Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đảng bộ tỉnh Gia Lai: 75 năm những thành tựu đáng tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 75 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã thực sự là đội tiên phong lãnh đạo quân, dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng chính quyền cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Những dấu son đặc biệt

Trên hành trình 75 năm, Đảng bộ tỉnh đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh kiên cường trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng tỉnh, khôi phục và phát triển kinh tế, đưa tỉnh nhà vững bước đi lên. Mỗi giai đoạn, Đảng bộ tỉnh đều để lại những dấu ấn đáng nhớ, khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng.

Đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Trần Quốc Vượng-Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Đức Thụy


Trò chuyện cùng P.V, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy-khẳng định: “Sự ra đời của các chi bộ Cộng sản cũng như việc thành lập Đảng bộ tỉnh Gia Lai ngày 10-12-1945 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt trong chặng đường phát triển của tỉnh, mở ra trang sử mới oanh liệt, vẻ vang”. Đồng hành với lịch sử Đảng bộ tỉnh 75 năm qua, ông Ngô Thành nhớ rành mạch từng chi tiết, sự kiện. Ông kể lại: Khi mới thành lập, Đảng bộ tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ giữa cán bộ với người dân tộc thiểu số. “Đảng bộ tỉnh đã khắc phục bằng cách nhờ thông dịch viên là những người buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bám làng để vận động, tuyên truyền. Dù trở ngại trong giao tiếp song người dân đều có chung lòng căm thù quân giặc, khao khát được hòa bình, tự do nên cán bộ, đảng viên bám vào đó để kêu gọi, xây dựng lực lượng. Dần dần, đường lối, chủ trương của Đảng đã đi vào lòng dân, tạo được sự đồng lòng, thống nhất”-ông Ngô Thành nói. Sự kiện đại diện cho quyết tâm, đồng lòng đồng sức của toàn Đảng, quân và dân các dân tộc chính là Chiến thắng Đak Pơ-trận đánh được mệnh danh là “Điện Biên Phủ của Liên khu 5” ngày 26-4-1954. Trận đánh góp phần cùng với cả nước đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của địch, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương.

“Bước sang giai đoạn chống Mỹ, trước sự lớn mạnh, độc ác của quân thù thì phương tiện duy nhất của chúng ta có để chống lại là tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng yêu nước, sự trung thành với Tổ quốc và ý chí kiên quyết chống giặc của nhân dân. Đảng bộ tỉnh đã tận dụng điều đó để xây dựng lực lượng tạo thành sức mạnh đoàn kết tổng hợp. Với các phong trào “Tòng quân giết giặc”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Góp lương nuôi bộ đội”, “Đánh địch bằng hầm chông, bẫy đá”... đồng bào các dân tộc ở Gia Lai sẵn sàng hy sinh vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, của dân tộc”-ông Ngô Thành chiêm nghiệm. Nhiều chiến công hiển hách có sự tham gia của quân và dân các dân tộc tỉnh nhà đã đi vào sử sách, tiêu biểu như: chiến thắng Plei Me, Cheo Reo-Phú Bổn, tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Xuân-Hè 1972… góp phần đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), chiến lược “chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1975) của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã góp phần giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17-3-1975 và giải phóng miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Nhiều người con của các dân tộc Gia Lai đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang như: Kpă Klơng, Đinh Núp, A Sanh, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt…

Nhận định yếu tố quyết định giúp kháng chiến thắng lợi, ông Ngô Thành cho rằng, đó là Đảng bộ tỉnh đã hình thành vùng căn cứ đứng chân vững chắc suốt 20 năm tại Khu 10 (huyện Kbang). Ông nói: “Căn cứ cách mạng của Đảng bộ tỉnh là một vùng chỉ rộng 26 làng, 3.500 dân, 312 km2 nhưng rất nhiều lực lượng đứng chân trong suốt 20 năm liền. Đó là kỳ tích. Một vùng căn cứ cách mạng an toàn, ổn định là nhân tố thắng lợi. Nói như vậy để thấy được tầm quan trọng của căn cứ cũng như sự sáng suốt của Đảng bộ tỉnh”. Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh-khẳng định: “Trong căn cứ Khu 10, chúng ta có đầy đủ các cơ quan ban ngành, các hoạt động kinh tế, quân sự cũng như văn hóa, xã hội, tổ chức các đoàn văn công, các tổ chức tuyên truyền, có những tờ báo ra đời sớm không chỉ phát hành bằng tiếng phổ thông mà còn bằng tiếng Jrai, Bahnar… Đảng bộ tỉnh đã sử dụng lực lượng này để chống lại kẻ thù, quy tụ đồng bào trong tỉnh hướng về cách mạng. Từ căn cứ này, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo thực hiện nhiều chiến công lừng lẫy trong giai đoạn 1954-1975”.

