Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảng bộ huyện Chư Prông: 65 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- 65 năm qua, vượt bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Prông đã phát huy truyền thống anh hùng để đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng huyện nhà ngày càng vững mạnh.
Anh dũng, kiên cường
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 15-9-1954, Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (cũ) quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng Khu 5 (huyện 5), tiền thân của Huyện ủy Chư Prông bây giờ, gồm 3 đồng chí: Siu Năng (Siu Tám)-Tỉnh ủy viên làm Bí thư; Trịnh Ngọc Quang (Tường) và Ngô Thành làm ủy viên. Đến cuối năm 1955, Tỉnh ủy bổ sung thêm 2 ủy viên cho Ban Cán sự Khu 5, gồm các đồng chí: Nguyễn Thành và Huỳnh Thăng.
Ngay từ khi mới thành lập, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Khu 5 đã tổ chức quán triệt, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Mở rộng những vùng chưa có cơ sở dọc trục đường 14, 19; khôi phục, củng cố cơ sở ở những vùng đã có nhưng còn yếu. Xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt, cốt cán ở các làng vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức cho cán bộ xuống các làng bám dân; vận động, lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, hiệp thương tổng tuyển cử, chống càn quét, bắn phá, cướp bóc…
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: B.V.H
 Một góc thị trấn Chư Prông. Ảnh: B.V.H
Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, trải qua 16 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra những chủ trương và biện pháp cụ thể để lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Đồng thời củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Trong 2 cuộc chiến tranh vô cùng gian khổ và ác liệt, trên chiến trường huyện Chư Prông đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng như: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Kpă Klơng, Kpuih Thu, Kpă Ó, Siu Blêh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và những hy sinh thầm lặng khác. Huyện Chư Prông cũng gắn với chiến công, địa danh nổi tiếng đã đi vào lịch sử như đồn Plei Me, thung lũng Ia Drăng...
Với những chiến công vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, huyện Chư Prông là địa phương đầu tiên ở Tây Nguyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1978); 8 tập thể, 4 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và 3 đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được tặng huân chương.
Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế-xã hội
Với những thành tích đạt được trong 65 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Chư Prông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Năm 2014 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất...

Sau giải phóng, nhân dân trên địa bàn huyện chủ yếu du canh, du cư nên hầu hết đều thiếu đói; hơn 90% dân số mù chữ; bọn tàn quân và phản động ra sức chống phá hòng gây bất ổn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Đứng trước thực trạng ấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chư Prông đã bước vào một cuộc chiến đấu trên mặt trận mới, đó là xóa bỏ đói nghèo, lạc hậu. Sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Chư Prông đã đạt được những thành tựu đáng kể. Kinh tế của huyện tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 3 năm (2016-2018) đạt 11,46%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp đạt 55,67%; công nghiệp, xây dựng đạt 19,67%; dịch vụ đạt 24,66%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 39,8 triệu đồng/năm. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 9,12%; hàng năm giải quyết việc làm cho trên 2.550 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%. Công tác an sinh xã hội được huyện quan tâm, huyện đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 125 ngôi nhà cho các gia đình chính sách, người có công với số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.
Cùng với đó, những năm qua, tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, huyện Chư Prông đã tập trung xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đến nay, có 5/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Bàu Cạn, Ia Phìn, Ia Drăng, Ia Băng và Ia Boòng), các xã còn lại bình quân đạt trên 10 tiêu chí. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2019 đề nghị tỉnh công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Thăng Hưng. 
Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, có thể thấy Đảng bộ huyện Chư Prông đã thể hiện rõ vai trò là hạt nhân tích cực lãnh đạo mọi phong trào trên địa bàn. Trong mỗi giai đoạn khác nhau, Đảng bộ huyện đều đưa ra những chủ trương đúng và sát thực tế, trong đó xác định việc xây dựng và củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ là giải pháp quan trọng để xây dựng huyện ngày càng phát triển. Nếu như năm 1975, Đảng bộ huyện có 17/19 xã có chi bộ với 590 đảng viên thì đến nay toàn Đảng bộ có 4.005 đảng viên sinh hoạt tại 61 chi bộ, Đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, không còn làng “trắng” đảng viên, “trắng” tổ chức Đảng. Cùng với đó, số chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở có cấp ủy là 152/304 chi bộ, đạt tỷ lệ 50%. Việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) đã đạt được những kết quả quan trọng, qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.
 BÙI VIẾT HỘI

Có thể bạn quan tâm