Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng Chính phủ điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai Chính phủ điện tử và an toàn, an ninh mạng...
 

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Nhiều kết quả ban đầu đáng khích lệ

Thời gian qua, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, vai trò hạt nhân của Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ cùng sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, hạn chế tham nhũng, rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Môi trường pháp lý, thể chế cho Chính phủ điện tử được quan tâm thúc đẩy; các hệ thống công nghệ thông tin đóng vai trò trụ cột của Chính phủ điện tử đã được hình thành, trong đó tiêu biểu là cổng Dịch vụ công Quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia do Văn phòng Chính phủ triển khai trong thời gian ngắn nhưng đã được sự ủng hộ, phản hồi rất tích cực của các tổ chức, cá nhân sử dụng.

Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi so với năm 2018, từ 4,5% lên 10,7%; tỷ lệ văn bản điện tử được trao đổi qua mạng đạt 86,5% (tăng 14,5% so với năm 2018); ra mắt bản đồ Vmap trên Hệ tri thức Việt số hóa với hơn 24 triệu địa chỉ; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh tăng từ 3% lên 27%.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo hiểm xã hội được khai trương và kết nối liên thông với hệ thống chuyên ngành khác để liên thông thủ tục cấp giấy đăng ký khai sinh và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em.

Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kết nối đến 100% cấp bộ, cấp tỉnh và 95% cấp huyện.

Thành lập Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại Bộ Thông tin và Truyền thông và triển khai chương trình đào tạo 100 chuyên gia Chính phủ điện tử tại các bộ, ngành, địa phương; công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng được quan tâm, cải thiện và đã khai trương Hệ thống chia sẻ và giám sát an toàn thông tin.

Đặt biệt, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã làm chủ các sản phẩm, công nghệ trong triển khai Chính phủ điện tử và an toàn, an ninh mạng...

Đây là những tiền đề, bước đi quan trọng cho những năm tiếp theo và khẳng định được khả năng đột phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”

Mặc dù vậy, Thủ tướng nêu rõ cũng phải thẳng thắn xác định những hạn chế, nút thắt cần tháo gỡ như xếp hạng về Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc còn thấp, dưới mức trung bình của ASEAN; một số Nghị định quan trọng cho phát triển Chính phủ điện tử chưa được ban hành.

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng thanh toán điện tử triển khai chậm; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn thấp, tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu đồng bộ; vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được quan tâm đầy đủ, còn tình trạng mất an toàn, an ninh mạng trong một số cơ quan trọng yếu; chưa tích cực ứng dụng các công nghệ mới (điện toán đám mây,...).


 

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước mới chỉ là hạ tầng truyền dẫn căn bản chưa phải hạ tầng số của Chính phủ điện tử; công tác đào tạo về ứng dụng công nghệ thông tin ở các cấp chưa được chú trọng; nguồn lực tài chính cho triển khai Chính phủ điện tử còn lúng túng, hạn chế; công tác báo cáo, tổng hợp, phát hiện vấn đề bất cập còn chưa tốt; nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động” hoặc “mạnh ai người ấy làm” chưa kiểm soát tốt dễ gây ra lãng phí và có thể xảy ra tiêu cực.

Hoàn thiện thể chế cần đi trước

Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn, lâu dài, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp thì mới thành công.

Xác định yếu tố con người và thể chế là đầu tiên trong xây dựng Chính phủ điện tử, sau đó mới đến công nghệ là công cụ hỗ trợ đổi mới quản trị công, cải cách hành chính.

Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử. Xây dựng Chính phủ điện tử phải gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, đi liền với chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, đổi mới cách thức vận hành, phương thức xử lý công việc của Chính phủ, chính quyền các cấp, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.

Các doanh nghiệp công nghệ số trong nước cần tích cực tham gia, đồng hành cùng cơ quan nhà nước xây dựng Chính phủ điện tử và coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để triển khai trên thị trường quốc tế.

Bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng

2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, năm cuối của giai đoạn 2019-2020 thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, đặt biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Chính phủ điện tử là thay đổi cách thức vận hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, người đứng đầu các cấp có vai trò quyết định, không chỉ dẫn dắt quá trình thay đổi mà còn phải là người sử dụng đầu tiên và thường xuyên, hàng ngày các ứng dụng Chính phủ điện tử.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu này và trực tiếp chỉ đạo, triển khai, sử dụng các ứng dụng Chính phủ điện tử, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Khẩn trương hoàn thiện cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và thực hiện các giải pháp tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến liên thông trên cổng Dịch vụ công Quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.

Triển khai thực hiện việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2020 của Chính phủ.

Đến hết tháng 6/2020, 100% văn bản điện tử được gửi, nhận ở cả 4 cấp chính quyền đáp ứng yêu cầu về nội dung, thẩm quyền, thể thức, ký số và xác thực theo quy định.

Căn cứ chế độ báo cáo đã được chuẩn hóa, thực hiện việc số hóa báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ hình thành Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để từng bước quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu. Các bộ, cơ quan, địa phương được lựa chọn triển khai thí điểm khẩn trương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đến hết năm 2020, 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; triển khai hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung một cách phù hợp, bảo đảm hiệu quả.

Tăng cường công tác đào tạo, tuyên truyền về Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử kết họp với an toàn, an ninh mạng, không chỉ cho cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin mà còn cho cán bộ, công chức, viên chức để thay đổi tư duy, nhận thức, đổi mới lề lối, phương thức làm việc trên môi trường điện tử. Bố trí ngân sách hàng năm, dành một tỷ lệ nhất định cho công tác này.

Định kỳ báo cáo về Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch, tiến độ triển khai, về nền tảng và ứng dụng, về kiến trúc và tiêu chuẩn, về các dự án đầu tư, về kinh phí thuê dịch vụ công nghệ thông tin, kinh phí cho triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử, đô thị thông minh để tổng họp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm