(GLO)- Những năm qua, cán bộ và nhân dân xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ, Gia Lai) luôn đoàn kết, chung tay xây dựng nông thôn mới với những cách làm thiết thực, hiệu quả. Với những nỗ lực đó, diện mạo của xã Ia Dơk dần đổi thay, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Ông Rơ Lan Pêu-Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho biết: “Trước đây, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn do thiếu tư liệu sản xuất, chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, đời sống của bà con không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Năm 2018, xã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới”.
Làng Poong là một trong 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số của xã Ia Dơk. Trước kia, đời sống của dân làng rất khó khăn. Ngoài việc canh tác lúa rẫy và cây trồng ngắn ngày, bà con chưa biết trồng các loại cây công nghiệp, chưa biết chăn nuôi tập trung. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Binh đoàn 15, người dân đã biết cách chăm sóc cây công nghiệp, làm chuồng trại để chăn nuôi, kiên trì bám đất, bám vườn, phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong làng đã xây dựng được nhà ở, mua sắm các vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày cũng như các phương tiện phục vụ sản xuất. Trưởng thôn Ksor Joih chia sẻ: “Được sự hướng dẫn, giúp đỡ, động viên từ chính quyền địa phương, bà con đã biết chăm sóc cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế. Trong hơn 200 hộ dân của làng Poong thì nhiều hộ đã có kinh tế khá giả, trẻ em được học hành đến nơi đến chốn”.
Học sinh Trường Tiểu học Võ Văn Kiệt (xã Ia Dơk). Ảnh: N.S |
Gia đình chị Ksor HVới hiện đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vào sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Chị bộc bạch: “Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, được sự hướng dẫn tận tình của chính quyền địa phương trong việc trồng và chăm sóc cây công nghiệp, tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, gia đình tôi đang chăm sóc 500 cây cà phê và 1 ha điều, thu nhập bình quân khoảng hơn 60 triệu đồng/năm. Ngoài ra, tôi còn có một vườn ươm cây cà phê để cung cấp giống cho bà con trong làng”.
Tại làng Ia Mang, những ngày vừa qua, người dân có được niềm vui lớn khi tuyến đường trục chính trên địa bàn đã được nâng cấp, đảm bảo cho việc đi lại thuận tiện. Con đường dài 400 m này được xây dựng với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp 100 triệu đồng. Ông Phùng Trọng Hiền (làng Ia Mang) tâm sự: “Từ khi xã phát động phong trào xây dựng làng nông thôn mới, bà con rất phấn khởi. Trong các buổi họp dân, chúng tôi được cán bộ xã tuyên truyền, vận động di dời chuồng gia súc, dọn vệ sinh môi trường, chung tay xây dựng đường làng ngõ xóm, góp phần đẩy nhanh tiến độ chương trình nông thôn mới”.
Để tạo nên diện mạo mới của xã Ia Dơk hôm nay có sự đóng góp của đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín ở các thôn, làng. Thời gian qua, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết về phong tục, tập quán địa phương, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trên địa bàn xã đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Họ cũng là những hòa giải viên năng nổ, nhiệt tình, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh ở khu dân cư; đồng thời góp phần giáo dục, cảm hóa những đối tượng vi phạm pháp luật tại các thôn, làng. Già làng Rơ Mah Mrao-làng Poong-cho hay: “Với vai trò, trách nhiệm của già làng, tôi vẫn thường đến từng nhà tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, chăm lo phát triển kinh tế gia đình”.
Thời gian tới, để hoàn thành các tiêu chí còn lại trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và củng cố vững chắc những tiêu chí đã đạt được, theo Chủ tịch UBND xã Ia Dơk, chính quyền xã sẽ tập trung mọi nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đưa ra những phương hướng, kế hoạch đúng đắn, hợp lòng dân. “Giải pháp quan trọng hàng đầu vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, sự đồng thuận của toàn dân. Bên cạnh đó, xã tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc hiến đất, góp công, các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi... để tạo phong trào thi đua rộng khắp trong các thôn, làng”-ông Rơ Lan Pêu nhấn mạnh.
NGỌC SANG