(GLO)- Kông Chro là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. 70 mùa xuân đi qua kể từ ngày thành lập (15/3/1950-15/3/2020), Đảng bộ huyện Kông Chro đã lãnh đạo đồng bào các dân tộc đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn gian khổ để giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong thời chiến lẫn thời bình.
Lật giở từng trang vàng lịch sử của Đảng bộ huyện Kông Chro, những người con huyện 7 năm nào không khỏi tự hào và xúc động. Bao nhiêu trang sử là bấy nhiêu sự kiện cùng nhiều thành tựu nổi bật, đánh dấu bước trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt của Đảng bộ.
Truyền thống hào hùng
Lịch sử Đảng bộ huyện Kông Chro nêu rõ: Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Kông Chro luôn là địa bàn chiến lược quan trọng. Không chỉ làm bàn đạp đầu tiên cho kháng chiến ở khu vực Đông Nam tỉnh, vùng đất này còn là nơi đứng chân của lực lượng kháng chiến địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 5 và bộ đội chủ lực để tấn công địch tại An Khê và Cheo Reo.
Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành (thứ 3 từ trái sang) trao Huân chương Lao động hạng nhất cho huyện Kông Chro nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập huyện (30/5/1988-30/5/2018). Ảnh: Đ.T |
Tháng 3-1950, Ban cán sự Đảng khu 5 và khu 6 (tiền thân của Đảng bộ huyện Kông Chro) được thành lập. Sau khi ra đời, 2 Đảng bộ này đã tiếp tục lãnh đạo phát triển lực lượng, củng cố cơ sở, chính quyền và mặt trận đoàn kết Kinh-Thượng; xây dựng, mở rộng căn cứ, làng chiến đấu; phối hợp với các đội công tác vũ trang tuyên truyền, bộ đội chủ lực tiến đánh tiêu diệt địch, phá tề, trừ gian. Đến năm 1951, Đảng bộ huyện Đak Bớt được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 Đảng bộ khu 5, khu 6 và tồn tại đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, huyện Kông Chro đã làm tốt vai trò căn cứ địa, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp của tỉnh nhà. Đến giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Kông Chro được đặt mật danh là huyện 7. Dù trải qua những năm tháng trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ, song Đảng bộ huyện đã phát huy vai trò, lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, kiên trì đấu tranh chống lại kẻ thù xâm lược, giành quyền tự do cho dân tộc và nền độc lập, thống nhất nước nhà.
Bà Đinh Thị Gơi (xã An Trung)-nguyên cán bộ phong trào huyện 7 bồi hồi nhớ lại: “Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kông Chro lúc bấy giờ đều tỏ rõ sự căm thù, quyết tâm đánh đuổi giặc, bảo vệ buôn làng. Mạnh nhất có lẽ là phong trào thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ hoặc tham gia du kích địa phương. Phụ nữ ở nhà tăng gia sản xuất, trồng thêm nhiều lúa, mì để nuôi bộ đội. Bà con ngày đêm cắm chông, đào hầm trú ẩn… Riêng tôi thì tiếp tế lương thực, đạn dược cho bộ đội, 2 em trai của tôi cũng tham gia cách mạng và một đứa đã anh dũng hy sinh”.
Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sau 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, toàn huyện Kông Chro có 515 gia đình liệt sĩ; 1.035 gia đình có công với cách mạng; 86 thương-bệnh binh đã để lại một phần xương máu của mình tại các chiến trường hoặc bị nhiễm chất độc hóa học; hàng ngàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Tất cả đã góp phần xứng đáng cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. “Trong kháng chiến, xã Đak Tơ Pang là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Người dân nơi đây sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quê hương và trở thành căn cứ địa cách mạng của tỉnh. Chỉ riêng trong kháng chiến chống Mỹ, xã có 24 liệt sĩ, 22 thương binh và 20 gia đình có công với cách mạng. Ghi nhận cống hiến ấy, tháng 8-1998, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho xã nhà”-ông Đinh Hyách-Bí thư Đảng ủy xã Đak Tơ Pang-tự hào nói.
