Đảo Bé-Viên ngọc bích giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ra huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vừa lúc biển êm nên chúng tôi có dịp được sang đảo Bé. Bởi lẽ, với điều kiện thời tiết bất thường và phương tiện như hiện nay thì không phải lúc nào cũng có cái diễm phúc ấy.

Một góc đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: D.L
Một góc đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: D.L

Là người quen biết từ trước nên khi tôi đang còn chờ tàu ở Cảng Sa Kỳ, Trung tá Nguyễn Quang Nghiêm-Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng đảo Bé (Đồn Biên phòng Lý Sơn) gọi điện bảo: “Biển đang êm. Ông đến Lý Sơn là phải xuống ca nô ra đây ngay. Đến chiều, sóng lớn lắm đấy, không sang được đâu”.

Theo chỉ dẫn của vị sĩ quan có gần 20 năm gắn bó với huyện đảo tiền tiêu, cuối cùng tôi cũng được đặt chân lên cầu cảng đảo Bé giữa ánh nắng chói chang rải xuống mặt nước xanh như màu ngọc bích. Ngay tại cầu cảng là những chiếc xe điện khá hiện đại đang chờ khách. Sau khi mọi người đã yên vị, chiếc xe điện từ từ lăn bánh trên con đường bê tông uốn lượn dưới những tán cây rợp mát. Mặc dù nắng đang gắt dần nhưng bù vào đó là những cơn gió mát rượi, mặn mòi từ biển thổi vào mơn man da thịt. Dường như mọi ưu tư phiền muộn và mệt nhọc bỗng chốc tan biến khi lượn lờ giữa hòn đảo mà có người ví là Hawaii thu nhỏ này. Không chỉ chúng tôi mà các chuyến xe ngược chiều cũng chở đầy những nụ cười mãn nguyện khi đến với vùng biển đảo nơi này.

Điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là một ghềnh đá hoang sơ vắt mình bên những con sóng vỗ bờ. Những viên đá đen nhánh-dấu vết của nham thạch núi lửa xa xưa-được sóng biển bào mòn tạo thành những hình thù cực kỳ sinh động. Nơi đây chưa có sự tác động thô bạo của con người nên rất thanh sạch. Chỉ cần đưa máy ảnh lên là sẽ có được những bức ảnh như ý.

Di chuyển khoảng vài trăm mét dọc bờ biển, trước mắt chúng tôi là một bãi đá đen tuyền đủ loại hình thù xếp chồng không liền mạch vô tình mở lối xuống những bãi cát trắng tinh với nước biển xanh trong đến tuyệt đối. Tại đây, du khách được đáp ứng các dịch vụ tắm biển, giải khát, ẩm thực với những món đặc sản tươi roi rói của vùng biển giàu có này. Giá cả các loại dịch vụ tuy có đắt hơn bên đảo Lý Sơn nhưng không đáng kể. Chỉ có dịch vụ tắm nước ngọt là... giá trên trời! Theo chủ một dịch vụ tắm nước ngọt tại đây, do nguồn nước ngọt trên đảo rất khan hiếm nên giá đầu vào đã là 1 triệu đồng/m3. Không chỉ được ngâm mình trong dòng nước trong mát tinh khôi, chúng tôi còn có cơ hội được chiêm ngưỡng những bãi san hô tuyệt đẹp ven bờ. Chiều về, mọi người có thể ngồi bên ghềnh đá buông cần câu cá và suy tư về những chuyện diễn ra trong ngày, trong đời. Đây đó vọng lại tiếng sóng vỗ bờ rì rào kể về những câu chuyện bất tận chốn đại dương mà không bị quấy rầy bởi âm thanh ồn ào nơi phố thị.

Ảnh: D.L
Ảnh: Duy Lê

Đảo Bé (hay còn gọi là xã đảo An Bình) nằm ở phía Tây Bắc đảo Lý Sơn, diện tích gần 1 km2, có 150 hộ dân với 500 khẩu. Cư dân chủ yếu sống bằng nghề trồng tỏi và đánh bắt hải sản.

 



Theo Trung tá Nguyễn Quang Nghiêm, trước đây, đảo Bé là một thôn thuộc xã An Vĩnh của huyện đảo Lý Sơn. Ngày ấy, việc đi lại giữa 2 hòn đảo chủ yếu bằng thuyền thúng và ghe gỗ nhỏ nên rất nguy hiểm. Vì thế, đảo Bé là nỗi ám ảnh của cán bộ, giáo viên và cả người dân trên đảo. Từ năm 2016 đến nay, đảo Bé được biết đến như một địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn nên Nhà nước và một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, phương tiện đi lại và dịch vụ phục vụ khách du lịch. Nếu trời yên biển lặng, từ đảo Lý Sơn chỉ cần 15 phút đi ca nô là có mặt tại đảo Bé.

Đến với đảo Bé, ngoài việc khám phá các thắng cảnh tuyệt đẹp và hoang sơ, du khách còn có thể “homestay” cùng người dân chuyên trồng trỉa loại nông sản nổi tiếng: tỏi Lý Sơn. Tỏi đảo Bé rất đặc biệt bởi chỉ được tưới tắm bằng nước trời và chăm trồng theo phương pháp truyền thống. Trong mâm cơm tiếp khách quý của người dân đảo Bé bao giờ cũng có vốc tỏi cô đơn. Không đơn thuần là gia vị, tỏi cô đơn còn là vị thuốc giải cảm gia truyền của người dân xã đảo.

Xem là bạn tri kỷ từ đất liền nên trước khi chia tay, anh Nghiêm mua ký tỏi cô đơn để tặng tôi. Qua điện thoại, anh dặn chị nông dân xứ đảo (sau này tôi biết là chị Lê Thị Thành): “Nhớ chọn tỏi xinh nghen em!”. Cầm bọc tỏi cô đơn trên tay, tôi bỗng liên tưởng đến cuộc sống của người dân đảo Bé trước đây...

 DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm