Phóng sự - Ký sự

Đất khó Đak Tơ Pang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gặp Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Trung, chúng tôi đề xuất được đi cơ sở, nơi còn nhiều khó khăn nhất, anh nói ngay: “Các anh nên đến Đak Tơ Pang, xã anh hùng trong kháng chiến nhưng dân còn nghèo vì điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, tiềm năng dường như không có gì nên loay hoay mãi mà dân chưa vượt qua được cảnh thiếu ăn, thiếu mặc”.
 

Người dân đến khám-chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Đức Thụy
Người dân đến khám-chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Đức Thụy

Chúng tôi men theo con đường liên xã theo hướng Đông Bắc gặp con nước Hawei để đến Đak Tơ Pang. Con đường gập ghềnh, nghiêng xốc; một vài đoạn được trải nhựa hoặc bê tông. Tuy cự ly từ trung tâm huyện lỵ đến UBND xã Đak Tơ Pang chỉ 15 km nhưng địa hình rất phức tạp với nhiều dốc cao, vực thẳm; bề mặt tầng đất pha cát không ổn định, bị xói mòn vào mùa mưa.

Vùng núi non nơi đây như những chiếc bát úp liền kề tạo nên nhiều khe hẹp với độ dốc cao, bên dưới là dòng Đak Hawei trơ đáy vào mùa khô và ngập lũ vào mùa mưa. Nơi đây chỉ toàn là rừng nghèo thưa lá và rừng tái sinh. Vì không có những thung lũng rộng và đồng cỏ nên bao đời nay người dân Bahnar bản địa chỉ chuyên phát nương làm rẫy, chủ yếu là trồng bắp lai và lúa, mì (cuối năm 2013, diện tích lúa rẫy toàn xã là 254 ha, bắp lai 300 ha, mì 200 ha) nhưng năng suất rất thấp (lúa đạt 11 tạ/ha, bắp đạt 39 tạ/ha). Chăn nuôi không phát triển, nhỏ lẻ và thả rông, chủ yếu là bò, heo, dê… Do vậy, cái nghèo luôn đe dọa cuộc sống của người dân Đak Tơ Pang (thống kê năm 2013 cho thấy trên 78% hộ nghèo và cận nghèo. Dân số toàn xã bấy giờ gồm 259 hộ/1.360 khẩu, chủ yếu dân tộc Bahnar).

Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Văn Lên còn khá trẻ, nhanh nhẹn, người làng Groi. Anh cẩn thận khi báo cáo một vài số liệu; nhưng đến con số hộ đói nghèo, anh hơi ngập ngừng, rồi bảo “con số chính xác có trong văn bản báo cáo…”. Thực ra, con số hộ nghèo trong báo cáo chỉ gần 42% nhưng có lẽ con số trên thực tế sẽ còn cao hơn nhiều, vì sự phân chia giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo nơi đây chỉ là một sợi tơ mỏng manh.

Chúng tôi đi qua 3 làng: Bòng,  Krap và Groi trong số 6 làng của xã (trong đó 5 làng nằm bên này con nước Hawei và làng Kpieu  bên kia sông). Những ngôi làng này nằm gần nhau, chênh chếch bên triền đồi ngửa mặt ra sông. Vì không có những thửa đất bằng phẳng đủ rộng để lập làng theo truyền thống nên người dân tự co cụm men theo triền đồi để làm những ngôi nhà tạm bợ, thi thoảng xen vào đôi ba ngôi nhà xây cấp 4. Làng nào cũng có nhà rông nhưng không uy nghi, sừng sững như những nhà rông Bahnar khác. Nhiều người có kinh nghiệm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Trường Sơn-Tây Nguyên cho rằng, cứ đi qua làng dân tộc bản địa nào, muốn biết làng ấy giàu hay nghèo chỉ cần nhìn vào ngôi nhà làng (nhà rông) là có thể đoán biết chính xác. Ngôi nhà chung của làng, buôn càng bề thế, xây dựng đúng phong cách của dân tộc ấy thì người dân làng đó đang thịnh vượng, có của ăn của để, còn không thì ngược lại.

 

Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang). Ảnh: Đức Thụy
Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Lê Lợi (xã Đak Tơ Pang). Ảnh: Đức Thụy

Lịch sử Đảng bộ huyện có ghi, đây là một xã (xã A9 trong chống Mỹ) có nhiều thành tích trong kháng chiến, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998. Trong chiến tranh, dân làng vẫn chỉ quẩn quanh trong các triền núi này vừa tránh địch vừa sản xuất, cung cấp và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động. Dù có nghèo đói nhưng nhân dân vẫn một lòng tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng ở phía trước. Sau ngày giải phóng, các địa bàn của vùng căn cứ này được sáp nhập vào xã Ya Ma, cho đến năm 1990 mới tách ra thành 3 xã: Ya Ma, Kông Yang và Đak Tơ Pang. Có lẽ trong các đơn vị hành chính này, Đak Tơ Pang là “em út” nằm ở vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, gian khổ nhất. Nếu trong chiến tranh, địa bàn A9 là nơi hoạt động khá thuận lợi của ta vì địa hình nằm sâu trong các dãy núi bị chia cắt bởi nhiều sông suối, không có đường giao thông đi lại mà chỉ là những lối mòn xuyên sơn, thì ngày nay trong hòa bình, chính mảnh đất này là sự thách thức cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đak Tơ Pang suốt những năm qua.

