(GLO)- Đường Trường Sơn Đông hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với đời sống người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống dọc theo tuyến đường đi qua. Tuyến đường này là điều kiện mở cánh cửa cho hàng hóa được thông thương từ miền ngược với miền xuôi và ngược lại dễ dàng hơn; đó cũng là yếu tố để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ở các buôn làng một cách rõ rệt.
Con đường của phồn vinh
Những ngày cuối mùa thu, chúng tôi có chuyến công tác tại các huyện phía Đông tỉnh theo tuyến đường Trường Sơn Đông. Nắng chảy vàng theo những cánh đồng mía. Xa xa là làn khỏi mỏng bay lên từ những ngôi nhà lúp xúp tạo nên một không gian thật thanh bình.
Ảnh: Văn Nhung |
Có mặt tại trung tâm xã An Trung (huyện Kông Chro) mới thấy không gian của một trong những thị tứ thật nhộn nhịp nhờ có đường Trường Sơn Đông đi qua. Ngôi trường mới xây, chợ búa và người mua, kẻ bán tạo không gian khác xa hơn nhiều năm về trước. An Trung cách thị trấn Kông Chro chưa đầy 20 km nhưng trước đây việc đi lại vô cùng khó khăn. Dù là một xã thuần nông với trên 50% dân số (5.200 khẩu/1.118 hộ) là đồng bào dân tộc Bahnar nhưng từ khi có tuyến đường Trường Sơn Đông, An Trung vươn lên thành xã có mức thu nhập bình quân đầu người hàng năm cao nhất huyện với gần 20 triệu đồng. Trên địa bàn nay đã có hàng chục hộ đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, số hộ nghèo nay giảm chỉ còn 14%. Giao thông thuận lợi giúp các em học sinh trong độ tuổi đi học đến trường đạt trên 95% ở 3 cấp học.
Bí thư huyện ủy Kông Chro Trần Cao Nguyên chia sẻ: “Kông Chro là một trong 6 huyện, thị xã có đường Trường Sơn Đông đi qua. Phải nói rằng từ khi có tuyến đường này lợi ích về kinh tế-xã hội đã thấy rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc. Điều quan trọng hơn nữa đây là tuyến đường xung yếu chiến lược trong phòng thủ đối với khu vực và quốc gia”. |
Chia sẻ niềm vui này, Chủ tịch UBND xã An Trung Nguyễn Văn Ký không giấu niềm phấn khởi: “Trước đây dù có nỗ lực làm tốt một vụ mì hay vụ mía, giá có cao hơn nhưng vẫn bị thương lái ép giá. Từ khi đường Trường Sơn Đông được nâng cấp mở rộng, chuyện giá cả không còn là nỗi ám ảnh nữa”. Ông Ký còn cho biết, nông sản thu hoạch được bà con ở đây có thể bán cho bất cứ ai, vào bất cứ thời điểm nào. Phải nói rằng giao thông thuận lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hơn nữa, từ ngày có đường Trường Sơn Đông, một số hộ gia đình đã tận dụng xây nhà mở quán kinh doanh, tham gia hoạt động sản xuất... dọc theo tuyến đường. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập rõ rệt.
Cũng trong tâm trạng chia sẻ, ông Đinh Quar-nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tơ Tung (huyện Kbang) cho biết: Trước đây từ xã vào thị trấn Kbang thật trần ai, bây giờ dễ như trở bàn tay. Từ khi đường Trường Sơn Đông được nâng cấp, mở rộng tạo thêm một lực xúc tác làm thay đổi nhiều diện mạo trên quê hương, buôn làng. “Đất đai rộng rãi cùng với giao thông thuận lợi nên bà con địa phương ở đây chuyển đổi sang trồng cây chủ lực như mía, mì. Sản phẩm làm ra có thể bán cho bất cứ ai mà không bị ép giá”-ông Quar vừa chia sẻ vừa chỉ tay về những triền mía bạt ngàn.
Dấu ấn một tên đường
Đường Trường Sơn Đông là con đường huyền thoại trong kháng chiến. Dọc theo tuyến đường này, đồng bào các dân tộc miền Trung và Tây Nguyên một lòng theo cách mạng góp nhiều công sức cho sự nghiệp thống nhất nước nhà nhưng hiện nay đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Cho nên việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Trường Sơn Đông không những có ý nghĩa chiến lược quốc gia về phòng thủ và củng cố quốc phòng-an ninh mà trong tương lai gần sẽ là động lực góp phần vô cùng quan trọng cho khu vực phía Đông và cả khu vực Tây Nguyên phát triển. Đúng như chủ trương của Bộ Chính trị trước khi tiến hành khởi công tuyến đường này: “Khu vực xây dựng đường Trường Sơn Đông nằm trên vùng cao nguyên rộng lớn kéo dài, có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc...”.
Từ tầm nhìn đó, Bộ Chính trị quyết định đầu tư mở rộng, nâng cấp đường Trường Sơn Đông kết nối đường ngang chạy song song với đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A thành hệ thống quốc lộ liên hoàn nhằm đánh thức tiềm năng khu vực, tạo động lực thúc đẩy đời sống người dân trên địa bàn. Tuyến đường được khởi công từ năm 2008 với tổng chiều dài khoảng 700 km, trong đó đoạn qua Gia Lai chiếm gần 1/2 chiều dài (247 km) và qua 6 huyện, thị xã: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa và Krông Pa. Những nỗ lực này của Đảng và Nhà nước để tri ân với đồng bào Tây Nguyên nhằm góp phần thay đổi diện mạo mới trong nông nghiệp, nông thôn...
Thực vậy, 40 năm đi qua sau ngày giải phóng nay mới thực sự là cơ hội làm thay đổi rõ rệt trên một vùng đất. Một màu xanh đang phủ dần trên cả một dải đường Trường Sơn Đông gắn kết với miền xuôi. Tự hào là những người lính tham gia thi công tuyến đường này, Đại tá Hà Huy Hùng-Trưởng phòng Mặt bằng Quản lý Thi công (Ban Quản lý dự án đường Trường Sơn Đông) tâm sự với chúng tôi: “Ít nhiều những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai một dự án nhưng đó là tiền đề cất cánh nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tuyến đường đi qua. Chúng tôi chỉ một điều tha thiết mong góp một phần công sức nhỏ bé của mình với bà con đồng bào dân tộc thiểu số một lòng theo cách mạng giữa đại ngàn Trường Sơn”.
Lê Văn Nhung