Kinh tế

Dần bình ổn sau gần một năm áp giá trần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần 1 năm (từ 1-6-2014) thực hiện áp giá trần đối với một số mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thị trường sữa bột đang dần ổn định. Tuy nhiên, điều này chỉ diễn biến tốt tại các trung tâm, đô thị lớn còn một số khu vực vùng sâu, vùng xa giá bán lẻ vẫn có sự chênh lệch đáng kể.

Sữa được xem là khẩu phần gần như không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày đối với trẻ em. Nắm bắt được nhu cầu này, các hãng sữa liên tục mở rộng thị trường, tăng cường quảng cáo và triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, tư vấn hội nghị khách hàng… Đây được xem là thị trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là khu vực trung tâm, thành phố. Tại Cửa hàng sữa Trang (đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Pleiku), số lượng người mua khi nào cũng lớn.
 

Người tiêu dùng nông thôn chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: L.L
Người tiêu dùng nông thôn chịu nhiều thiệt thòi. Ảnh: L.L

Theo lời giải thích của chủ cửa hàng Lê Thị Thu Trang: Tôi bán lâu rồi, từ năm 1998 đến nay nên có một lượng lớn khách hàng truyền thống. Hơn nữa, hàng bán rất sát giá (chỉ lời 1.000 đồng/lon sữa) nên khách đông và nhiều. Đặc biệt, do đăng ký số lượng lớn sữa từ nhà phân phối nên cửa hàng có thể giảm giá chia sẻ lợi nhuận với khách hàng. Khi có chương trình khuyến mãi tôi thực hiện ngay; nếu là quà thì tặng luôn, còn nếu chiết khấu thì cũng trừ vào giá sữa. Còn tại Shop Liên (Đoàn Thị Điểm, TP. Pleiku) thì giá sữa được bán theo đúng giá nhà sản xuất đưa ra “Mình chỉ ăn hoa hồng trên doanh số thôi, chứ không tính lời”-cô Liên, chủ Shop cho biết.

Không chỉ vậy, nhiều cửa hàng sữa còn cạnh tranh bằng cách tính điểm cộng dồn. Tại Shop Mẹ và Bé Khang Khang (Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku) còn đưa ra chương trình tích điểm, tặng thưởng khá hấp dẫn theo kiểu siêu thị mini. Cụ thể, khách hàng khi mua hàng tại Shop sẽ được ghi lại thông tin cá nhân; khi số tiền mua cộng dồn lên 3 triệu đồng, khách hàng sẽ được chiết khấu lại 50.000 đồng. Khách mua thường xuyên, số lượng lớn có thể được chủ hàng tính giá “net”; chẳng hạn với lon sữa Enfamil A+ 3 hộp thiếc 1,8 kg sẽ giảm còn 777.000 đồng/hộp (giá nhà sản xuất là 785.000 đồng/hộp). Đây cũng là giá đưa ra để thu hút khách của cửa hàng sữa 47 (Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) dành cho những khách hàng không cần quà khuyến mãi.

Hiện trên địa bàn TP. Pleiku có khoảng 500 điểm kinh doanh sữa lớn, nhỏ (đa số là các tiệm tạp hóa, bán nhiều mặt hàng và trong đó có mặt hàng sữa); trong đó, có khoảng 50 cửa hàng chuyên kinh doanh mặt hàng sữa bột.

 

Ảnh: L.L
Ảnh: L.L

Theo báo cáo của Sở Tài chính về tổ chức thực hiện bình ổn giá sữa và diễn biến giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thì hầu hết các đơn vị kinh doanh sữa đều thực hiện tốt các quy định về niêm yết giá, bán theo giá niêm yết và giá bán lẻ cao không quá 15% giá bán buôn tối đa theo quy định. Hiện toàn tỉnh có 16 tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi như: Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty TNHH Phương Hùng, Công ty cổ phần Thương mại Nam Gia Lai... Trong đó, thị trường thành phố, các trung tâm lớn như: TP.  Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa… thực hiện khá tốt.

Tuy nhiên, tại một số huyện vùng xa vẫn còn tình trạng giá sữa bán lẻ cao hơn 15% giá bán buôn tối đa theo quy định. Cụ thể, theo Công văn 2405/STC-CSVG của Bộ Tài chính ngày 27-12-2014 thì tại huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa vẫn còn nhiều mặt hàng sữa có giá bán lẻ cao hơn giá bán lẻ khuyến nghị tối đa theo quy định của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính). Đoàn kiểm tra đã lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở liên hệ với nhà phân phối để điều chỉnh giá theo đúng quy định và tạm ngưng bán các sản phẩm trên khi chưa điều chỉnh giá. Tiếp đến, tháng 2-2015, Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản xử lý đối với trường hợp bán sai giá quy định của cửa hàng tạp hóa Tuyến Quân (huyện Ia Grai) đối với sản phẩm sữa Enfamil A+1 (hộp thiếc-400 g). Căn cứ theo Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài chính ngày 20-5-2014, giá bán lẻ tối đa của sản phẩm này là 187.000 đồng/hộp tuy nhiên cửa hàng này đã bán với giá 218.000 đồng (cao hơn 16,58%).

Việc triển khai áp giá trần đối với một số mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã góp phần rất lớn giảm áp lực chi tiêu cho nhiều gia đình nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được thực hiện nghiêm tại khu vực nông thôn, vùng xa, vùng sâu-nơi trẻ em vốn đã chịu nhiều thiệt thòi.

Lê Lan

Có thể bạn quan tâm