Ngoài việc thiếu đất đai cho sản xuất, đồng cỏ cho chăn nuôi, người dân lại phải lo chống lũ trong mùa mưa kéo dài. Lũ hàng năm làm con nước Hawei quẫy đạp, gầm thét như con trăn khổng lồ sẵn sàng cuốn phăng đi tất cả. Có năm làm trôi cả chục ha hoa màu, sạt lở làm hư hỏng nhà cửa, đường giao thông nông thôn, đe dọa tính mạng của người dân. Làng Kpieu phía bên kia sông với 32 hộ (176 nhân khẩu) thường xuyên bị cô lập vì lũ. Con đường qua lại duy nhất là băng ngang con nước Hawei khi mùa nước rọt. Đã nhiều lần huyện và xã có ý định vận động đồng bào làng Kpieu sang định cư phía bên này sông nhưng xem ra chỉ là “đổi nỗi khổ này để nhận nỗi đau kia” vì quẩn quanh hoài rồi cái nghèo vẫn hoàn nghèo. Dân làng Kpieu chấp nhận định cư bên kia sông vì còn có đất sản xuất… Mới đây, tỉnh và huyện đã chấp thuận dự án làm cầu tràn thay vì cầu treo qua con nước Hawei với kinh phí hơn 5 tỷ đồng để cho dân qua lại. Có lẽ qua năm 2015 công trình sẽ được triển khai. Và mùa mưa này, dân làng ở hai bên con nước còn phải chịu khó… lội sông.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Chúng tôi nhớ câu “trong cái khó ló cái khôn” và trong thực tế nhiều địa phương, nhiều người đã vượt lên được số phận, họ đổi đời nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi. Nhưng ở Đak Tơ Pang, bao năm qua không dễ để giải bài toán giảm nghèo. Làm gì và làm như thế nào để vượt lên trên những quả đồi bát úp chằng chịt ấy và thoát khởi vòng vây của những mùa lũ miên man quả là điều quá khó! Chỉ để làm một con đường bê tông đủ sức chịu đựng với địa hình dốc đứng từ huyện lỵ về trung tâm xã Đak Tơ Pang cũng ngốn hàng chục tỷ đồng; thêm vào đó là hệ thống nước sinh hoạt cũng cần đầu tư một cách bài bản, lâu dài… Những dự án này không thể để đơn độc huyện Kông Chro tự lo được.

Đặc biệt, với địa thế thổ nhưỡng của vùng Đak Tơ Pang như hiện nay, trong nông nghiệp cần phải làm gì để phát triển bền vững? Có lẽ các nhà chuyên môn nên bỏ thời gian nghiên cứu để giúp dân tìm ra giải pháp tối ưu. Chúng tôi thấy rằng, trên địa bàn này, người ta đã thí điểm trồng cây điều, vốn là cây của người nghèo ở vùng đất khó tính nhưng hiệu quả chẳng đem lại như mong muốn. Vì đất nơi đây bị xói mòn hàng năm, thêm vào mưa gió thất thường, điều không đậu trái… Và thế là dân chặt điều lấy đất trồng cây khác mặc dù năng suất rất thấp nhưng còn có cái để bỏ bụng. Lác đác trên đường vào xã, chúng tôi còn thấy người dân trồng rừng bạch đàn nhưng có lẽ cây chậm phát triển nên xem ra họ không mặn mà mở rộng diện tích. Chăn nuôi có lẽ là ngành thích hợp đối với vùng lắm đồi núi như Đak Tơ Pang. Đàn bò và heo hiện có, có thể nâng lên ở mức vài ngàn con vì tận dụng được các loại hoa màu phụ trong dân làm thức ăn gia súc. Riêng đàn dê cần khuyến khích chăn nuôi thành đàn lớn, có sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan khuyến nông và vốn từ các ngân hàng thương mại. Hiện tại, đàn dê tại Đak Tơ Pang mới chỉ manh nha (hơn 170 con); nếu được quan tâm và có vốn, có thể mỗi gia đình đủ sức nuôi hàng chục con vì đây là loài dễ nuôi trong điều kiện rừng thưa, có nơi chăn thả nhưng hiệu quả kinh tế cao…

Sau vài cơn mưa đầu mùa, cái nóng ở Kông Chro như dịu đi đôi chút. Người Bahnar bắt đầu khai mở đất để tra những hạt giống xuống vùng đất khát cho mùa vụ mới. Dân làng Groi đang cúng đầu vụ, tức là khi chuẩn bị gieo hạt, người ta làm lễ cúng Yàng cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Có lẽ họ vừa cúng xong và bày những ché rượu cần và ít thức ăn xoay mặt về phía con nước Hawei đang mùa nước cạn còn trơ lại bãi đá, để vui vầy. Anh Đinh Văn Lên có ý mời chúng tôi ở lại chung vui với dân làng. Nhưng chiều sắp cạn, phía Đông có những đám mây vần vũ kéo về, chúng tôi xin khất lại “bữa tiệc” còn kịp về huyện với công việc đang dở dang.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm