45 năm Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh

Điều "Đầu tiên" trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những dòng cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta Người viết: “Đầu tiên là công việc đối với con người” và căn dặn “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người vừa là động lực vừa là mục tiêu giải phóng cách mạng. Quan tâm chăm lo đến con người bao hàm ý nghĩa nâng cao đời sống của nhân dân một các toàn diện, cả về vật chất (phát triển kinh tế), cả về tinh thần (phát triển văn hóa) là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng. Người coi đó là “chiến lược” con người, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Chiến lược này là một quá trình xuyên suốt, nhất quán và mang đậm nét nhân văn, cả cuộc đời của Người đã cống hiến, hi sinh, dâng trọn trái tim mình cho nhân dân, đất nước.

 

 

Mục đích là để khẳng định và bảo vệ những giá trị cao quý của con người, đó cũng là ham muốn lớn nhất của Người “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Cho đến những phút cuối cùng trước khi rời xa thế giới này, Người vẫn không quên “ham muốn” đó “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.

Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ đây là công việc “to lớn” và vô cùng khó khăn, khó khăn hơn rất nhiều so với việc lật đổ chế độ phong kiến và đánh đuổi đế quốc thực dân “Công việc trên đây là công việc rất to lớn, nặng nề và phức tạp…”. Người còn chỉ ra những khó khăn của sự nghiệp xây dựng xã hội mới-xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Đó là, nước ta xuất phát từ một nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề; phải xây dựng mới từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, từ cơ sở hạ tầng đến kiến trúc thượng tầng… và khó nhất chính là xây dựng những con người mới, những chủ thể mới thực sự của sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Muốn xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa thì phải xây dựng những con người mới, vì con người chính là động lực của sự phát triển xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định đây còn là công việc rất vẻ vang, tự hào. Người căn dặn Đảng phải hết sức quan tâm đến mọi đối tượng, mọi tầng lớp trong xã hội. Một loạt những chính sách xã hội đối với con người được Người nêu trong Di chúc khi viết về những công việc sau khi chiến tranh kết thúc. Đây cũng là sự cụ thể hóa những lý tưởng giải phóng và phát triển con người trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đối với thương binh: “Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.

Đối với các liệt sĩ: “mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta”.

Đối với những gia đình chính sách “mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”.

Những chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, ưu đãi người có công với cách mạng, với nhân dân, đất nước là nhiệm vụ thiêng liêng mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện. Đó cũng là việc làm có ý nghĩa lớn, góp phần củng cố và phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Những công việc này, Người yêu cầu cần phải làm ngay và duy trì thường xuyên trong quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước.

Đối với những thanh niên đã được tôi luyện qua thử thách chiến tranh và tỏ ra dũng cảm là tài sản quý, “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Đảng cần lựa chọn để bồi dưỡng, đào tạo thành những cán bộ có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Người khẳng định: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”.

Với phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao sự đóng góp của họ trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước “phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất”. Người yêu cầu: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”. Người cũng căn dặn, động viên “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ, Người đã nhìn nhận, đánh giá và giải quyết những tồn tại của xã hội cũ một cách rất nhân văn, tiến bộ “những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu..., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở thành những người lao động lương thiện”.

Đối với nông dân là lực lượng chủ lực và đông đảo nhất của cách mạng, đã phải chịu đựng biết bao khó khăn, gian khổ, áp bức của chế độ phong kiến, thực dân. Nay đã hoàn toàn thắng lợi, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân để đồng bào thêm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất.

Như vậy, với từng đối tượng cụ thể, từng lớp người khác nhau trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện lòng quan tâm sâu sắc và quan trọng hơn, Người đã chỉ ra cho chúng ta thấy những công việc chủ yếu, quan trọng, đáp ứng một cách cơ bản nhất những nhiệm vụ để thực hiện thắng lợi sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng xã hội mới ở nước ta.

Ngoài sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định, để thực hiện “chiến lược” con người trong quá trình xây dựng xã hội mới ở nước ta thì sự rèn luyện bền bỉ của mỗi người, từ công nhân, nông dân đến mọi tầng lớp xã hội khác, từ những người còn lại của xã hội cũ đến những người được sinh ra và được giáo dục trong xã hội mới, từ người trẻ đến người già, kể cả những người đã trải qua quá trình lao động và đấu tranh cách mạng lâu dài… có vai trò quan trọng. Nếu chủ quan tự mãn, nếu lơi lỏng không chú ý rèn luyện, phấn đấu thường xuyên thì những cái mới, cái tiến bộ trong mỗi người không thể củng cố và phát triển, còn cái cũ, cái lạc hậu lại trỗi dậy chi phối hành vi con người. Vì vậy mỗi con người phải luôn luôn tự học tập và rèn luyện “Phải học tập suốt đời”, lời căn dặn đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi có ý nghĩa đối với mỗi chúng ta đặc biệt là đối với cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng thành con người mới xã hội chủ nghĩa.

ThS: Đào Ngọc Bình
Bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum

Có thể bạn quan tâm