khi có dịch bệnh xảy ra, phải bao vây, khống chế các ổ dịch và trao đổi thông tin, báo cáo, xử lý kịp thời, tuyệt đối không giấu dịch; phối hợp với Trung tâm Y tế huyện triển khai các biện pháp phòng-chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người. Đồng thời, phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT, Đội Quản lý thị trường số 8, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc vào địa bàn để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định.
Đak Đoa triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng-chống dịch bệnh động vật. Ảnh: Hà Duy |
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng-chống dịch bệnh; khẩn trương bố trí nhân viên thú y có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch bệnh động vật trên địa bàn quản lý; thành lập đoàn, tổ chức kiểm tra, tăng cường theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật đến tận hộ gia đình.
Riêng đối với các xã Ia Băng, ADơk, Hà Bầu và thị trấn Đak Đoa (có địa giới giáp ranh với TP. Pleiku) cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán heo, sản phẩm của heo từ TP. Pleiku, nơi đã xảy ra dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi nhằm tránh lây lan dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.