Kế thừa và phát triển
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân An Khê (cũ) đã cùng nhau bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết quê hương. Với sự quyết tâm và nỗ lực cao, sau 13 năm dựng xây (1975-1988), vùng đất phía Nam An Khê (nay là huyện Kông Chro) vốn bị tàn phá khốc liệt bởi chiến tranh, khi ấy đã trở thành một địa bàn có nhiều triển vọng phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
Qua 2 năm thực hiện xây dựng làng nông thôn mới, bộ mặt làng Hle Hlang đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: Ngọc Minh |
Tháng 5-1988, huyện Kông Chro chính thức “ra riêng”, tách khỏi vùng đất An Khê rộng lớn. Từ đó đến nay, trải qua 7 kỳ đại hội, Đảng bộ huyện đã đề ra các chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp với thực tiễn, từng bước đưa Kông Chro ngày một phát triển vững chắc. Nhìn lại vùng đất nhiều năm gắn bó, nguyên Bí thư Huyện ủy Kông Chro Nguyễn Ngọc Trận nhận định: “Chỉ những người con gần như gắn chặt cuộc đời mình với Kông Chro hoặc ít ra có thời gian song hành với huyện từ lúc chia tách đến giờ mới có thể cảm nhận được hết sự thay da đổi thịt và chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của địa phương”.
Quả đúng như vậy, sau hơn 30 năm thành lập, Kông Chro đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng giá trị sản xuất luôn ở mức cao, giai đoạn 2015-2019 đạt trên 12%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp từ phương thức sản xuất tự túc, tự cấp, khai thác tự nhiên đã dần chuyển sang chế biến và sản xuất hàng hóa; tiềm năng đất đai, tài nguyên được phát huy có hiệu quả; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai áp dụng, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cây ăn quả (468,2 ha); tái canh cây điều (519,7 ha); sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Các lĩnh vực: giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa, giao thông-vận tải, phong trào thể dục-thể thao, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… không ngừng được quan tâm, đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững.
Song song với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) luôn được huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ. Thời gian qua, chi bộ làng Hle Hlang (xã Yang Trung) đã tập trung lãnh đạo nhân dân thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với xây dựng làng NTM. Bí thư chi bộ Đinh Mlinh phấn khởi cho biết: Làng hiện có 171 hộ với 687 khẩu, trong đó có 90% là người Bahnar. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên về xây dựng làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, chi bộ đã phân công cho từng chi ủy viên phụ trách từng lĩnh vực; phối hợp với Ban Nhân dân thôn tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chung tay xây dựng làng NTM. Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, trong 2 năm (2018-2019), các đảng viên đã hiến 6.045 m2 đất để làm đường giao thông, xây dựng công trình công cộng; đóng góp hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công cùng dân làng làm nhà rông, đường giao thông; đồng thời tích cực hưởng ứng việc làm hàng rào, cổng ngõ, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà tắm... Việc làm này đã tạo thành phong trào lan tỏa trong nhân dân với trên 17.907 m2 đất nông nghiệp và thổ cư được hiến sau đó; 2.339 ngày công đóng góp chỉnh trang nhà cửa, giải phóng mặt bằng, trồng hàng rào, khuôn viên làng; huy động được hơn 364 triệu đồng để xây dựng công trình công cộng. Người dân được hỗ trợ cây-con giống phát triển kinh tế. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 18% xuống còn 6,43%. Cuối năm 2019, làng Hle Hlang đã đạt 16/19 tiêu chí làng NTM.
Một góc trung tâm huyện Kông Chro hôm nay. Ảnh: Mộc Trà |
Với những nỗ lực trong 70 năm qua, Đảng bộ và nhân dân huyện Kông Chro đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Toàn huyện có 2 xã được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 12 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 12 tập thể và 14 cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba; hàng trăm tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh khen thưởng. Năm 2018, nhân dân và cán bộ huyện Kông Chro vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất. |
Để đạt được những kết quả trên, theo lãnh đạo huyện, điều cốt lõi là phải xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đây chính là nhân tố quyết định sự phát triển của địa phương trong hiện tại và tương lai. Theo đó, công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên tất cả các mặt gắn với củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; chú trọng tạo nguồn, phát triển đảng viên; đẩy mạnh xây dựng chi bộ thôn, làng, tổ dân phố có chi ủy. Đến nay, Đảng bộ huyện có 48 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với 2.294 đảng viên. Thời điểm này, huyện cũng đang tập trung chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VIII.
Trao đổi với P.V, ông Trần Cao Nguyên-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro-cho biết: “Trên cơ sở kết quả đã đạt được và dự báo về những khó khăn, thách thức trong thời gian đến, Đảng bộ huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ ở mức cao nhất, phấn đấu đưa huyện nhà phát triển nhanh và bền vững”.
MỘC TRÀ-NGỌC MINH