45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đảng viên phải là tấm gương cho thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

GS. TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) trong một tham luận đã nêu: Ngay từ năm 1925 trong bài: “Gửi thanh niên An Nam” Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nêu: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại, người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh”.

Khi truyền bá tư tưởng cách mạng vào trong nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã chọn thanh niên và tập hợp họ trong tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên” nhằm tập hợp thanh niên yêu nước giác ngộ cách mạng tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc.

 

Bác Hồ và các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ và các đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III. Ảnh: Tư liệu

Những năm đầu khi nước ta giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà”, “nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”.

Trong ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Người đã căn dặn: "Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở lên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vai trò của thanh niên trên cả hai bình diện xã hội và mối quan hệ kết nối quá khứ với tương lai không thể tách rời nhau: “Thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai”.

Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nội dung bao quát của công tác thanh niên là hình thành “lớp người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”. “Hồng” theo tư tưởng của Người là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất”; còn “chuyên” là trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và quân sự.

Người căn dặn thanh niên: “Các cháu phải cố gắng học tập kỹ thuật và văn hóa, nếu không học tập văn hóa, không có trình độ văn hóa thì không học tập được kỹ thuật, không học tập được kỹ thuật thì không theo kịp được nhu cầu kinh tế nước nhà, nhưng phải chú ý học tập chính trị vì nếu chỉ học văn hóa, kỹ thuật mà không có chính trị thì như người nhắm mắt mà đi".

 

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng để giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho Đảng thực sự có trình độ, có đạo đức thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống, đó là cách giáo dục tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho thanh niên.

Phải chăm lo cho công tác thanh niên

Là người sáng lập và rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bác luôn chú trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên và công tác Đoàn.

Người căn dặn: “Chi bộ phải chăm lo xây dựng Đoàn thanh niên cho thật tốt”, đồng thời: “Trung ương và các cấp đảng bộ địa phương phải chăm sóc hơn nữa đến công tác thanh niên” trong đó vấn đề quan trọng là chăm lo công tác xây dựng Đoàn để “phát huy tác dụng tiên phong của Đoàn về mọi mặt”.

Nhìn lại 45 năm thực hiện Di chúc của Bác về công tác giáo dục, bồi dưỡng thanh thiếu niên, GS. TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, công tác này vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp những đòi hỏi của tình hình mới. Một phần là do những thiếu sót trong công tác giáo dục đào tạo, sự thoái hóa, biến chất của một số cán bộ đảng viên đã tác động tiêu cực đến thế hệ trẻ. Vì thế, một bộ phận thanh niên mất phương hướng chính trị, thiếu niềm tin vào Đảng. Số khác lại sống thờ ơ, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, xa rời những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Theo GS. TS Mạch Quang Thắng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận thanh niên theo quan điểm phát triển và toàn diện. Người căn dặn cán bộ, đảng viên phải tránh thái độ thành kiến, hẹp hòi, bảo thủ, cô độc đối với thanh niên. Bởi theo người, thanh niên sống trong điều kiện mới tất yếu có những nhu cầu, lợi ích khác với cha, anh họ, không nên xem xét thanh niên một cách cứng nhắc, trước sao nay vậy. Người nói: Cần phải đi sâu vào đời sống, hiểu rõ tâm lý của thanh niên và giúp đỡ họ giải quyết vấn đề một cách thiết thực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nghiêm khắc phê phán thái độ coi thường lớp trẻ, coi thanh niên là “bản sao" của bố, mẹ, ép buộc lớp trẻ vào trong khuôn mẫu của cha anh, không hiểu tâm lý, nguyện vọng khát khao của lớp trẻ.

 

Theo GS.TS Mạch Quang Thắng để giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận cho Đảng thực sự có trình độ, có đạo đức thì bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải là một tấm gương về đạo đức, lối sống, đó là cách giáo dục tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho thanh niên.

Theo tienphong

Có thể bạn quan tâm