Trưởng thành và lớn mạnh

Bước vào thời kỳ đầu đổi mới, trước rất nhiều khó khăn bủa vây, Đảng bộ tỉnh đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Ông Ngô Thành xúc động nói: “Là người trong cuộc, tôi thấy Gia Lai đã “thay da đổi thịt” như thế nào sau ngày giải phóng. Phải nói là khác một trời một vực. Đặc biệt, người dân tộc thiểu số đã thay đổi rất nhiều trong cái ăn, cái mặc, trong suy nghĩ, nhận thức. Cơ sở hạ tầng xã hội cũng tiến bộ vượt bậc, đời sống văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đều thay đổi rất lớn. An ninh chính trị luôn được giữ vững”.

  Sau 75 năm, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, đưa tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phan Nguyên
Sau 75 năm, Đảng bộ tỉnh đã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, đưa tỉnh nhà ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phan Nguyên


Trong gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, kinh tế-xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả toàn diện, to lớn. Nếu như năm 1975 toàn tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói thì đến nay đã chấm dứt hoàn toàn nạn đói kinh niên. Tỉnh không còn hộ đói, hộ nghèo giảm còn khoảng 4,5% vào cuối năm 2020. Năm 1991, tổng thu ngân sách chỉ đạt 40 tỷ đồng thì năm 2020 dự kiến đạt 4.628,4 tỷ đồng. Năm 1975, toàn tỉnh có 95% dân số mù chữ và chỉ có 139 trường phổ thông cơ sở, 3 trường phổ thông trung học thì đến nay có 768 trường học với đa dạng các hình thức đào tạo. Mạng lưới y tế, nhất là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Công tác khám-chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và phòng-chống dịch bệnh ngày càng tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể. Chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, ông Đinh Phơ (làng Sơ Lam, xã Krong, huyện Kbang) chia sẻ: “Mình gắn bó với căn cứ Khu 10 từ ngày đầu thành lập và làm nhiệm vụ dân quân du kích. Sau giải phóng, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, xã Krong ngày càng phát triển, bà con có đủ cơm ăn, áo mặc, các cháu nhỏ được học hành. Khu 10 bây giờ trở thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh, nhiều cơ quan, ban, ngành tham gia tôn tạo di tích. Mình thấy vui và tự hào lắm”.

Với công tác xây dựng Đảng, số lượng đảng viên và tổ chức Đảng đã không ngừng lớn mạnh. Từ chi bộ đầu tiên với 9 đảng viên, đến nay, Đảng bộ tỉnh có 21 Đảng bộ trực thuộc với 956 tổ chức cơ sở Đảng (trong đó có 351 Đảng bộ cơ sở; 605 chi bộ cơ sở và 3.310 chi bộ trực thuộc) với 61.171 đảng viên. Các thôn, làng, tổ dân phố đều có đảng viên và chi bộ. “Từ trong kháng chiến, việc xây dựng, phát triển, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đảng viên người dân tộc thiểu số đã được Đảng bộ tỉnh đặc biệt quan tâm. Hiện nay, công tác này ngày càng được chú trọng theo hướng nâng cao chất lượng. Nhiều cán bộ, đảng viên bây giờ là cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Chất lượng tổ chức cơ sở Đảng được nâng cao, phát huy vai trò hạt nhân chính trị lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy vui mừng.

75 năm qua, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 17 kỳ đại hội. Qua mỗi kỳ đại hội, Đảng bộ càng thêm trưởng thành, lớn mạnh. Xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt là thực hiện tốt 4 chương trình trọng tâm giai đoạn 2020-2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh-nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự gương mẫu, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy sức mạnh đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong nhân dân, quyết tâm đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải chủ động nâng cao trình độ lý luận, bám sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân; phải xây dựng phong cách làm việc nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và sự kỳ vọng của nhân dân tỉnh nhà. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở mỗi cấp phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thực sự gương mẫu, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất cao về nhận thức để triển khai thực hiện tốt các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 PHƯƠNG LINH
 

Có thể bạn quan tâm