Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảng bộ An Khê: Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trải qua 72 năm với bao thăng trầm, Đảng bộ thị xã An Khê đã không ngừng trưởng thành và phát triển về mọi mặt. Kế thừa truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, những năm qua, Đảng bộ thị xã đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên địa bàn tiếp tục phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương An Khê ngày càng giàu đẹp.
NHỮNG TRANG SỬ HÀO HÙNG
Thị xã An Khê là cửa ngõ phía Đông của tỉnh và của Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh, đồng thời là trung tâm của một vùng rộng lớn trước đây bao gồm các huyện: Đak Pơ, Kông Chro, Kbang. An Khê là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII; là căn cứ địa vững chắc của cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nơi đây còn là chiến trường nóng bỏng, diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch, gắn liền với những chiến công hiển hách làm cho kẻ thù khiếp sợ như: chiến thắng Đak Pơ, Dốc Lá, Tú Thủy…
 Đô thị An Khê ngày càng phát triển. Ảnh: N.S
Đô thị An Khê ngày càng phát triển. Ảnh: N.S
Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh chung của cả nước, nhân dân An Khê cũng đứng trước những thử thách lớn. Việc xây dựng tổ chức Đảng ở An Khê là yêu cầu cấp bách để lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Ngày 25-11-1945, đồng chí Phan Thêm-đặc phái viên của Xứ ủy Trung bộ ở Tây Nguyên tổ chức thành lập chi bộ Đảng ở An Khê gồm 3 đồng chí: Đỗ Trạc, Ngô Thành và Hồ Thượng Hiền, cử đồng chí Đỗ Trạc làm Bí thư chi bộ.
Sự ra đời của chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại An Khê đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở địa phương. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương đã có sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Đảng, qua đó phát huy ngày càng mạnh mẽ tinh thần cách mạng của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đến tháng 9-1947, tại An Khê đã có 5 chi bộ với 30 đảng viên là những hạt nhân tiêu biểu cho tinh thần kiên trung bất khuất, lãnh đạo phong trào cách mạng tiếp tục phát triển. Đến ngày 14-3-1948, trước đòi hỏi của xu thế phát triển, cũng như để có một tổ chức Đảng lớn hơn đủ sức trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đảng bộ huyện An Khê. Đảng bộ huyện An Khê ra đời đã đáp ứng yêu cầu khẩn thiết của sự nghiệp cách mạng ở Gia Lai nói chung và An Khê nói riêng.
Suốt chặng đường 72 năm kể từ khi thành lập, trải qua 16 kỳ đại hội, những người chiến sĩ cộng sản của Đảng bộ An Khê luôn giữ vững phẩm chất cách mạng, một lòng một dạ vì Đảng, vì cách mạng, vì nhân dân, phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua bao gian nan thử thách để đánh đuổi thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước, xây dựng An Khê thành một địa phương vững mạnh về mọi mặt. Ông Lê Thanh Hiển-nguyên Phó Bí thư Thị ủy An Khê-cho hay: “Là một Đảng bộ ra đời sớm nhất ở Gia Lai, Đảng bộ thị xã An Khê đã được rèn luyện và thử thách qua từng giai đoạn lịch sử. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ thị xã luôn luôn đề cao và thắt chặt tình đoàn kết máu thịt giữa nhân dân với Đảng, coi đó là nguyên tắc cơ bản nhất để giành nhiều thắng lợi. Chính vì thế, Đảng bộ luôn được sự tin yêu, đùm bọc, che chở của nhân dân”.
XỨNG ĐÁNG LÀ VÙNG KINH TẾ ĐỘNG LỰC PHÍA ĐÔNG CỦA TỈNH
Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc ở An Khê đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương, tiếp tục đưa thị xã phát triển đi lên. Năm 2019, tổng giá trị sản xuất (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt 7.027 tỷ đồng (tăng 12,34% so với năm 2018); trong đó, công nghiệp-xây dựng đạt 3.515 tỷ đồng, thương mại-dịch vụ đạt trên 2.915 tỷ đồng, nông-lâm nghiệp-thủy sản đạt hơn 597 tỷ đồng. Lĩnh vực thương mại-dịch vụ dẫn đầu về sự tăng trưởng với mức tăng 17,54% so với năm 2018, ngành công nghiệp-xây dựng tăng 9,67% cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng của nền kinh tế.
Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: N.S
Hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: N.S
Bên cạnh đó, với sự vào cuộc tích cực, chủ động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực; diện mạo nông thôn không ngừng khởi sắc, đời sống của người dân được nâng cao. Đến nay, thị xã có 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch giai đoạn 2015-2020. Hiện thị xã đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Hướng đến mục tiêu nâng cấp đô thị, đầu năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về một số chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xây dựng thị xã An Khê trở thành đô thị loại III trực thuộc tỉnh. Sau hơn 3 năm nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cải thiện hạ tầng đô thị, đến nay, thị xã An Khê đã đạt 45/59 tiêu chuẩn đô thị loại III (miền núi). Dự kiến đến cuối năm 2020, thị xã phấn đấu đạt thêm 6 tiêu chuẩn; các tiêu chuẩn còn lại sẽ tiếp tục cân đối nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện theo quy định.
Song song với việc chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, Đảng bộ thị xã An Khê còn chú trọng xây dựng hệ thống chính trị, củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, chất lượng hoạt động từng bước nâng lên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng bộ thị xã không ngừng củng cố, kiện toàn cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đến nay, Đảng bộ thị xã An Khê có 49 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 2.457 đảng viên. Toàn thị xã có 56/60 thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy, chiếm 93,33%.
Để địa phương có bước phát triển mới, xứng đáng là vùng kinh tế động lực phía Đông của tỉnh, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Năm 2020, Đảng bộ thị xã kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập, 45 năm Ngày giải phóng thị xã (23/3/1975-23/3/2020) và cũng là năm tập trung lãnh đạo tổ chức đại hội Đảng các cấp. Đảng bộ thị xã xác định tiềm năng, thế mạnh của địa phương là cửa ngõ kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung để tập trung phát triển An Khê thành trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ giải trí, giáo dục, y tế… Đồng thời, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, liên kết với các huyện lân cận, từng bước tạo nền tảng cho phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, thị xã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, gắn với nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thị xã cũng nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị, trong đó, xác định khâu đột phá trong cải cách hành chính, tăng cường chất lượng các dịch vụ hành chính công, gắn với kêu gọi xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, tạo đột phá trong công tác cán bộ, mạnh dạn đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ trẻ, có năng lực, dám làm, dám chịu trách nhiệm, gắn với việc theo dõi, giúp đỡ, rèn luyện cán bộ, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất, phấn đấu đưa thị xã phát triển nhanh và bền vững.
“Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã sẽ đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, huy động tối đa các nguồn lực với quyết tâm cao nhất để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”-Bí thư Thị ủy An Khê nhấn mạnh.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU PHẤN ĐẤU TRONG GIAI ĐOẠN 2020-2025
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 12,18%. Cơ cấu giá trị sản xuất: nông-lâm nghiệp và thủy sản 7,66%; công nghiệp-xây dựng 52,15%; thương mại-dịch vụ 40,19%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân hàng năm 8%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng bình quân hàng năm 17,17%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 71,1 triệu đồng/năm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: 5 xã. Số phường đạt chuẩn văn minh đô thị: 5 phường. Đạt chuẩn đô thị loại III. Số lao động có việc làm 50.795 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45,32%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%, tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 3%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 đạt 96,43%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 đạt 35,71%. Có 100% xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
NGỌC SANG - TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm