Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chính trị, tư tưởng và giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Những năm qua, các cấp ủy xây dựng, thực hiện nghiêm quy chế, chương trình, kế hoạch công tác của nhiệm kỳ và hàng năm. Dân chủ được mở rộng trong hội họp, sinh hoạt chi bộ; có nhiều ý kiến chất lượng tham gia xây dựng chủ trương, giải pháp để xây dựng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; phân công ủy viên ban chấp hành thường xuyên theo dõi, dự sinh hoạt chi bộ để nắm bắt, phát hiện những nảy sinh về chính trị, tư tưởng để giải quyết. Phương pháp, chất lượng, hiệu quả học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng ngày càng được nâng lên. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên được nâng lên thông qua việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực công tác, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc; qua đó tạo sự thống nhất về tư tưởng chính trị, sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong toàn Đảng bộ, hạn chế tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được sự chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Sinh hoạt chi bộ được chú trọng đổi mới; vai trò của cấp ủy tổ chức cơ sở Đảng trong quản lý, giáo dục đảng viên từng bước được phát huy; công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quy định những điều đảng viên không được làm… được quan tâm. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh đối với cán bộ, đảng viên.
Thông qua việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; thông tin tình hình trong nước, quốc tế, những vấn đề dư luận quan tâm... đã góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đặt niềm tin vào thắng lợi của công cuộc đổi mới, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước; ý thức tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng được giữ vững và phát huy; không ngừng phấn đấu, nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo, điều hành và tinh thần trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Huỳnh Tấn Đoan trao chứng nhận cho các đảng viên mới. Ảnh: Lê Nam
Phó Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Huỳnh Tấn Đoan trao chứng nhận cho các đảng viên mới. Ảnh: Lê Nam
Tuy nhiên, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Theo đó, một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác chính trị, tư tưởng; chất lượng sinh hoạt tư tưởng, giáo dục truyền thống chưa được quan tâm đúng mức; tính giáo dục, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng còn hạn chế; một số đảng viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thiếu gương mẫu, ngại nghiên cứu, học tập; còn tình trạng nể nang, né tránh, không dám đấu tranh với các biểu hiện sai trái. Tinh thần, thái độ học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và định hướng giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quần chúng chưa kịp thời; đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch còn thiếu nhạy bén và chưa nhiều. Công tác kiểm tra, giám sát về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống còn ít; các biện pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên có lúc chưa kịp thời và kiên quyết.
Nguyên nhân chủ yếu là do cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng. Mặt khác, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới”.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, giải pháp giáo dục chính trị tư tưởng theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đó là: “Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên... Tiến hành đồng thời việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Hai là, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng và tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho cấp ủy, cán bộ, đảng viên, quần chúng. Qua đó, trang bị kiến thức lý luận, khẳng định và chống nguy cơ chệch hướng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ; đề ra giải pháp khả thi trong xây dựng kế hoạch thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Xác định đúng vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị; thực hiện nghiêm túc Quy định số 54-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần làm tốt hơn nữa việc xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; đồng thời xem đó là tiêu chí quan trọng để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch vào những cương vị lãnh đạo. Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 1614-QĐ/TU ngày 3-9-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp”.
Ba là, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp công tác chính trị, tư tưởng theo hướng bám sát nguyên tắc, thực tiễn hoạt động và cập nhật nhanh các vấn đề mang tính thời sự. Gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị với củng cố, xây dựng tổ chức Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận của quần chúng và đáp ứng yêu cầu nâng cao nhận thức phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của cán bộ, đảng viên, quần chúng. Thường xuyên thông tin thời sự và định hướng tư tưởng, dư luận xã hội; nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tư tưởng, tuyên giáo ở cơ sở và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho hoạt động trên lĩnh vực này. Bí thư cấp ủy là người chịu trách nhiệm cao nhất, trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng của tổ chức Đảng.
Bốn là, tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa địa phương, ngành; bồi dưỡng niềm tin lý tưởng, ý chí tự lực, tự cường, gắn bó trách nhiệm cá nhân với việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối tư duy khoa học, sáng tạo, biết chủ động và giải quyết vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; có ý thức xây dựng đoàn kết trong Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Năm là, mở rộng, phát huy dân chủ và đảm bảo tính tập trung trong sinh hoạt Đảng, chú trọng sinh hoạt chuyên đề, tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên đề xuất, thảo luận, bày tỏ chính kiến riêng, không phát ngôn tùy tiện, truyền bá ngoài tổ chức các quan điểm sai trái hoặc gây mất đoàn kết nội bộ. Giữ nghiêm kỷ luật Đảng, thường xuyên tự phê bình và phê bình, có kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm và xây dựng cam kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết. Chi bộ phải theo dõi, nắm bắt hoạt động của đảng viên, lắng nghe ý kiến của quần chúng và giải quyết kịp thời mầm mống gây mất đoàn kết nội bộ (nếu có). Xây dựng tập thể đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, độ lượng, vị tha, thân ái tình đồng chí, đồng nghiệp. Mở rộng trận địa tư tưởng của Đảng trong tổ chức đoàn thể thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động văn hóa-xã hội.
Sáu là, thông qua giáo dục chính trị tư tưởng để xây dựng văn hóa công sở, đây là điều kiện thuận lợi và cơ bản cho việc tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị. Muốn xây dựng văn hóa công sở phải có tư duy chính trị, có nền tảng văn hóa trong sạch, vững chắc và mỗi một cá nhân phải tự tìm hiểu, học tập, rèn giũa. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm việc khoa học, sát thực tế, gần dân, có tinh thần học tập nâng cao trình độ mọi mặt, phong cách ứng xử chuẩn mực, giao tiếp lịch sự, ứng xử văn minh.
PHẠM THỊ TỐ HẢI
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Bí thư Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh

Có thể bạn quan tâm