Dân làng Ia Gri làm du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 2 mùa lễ hội, núi lửa Chư Đăng Ya với những triền dã quỳ vàng rực đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài tỉnh. Và ngôi làng Ia Gri nằm dưới chân núi này cũng đang được kỳ vọng trở thành một địa chỉ du lịch cộng đồng đậm nét văn hóa đặc trưng. 
Học làm du lịch
Đón nhận cơ hội làm du lịch, dân làng Ia Gri (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah) đang làm quen với những dịch vụ có thể đem lại cho họ nguồn thu nhập. Đơn cử như anh Pyưi-Bí thư chi đoàn làng Ia Gri. Anh Pyưi đã kết nối để dẫn khách tham quan một vài điểm quanh Chư Đăng Ya. “Tôi dẫn khách tham quan núi lửa, nhà thờ cổ hay một vài nơi mang dấu ấn đặc trưng sinh hoạt của người dân trong làng như: giọt nước, nhà mồ... Công việc này đem lại cho tôi nhiều trải nghiệm và niềm vui”-anh Pyưi chia sẻ. Anh Pyưi cho biết thêm, nhiều nông dân khác trong làng cũng đã đem sản vật đặc trưng như: khoai lang sấy dẻo, gà nướng, cơm lam… để bán cho du khách trong những dịp lễ hội.
Bao năm qua, làng Ia Gri là nơi quần tụ, sinh sống của bà con Jrai với những nét sinh hoạt, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất gắn liền với ngọn núi Chư Đăng Ya. Bởi vậy, khai thác giá trị du lịch từ vẻ đẹp thắng cảnh Chư Đăng Ya không thể tách rời yếu tố cộng đồng. Nhận thức được điều này, chính quyền địa phương đã xắn tay vào cuộc để làng Ia Gri hòa nhập vào dòng chảy, trong đó, trọng tâm là khôi phục những nét riêng đặc trưng của làng Jrai. Đặc biệt, tháng 10-2018, Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai đã mời nghệ nhân chỉnh chiêng ở xã Ia Ka (huyện Chư Pah) về Chư Đăng Ya mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 50 người dân trong làng. Đến nay, làng đã có đội chiêng nam (16 thành viên) và đội xoang nữ (15 người). “Đây là những hạt nhân nòng cốt để trình diễn và trao truyền nghệ thuật cồng chiêng. Sau này, các đội có thể tham gia biểu diễn phục vụ khi khách có nhu cầu thưởng thức. Việc làm này vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa tạo việc làm, thêm thu nhập cho bà con”-ông Anglan-Trưởng thôn Ia Gri-phấn khởi chia sẻ.
 Đội cồng chiêng và múa xoang làng Ia Gri trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Đội cồng chiêng và múa xoang làng Ia Gri trong một buổi tập luyện. Ảnh: L.H
Theo ông Nguyễn Hữu Qưới-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah, bên cạnh tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên sẵn có thì cộng đồng con người với những giá trị đời sống, văn hóa đặc sắc sẽ là điểm thu hút du khách. “Làm du lịch đối với người dân Ia Gri nói riêng, Chư Đăng Ya nói chung có thể còn khá mới mẻ, lạ lẫm. Tuy nhiên, nếu tận dụng và bắt nhịp tốt thì rõ ràng đây là cơ hội để họ thay đổi cuộc sống”-ông Qưới nhận định.
Không ngại khó
Làng Ia Gri hiện có 93 hộ với gần 500 khẩu. Đánh giá về hiện trạng hạ tầng cho phát triển du lịch cộng đồng tại làng hiện nay, anh Mai Huy Hoàng-công chức văn hóa xã Chư Đăng Ya-cho hay: Những năm qua, nhờ sức lan tỏa từ lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya, hạ tầng kinh tế-xã hội địa phương được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với Ia Gri là mai một nhiều yếu tố đặc trưng của một ngôi làng Jrai nguyên bản.
Đồng quan điểm này, già làng Djya lý giải: Vì làng nằm rất gần, thậm chí xen kẽ với cộng đồng người Kinh nhiều năm nên xét về góc độ nào đó, bản sắc Jrai hiển hiện trong đời sống sinh hoạt, sản xuất đã mai một nhiều. “Đến giờ, người làng đã hiếm còn ở nhà sàn mà thay vào đó là những căn nhà trệt. Đó là điểm khiến Ia Gri mất đi dấu ấn truyền thống đặc trưng nhất của buôn làng người Jrai”-ông Djya nhận định. Không những thế, một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát... cũng dần vắng bóng trong cộng đồng dân cư.
Nhiều du khách ghé thăm Ia Gri cũng có chung cảm nhận này. Anh Nguyễn Quang Bình Minh-du khách từ TP. Hồ Chí Minh từng vượt gần 500 km để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Chư Đăng Ya-nhận xét: Sẽ “đã” hơn cho một chuyến đi dài nếu tôi được nhìn ngắm Chư Đăng Ya tuyệt đẹp và cảm nhận sinh động, rõ nét hơn những ngôi làng Jrai thuần chất với những sinh hoạt đời thực và cảm nhận dấu ấn văn hóa đặc trưng của cộng đồng.
Khó là vậy nhưng Chư Đăng Ya đã và đang hòa mình vào một cơ hội lớn mà rất nhiều nơi khác phải ao ước: chỉ sau mùa lễ hội thứ hai, lượng khách đổ về Chư Đăng Ya tăng vọt, chạm ngưỡng 145.000 lượt khách tham dự, trong đó có không ít du khách quốc tế. Tràn ngập trên các trang báo, mạng xã hội là hình ảnh về Chư Đăng Ya với vẻ đẹp thiên nhiên tươi xanh, kỳ vĩ, từ khóa “Chư Đăng Ya” được tìm kiếm ngày một nhiều hơn… Cùng với đó, chính quyền, các ban, ngành địa phương và người dân Chư Đăng Ya đang nỗ lực chung tay xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường sống xanh-sạch-đẹp.
Được biết, để xây dựng cộng đồng làm du lịch tại Chư Đăng Ya, tỉnh đang xem xét chủ trương đầu tư xây dựng làng du lịch nguyên bản. “Sẽ không ít khó khăn, thử thách nhưng nếu quyết tâm, tôi tin rằng chúng ta sẽ làm cho Chư Đăng Ya nói chung, cộng đồng làng Ia Gri nói riêng ngày một đẹp hơn trong lòng người dân và du khách”-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Pah khẳng định.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm