"Đánh thức" tiềm năng Kon Chư Răng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang, Gia Lai) với tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú, phong cảnh núi rừng hùng vĩ, nhiều thác nước đẹp là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Dù vậy, “viên ngọc” Kon Chư Răng vẫn chưa được mài giũa để tỏa sáng.

 

Điểm đến không nhàm chán

Những ai đã từng một lần đặt chân đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên (KBTTN) Kon Chư Răng, đi dưới tán rừng, vượt ghềnh đá, nhìn ngắm thác 50 giữa lòng đại ngàn đều cho rằng đây là nơi mà ai cũng nên trải nghiệm một lần trong đời. Hiện số lượng người mong muốn được trekking trên cung đường vào thác 50 ngày càng tăng. Sau mỗi chuyến đi, mặc cho đường đi ẩm thấp, trơn trượt, mặc cho muỗi, vắt đeo bám, không sóng điện thoại, không có wifi, song ai cũng cảm thấy hài lòng khi tới Kon Chư Răng. Anh A Ngưi-Tổ trưởng tổ Quản lý Di tích-Du lịch (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Kbang) đồng thời cũng là hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình cho nhiều du khách tại đây-cho hay: “Ngày càng có nhiều du khách từ khắp các tỉnh thành kết nối với mình để tìm hiểu cung trekking khám phá thác 50 và những thác nước đẹp khác của Kon Chư Răng. Sức hút từ khu rừng nguyên sinh rộng lớn này không phải bàn cãi khi mà xu hướng du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái đang ngày càng được ưa chuộng. Trong kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 này, nhóm của mình nhận dẫn 6 đoàn khách với khoảng 100 người tham quan, khám phá thác 50. Có nhiều người đã từng đi Kon Chư Răng rồi nhưng vẫn muốn được đi lại lần nữa để được khám phá nhiều điểm mới lạ hơn”. Theo thống kê, Kon Chư Răng có khoảng 10 thác nước cao trên 10 m, trên 10.000 ha rừng giàu, rừng nguyên sinh và dấu vết hàng chục cây số đường hành quân vận chuyển vũ khí, kho tàng, trang-thiết bị của bộ đội trong chiến tranh chống Mỹ. Cảnh quan ấy cùng với những nét văn hóa Bahnar đặc sắc chính là điểm nhấn đặc biệt để Kon Chư Răng ngày càng trở nên thu hút, hấp dẫn.

 Thác 50. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Thác 50. Ảnh: PHAN NGUYÊN



Ngoài ra, Kon Chư Răng còn là hệ sinh thái rất phong phú về giống, loài động vật, thực vật. Ông Nguyễn Văn Tứ-Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Ban Quản lý KBTTN Kon Chư Răng-thông tin: Kết quả điều tra về đa dạng sinh học tại KBTTN Kon Chư Răng đến năm 2018 cho thấy, Kon Chư Răng có 881 loài và dưới loài thuộc 547 chi; 162 họ thực vật của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch là: ngành Thông đất, ngành Cỏ tháp bút, ngành Dương xỉ, ngành Thông, ngành Ngọc lan. Có 413 loài động vật hoang dã có xương sống (thú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá) thuộc 80 họ và 30 bộ. Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) cũng đề cập đến 22 loài cây ở KBTTN Kon Chư Răng, trong đó có 2 loài ở mức rất nguy cấp như re hương, ô rô bà; 7 loài ở mức nguy cấp như dần toòng, sao hải nam, trắc, trầm, song bột, kim tuyến tơ, cánh sét; 12 loài ở mức sắp nguy cấp như ba gạc lá to, sâm cau, lát hoa, gội tía, lá khôi... Về động vật, có tới 65 loài động vật hoang dã có xương sống nằm trong danh mục các loài cần được ưu tiên bảo tồn cấp quốc gia và quốc tế. Nói vậy để thấy được sự phong phú và quý hiếm của các loài trong khu bảo tồn. Vì thế, rừng Kon Chư Răng chính là địa điểm lý tưởng cho những chuyến du lịch kết hợp nghiên cứu, tìm hiểu của các nhà khoa học; là nơi giáo dục về tình yêu thiên nhiên cho học sinh, sinh viên. 

Sẽ quan tâm cải tạo, đầu tư

Giàu tiềm năng là vậy nhưng du lịch Kon Chư Răng nhiều năm qua vẫn chưa thực sự khởi sắc. Lý giải cho việc này, ông Nguyễn Minh Sự-Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Kon Chư Răng-cho hay: “Kon Chư Răng là rừng đặc dụng, lưu giữ hệ sinh thái rừng độc đáo, nhiều loài sinh vật mang tính đặc hữu nên việc khai thác phục vụ du lịch vẫn chưa được cấp phép; việc thống kê lượng khách đến tham quan khó chính xác. Phát triển du lịch sẽ ít nhiều tác động đến rừng nên cần được các cấp xem xét đầu tư một cách chặt chẽ, nhất quán, sao cho phải tạo được sự cân bằng giữa các mục tiêu: bảo tồn, tạo hiệu quả kinh tế và phát triển cộng đồng”.

Ông Sự cũng cho biết thêm: Nhân lực phục vụ du lịch là vấn đề nan giải nhất ở thời điểm hiện tại. Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng hiện chỉ có 3 người, đảm nhiệm công tác giáo dục môi trường, dịch vụ môi trường rừng và hoạt động du lịch. Mặc dù có chuyên môn, am hiểu về rừng, nhiệt tình nhưng cán bộ, nhân viên đều chưa được tập huấn về du lịch. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và giải trí tại khu bảo tồn vẫn còn thiếu thốn, không đủ để phục vụ nếu có đoàn khách đông người”.

Hiện tại, Ban Quản lý cũng đã xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái tại KBTTN Kon Chư Răng và đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. Chỉ khi đề án được phê duyệt, “nàng công chúa” Kon Chư Răng mới được “đánh thức”. Lúc đó, một số tuyến du lịch sinh thái có triển vọng sẽ được khai thác như: thác Hang Én (thác 50)-thác Hoa (thác 40)-thác Năm Tầng-thác Trại Dầm-thác Tóc Tiên; đồi Sim-thác Brong; cánh đồng Điện Biên-thác Tổ Ong-thác Liêm; thác Ba Tầng-thác Giặt Áo… cùng với các tuyến tham quan, nghiên cứu, học tập. Cơ sở hạ tầng cũng sẽ được quan tâm cải tạo, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.

Tin vui trong năm nay là tỉnh đã đồng ý đầu tư 9 km đường bê tông dẫn từ Ban Quản lý đến khoảnh 1, tiểu khu 42. Khoảng 5 km đường bộ còn lại dẫn vào thác Hang Én sẽ được đặt tấm bê tông nhỏ, không gây ảnh hưởng đến thiên nhiên. Như vậy đường vào các địa điểm đẹp của Kon Chư Răng sẽ bớt những khó khăn, giúp nhiều du khách biết đến “viên ngọc” này hơn nữa.

 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm