Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảng bộ huyện Mang Yang: 70 năm chặng đường vẻ vang

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) đã đề ra các chủ trương đúng đắn lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng địa phương, xây dựng và giữ vững mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đưa huyện nhà ngày càng phát triển.

Quá khứ hào hùng

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về đường lối cứu nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc huyện Mang Yang chuyển biến nhanh chóng, từ phong trào yêu nước tự phát sang đấu tranh tự giác nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ quyền tự do độc lập, chuẩn bị điều kiện bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.

Thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) từng ngày phát triển. Ảnh: Phương Linh
Thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang) từng ngày phát triển. Ảnh: Phương Linh


Cuối năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Sau khi Chi bộ Đảng ra đời vào tháng 10-1950, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của huyện Mang Yang phát triển sâu rộng. Lúc này, huyện được chia thành 2 khu: Khu V (phía Nam đường 19), Khu VIII (phía Bắc đường 19). Ngày 20-10-1950, Đảng bộ huyện Đak Bơt được thành lập, các chi bộ vùng Đông và Tây sông Ayun cũng ra đời đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của tổ chức, tăng cường lãnh đạo của Đảng bộ địa phương-nhân tố quan trọng thúc đẩy phong trào kháng chiến của nhân dân các dân tộc địa phương.

Tháng 10-1954, Tỉnh ủy quyết định thành lập huyện mới, lấy tên là Huyện 6, bao gồm vùng đất phía Đông và Tây sông Ayun, từ dãy núi Kông Chêng đến sát quốc lộ 14 với dân số trên 38.000 người thuộc huyện Đak Bơt cũ. Việc thành lập Huyện 6 đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh đối với một vùng đông dân cư, đất đai trù phú, nằm kế cận thị xã Pleiku, ven trục giao thông chiến lược 14, 19 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Ở phía Bắc, huyện Pơlei Kon (cũ) đổi tên thành Huyện 3. Từ một vùng cơ sở mới, cán bộ người dân tộc thiểu số ít ỏi, đến năm 1965, mỗi Đảng bộ huyện có hơn 100 đảng viên, hầu hết các xã đều có chi bộ, nhiều làng có chi bộ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Đảng bộ 2 huyện đã huy động toàn lực tham gia. Nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã lao vào hiểm nguy với quyết tâm giải phóng đất nước, đánh thắng quân thù. Giai đoạn 1965-1975 đánh dấu sự nỗ lực và quyết tâm cao độ của Đảng bộ, quân và dân huyện Mang Yang trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tích cực góp phần cùng quân dân tỉnh nhà và cả nước đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-ngụy.

Ông Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang-thông tin: “Trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ Huyện 3 và Huyện 6 đã vượt qua thử thách gian khổ, ác liệt của thời kỳ khôi phục cơ sở, giữ gìn lực lượng, bảo vệ cán bộ Đảng, chính quyền, chuyển sang đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận, củng cố vùng căn cứ kháng chiến của huyện, phát triển phong trào cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, nhân dân các dân tộc Huyện 3 và Huyện 6 đã kiên trì bám trụ xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang; phối hợp đánh địch bằng 3 mũi giáp công góp phần cùng nhân dân Gia Lai và Tây Nguyên lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, làm nên đại thắng mùa xuân 1975”.

Tháng 11-1975, Huyện 3 và Huyện 6 hợp nhất thành huyện Mang Yang. Từ 46 xã của 2 huyện được hợp nhất thành 24 xã. Tỉnh ủy chỉ định Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ huyện gồm 29 đồng chí, Ban Thường vụ Huyện ủy có 9 đồng chí, đồng chí Lê Tam-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Bí thư Huyện ủy. Đảng bộ lúc này có 588 đảng viên và 27 tổ chức cơ sở Đảng. Huyện điều động một số đồng chí có năng lực từ vùng căn cứ tăng cường cho 9 xã chưa có tổ chức Đảng để lãnh đạo các mặt công tác và xây dựng tổ chức Đảng. Đến cuối năm 1976, huyện Mang Yang có 6 Đảng bộ, 17 chi bộ xã (trong đó có 1 chi bộ ghép), 12 chi bộ cơ quan, 32 chi bộ thôn với 639 đảng viên.

Phát huy truyền thống, xây dựng huyện ngày càng phát triển

Bí thư Huyện ủy Mang Yang Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) trao đổi với các đại biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy
Bí thư Huyện ủy Mang Yang Huỳnh Thế Mạnh (bìa trái) trao đổi với các đại biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy
Với những thành tích đạt được, huyện Mang Yang vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất (năm 2010), xã Kon Chiêng và xã Đak Trôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 2 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 6 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân được phong tặng và truy tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước và nhiều danh hiệu cao quý khác.

70 năm qua là chặng đường vẻ vang của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc huyện Mang Yang. Từ một huyện nghèo, đến nay, Mang Yang đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị luôn được Đảng bộ huyện chú trọng. Việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh, huyện được triển khai nghiêm túc; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

Công tác củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trở thành nhiệm vụ then chốt, được tiến hành thường xuyên. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được chú trọng, không ngừng được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động lãnh đạo, điều hành. Từ chỗ chỉ có 2 tổ chức cơ sở Đảng với chưa đầy 20 đảng viên của những ngày đầu thành lập tổ chức Đảng, đến nay, toàn huyện đã có 38 tổ chức cơ sở Đảng với hơn 2.870 đảng viên. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng không ngừng được nâng cao, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị của mình ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tỷ lệ kết nạp đảng viên bình quân hàng năm đạt trên 6,01%. Hàng năm, số tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90,25%; trong đó, tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh bình quân đạt 28,1%; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 99,19%/năm. Huyện đã xóa được làng “trắng” đảng viên; 74/80 chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có cấp ủy, chiếm tỷ lệ 92,5%.

Theo ông Huỳnh Thế Mạnh, có được thành tích trên, Đảng bộ huyện đã đề ra các chủ trương đúng đắn trong từng thời kỳ cách mạng; xây dựng và giữ vững mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đảng bộ huyện xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, xây dựng đời sống văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển…

Huyện đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ đi đôi với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên; phát triển giáo dục-đào tạo, văn hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, xem đó là nền tảng của quá trình phát triển bền vững. Đây còn là quá trình phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, thách thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hun đúc sự đồng tâm, hiệp lực của toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân vì sự nghiệp chung.

Trao đổi với P.V, Bí thư Huyện ủy Mang Yang nhấn mạnh: “Truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, những bài học kinh nghiệm rút ra sau 70 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện cùng những thành tựu về kinh tế, văn hóa-xã hội đạt được là nền tảng vững chắc để Đảng bộ và nhân dân huyện nhà vững bước tiến lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Mang Yang phát triển bền vững, giàu đẹp và phồn vinh. Nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ mới hết sức nặng nề, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân trong huyện phải tiếp tục nâng cao nhận thức chính trị, đồng tâm hiệp lực, phấn đấu cao hơn để xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự là hạt nhân lãnh đạo; tập trung đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đặc biệt là những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mang Yang lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra”.

KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm