(GLO)- Khoảng 15 ngày trở lại đây, người dân xã Ya Hội (huyện Đak Pơ) lo lắng hoang mang trước nạn chuột rừng tàn phá mùa màng. Chuột rừng xuất hiện và cắn phá chủ yếu tại các ruộng lúa trà sớm đang trong thời kỳ làm đòng.
Theo thống kê của xã Ya Hội, vụ Đông Xuân này, toàn xã có 48 ha lúa 2 vụ, thì nắng hạn kéo dài đã khiến cho 12 ha bị mất trắng, ở khu vực có nước còn gieo trồng được thì bị chuột cắn phá, tập trung nhiều nhất là ruộng của các làng Groi 1, Bung, Ghép, Tờ Số, diện tích ước khoảng 3 ha.
Người dân dùng phương pháp thủ công để bẫy chuột. Ảnh: L.N |
Khảo sát sơ bộ, tỷ lệ gây hại tính trên diện tích bị ảnh hưởng của từng hộ dân từ 5% đến 10% diện tích. Cá biệt những nơi như cánh đồng của làng Groi 1 diện tích bị thiệt hại lên đến trên 20-30%. Bà con nông dân vẫn chưa có cách hạn chế những đàn chuột rừng phá mùa màng ngoài các biện pháp thủ công là dùng bẫy...
Nhìn những ruộng lúa đang vào thời kỳ làm đòng bị chuột cắn phá, nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng, bởi hầu hết người dân ở đây kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Ông Đinh Phàng, làng Bung, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cho biết: “Cách đây hơn 2 tháng, gia đình ông xuống giống gần 2 sào lúa đông Xuân. Khi lúa bắt đầu làm đòng thì nhiều khoảnh chuyển vàng, ngã đổ và chết cây do chuột cắn phá. Cây lúa bị chúng cắn đứt ngang thân, gãy đọt mà chết… Số còn lại cũng bị bầm dập, không đủ sức để phát triển. Chúng tôi lo lắng, tìm nhiều cách để diệt như gài bẫy, dùng thuốc diệt chuột nhưng vẫn chưa có kết quả”.
Trước nạn chuột rừng phá hoại mùa màng, lãnh đạo UBND xã Ya Hội cũng đã nhanh chóng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp với nhân dân chung tay tiêu diệt chuột bảo vệ mùa màng. Ông Võ Trường Vũ-Văn phòng UBND xã Ya Hội cho hay: “Khoảng 10 ngày trở lại đây, lúa của người dân đã bắt đầu trổ đòng thì bị chuột đồng xuất hiện cắn phá. Nguyên nhân chủ yếu là do khô hạn, chuột sinh sôi, xuất hiện nhiều và cắn phá mùa màng của người dân.
Theo thống kê chưa đầy đủ, cả xã có khoảng 10% diện tích bị chuột cắn phá, khoảng 40% diện tích mất trắng khô hạn, làm cho đời sống người dân hết sức khó khăn. Xã cũng cho rà soát, thống kê các hộ bị thiệt hại do hạn, do chuột cắn phá, để trình huyện xem xét, hỗ trợ thiệt hại cho bà con gieo trồng mùa sau”.
Hạn hán vẫn còn tiếp diễn. Đến Ya Hội đi đến đâu cũng bắt gặp những khuôn mặt buồn rầu, lo âu. Đã hạn hán lại còn sinh ra nạn chuột hoành hành. Nếu trong thời gian tới không tìm được biện pháp hữu hiệu để diệt chuột thì diện tích lúa bị chuột phá hại sẽ còn tăng cao và cả nguy cơ lây lan sang nhiều địa phương khác, nhiều hộ dân rồi sẽ rơi vào cảnh nghèo đói.
Ngành Nông nghiệp và huyện cần tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn để hỗ trợ nông dân biện pháp diệt chuột hữu hiệu, hỗ trợ kinh phí để bà con có điều kiện vượt qua khó khăn trong mùa đói giáp hạt và chuẩn bị giống để gieo trồng vụ sau nhằm bù vào diện tích bị thiệt hại.
Lê Nam