Phóng sự - Ký sự

Dấu ấn về một tòa thành cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cột cờ thành Bình Định là nơi đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm của lịch sử vùng đất con người Bình Định từ hôm qua và mãi tận hôm nay
Sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1802, triều Nguyễn - vua Gia Long hạ chiếu cho các tỉnh trong cả nước hình thành các dinh trấn có thành hào kiên cố. Dọc theo các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, đều có các tòa thành bề thế. Nhưng hiện nay dường như chỉ 3 tỉnh còn lại thành cũ, đó là Nghệ An, Quảng Trị và Khánh Hòa.
Tại Nghệ An, bờ thành đã bị phá, còn lại 3 cửa thành phía Nam, Đông và cửa Tiền. Thứ 2 là tỉnh Quảng Trị. Duy nhất ở Khánh Hòa còn thành Diên Khánh là nguyên vẹn, còn các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định chỉ còn hệ thống hào bao quanh thành mà thôi .
 
Cột cờ thành Bình Định
Bình Định cũng có một tòa thành uy nghi như các tỉnh, khi nhà Tây Sơn thất thủ, nhà Nguyễn tiếp quản lại thành Hoàng Đế gần như nguyên vẹn. Nhà Nguyễn chuyển công năng sử dụng từ một kinh đô của một vương triều trở thành lỵ sở của một tỉnh, vua Gia Long đổi tên là dinh Bình Định, rồi chuyển thành trấn Bình Định.
Sau 10 năm tồn tại, đến triều Gia Long thứ 12 (1814), nhà Nguyễn cho dỡ tất cả các công trình xây dựng tại tòa thành này, chuyển sang xây dựng vị trí mới cách nơi cũ khoảng 6 km về phía Nam thuộc 2 thôn Liêm Trực và An Ngãi thuộc phủ An Nhơn với tên gọi là thành Bình Định.
Dấu ấn một thời
Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế dựng nên triều Nguyễn lấy niên hiệu là Gia Long. Việc làm đầu tiên của ông là củng cố chính quyền từ trung ương đến địa phương, hạ chiếu cho các tỉnh hình thành trong cả nước, xây dựng các thành trì cấp tỉnh theo mô hình thu nhỏ của triều đình ở cấp địa phương. Về tâm linh, hạ chiếu cho các tỉnh xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử vốn là ông tổ của đạo Khổng Mạnh mà nhà Nguyễn tôn thờ để quản lý đất nước.
Về kiến trúc, thành Bình Định là hình ảnh thu nhỏ của kiến trúc kinh đô Huế theo kiểu Vauban do kiến trúc sư người Pháp thiết kế. Bên trong thành có các kiến trúc chính như Hành Cung để cho nhà vua có dịp ghé qua đến ở và các dãy nhà chức việc giúp việc Tổng đốc. Thành hình vuông, tường đắp đất có đoạn xây bằng đá ong và mở 4 cửa chính. Trước Cách mạng Tháng Tám, tòa thành gần như còn nguyên vẹn cả 4 cửa thành, hành cung và các kiến trúc bên trong.
Sau đó, với chủ trương tiêu thổ kháng chiến, không cho địch sử dụng cơ sở cũ làm căn cứ, chính quyền đã ra lệnh cho các địa phương trong tỉnh đến phá dỡ toàn bộ tòa thành này. Do tòa thành quá lớn, không thể phá dỡ trong thời gian ngắn, Bình Định phân tường thành từng đoạn rồi chia cho các xã trong toàn tỉnh. Bằng hình thức này, chỉ trong thời gian ngắn, tòa thành bị phá dỡ hoàn toàn. Hiện duy nhất còn lại là "kỳ đài" dân gian quen gọi là "cột cờ", của tòa thành này.
Trường tồn cùng năm tháng
Cột cờ nằm ở vị trí cửa Tiền, ban đầu làm bằng gỗ, được đặt trên ụ đất cao ngang với bờ thành và được chôn không có bệ. Mỗi năm, vào dịp Tết nguyên đán hay ngày Đại khánh của nhà vua và những ngày vua có dịp kinh lý đến ở trong Hành Cung, cờ được treo trên kỳ đài.
Năm 1936, cột cờ được làm bằng nguyên liệu bê-tông cốt sắt. Vị trí cột cờ vẫn nguyên chỗ cũ nhưng đã có chân đế hình vuông xây bằng đá ong. Để chống dao động, quanh thân trụ cột có 4 trụ tròn đúc song song với trụ, trên bề mặt tấm bê-tông thứ nhất người ta đặt 4 trụ nữa nhưng kích thước nhỏ hơn và trên cùng là tấm bê-tông hình vuông đúc liền với cột cờ. Với việc thêm các chi tiết, cột cờ có dáng vững chãi, hình khối không bị thô.
Để có thể leo lên treo cờ, quanh thân người ta tạo các bậc cấp. Từ dưới lên có 28 bậc. Đỉnh cột cờ hình bát giác, phần chân lớn, càng lên cao càng thu nhỏ. Trên đỉnh tạo hình tròn quả bầu, quanh gắn 4 cây sắt quay 4 hướng, đầu mút uốn cong lên trên, 4 thanh sắt này là nơi buộc 4 dây treo cờ xéo ngũ sắc trang trí vào dịp lễ. Chiều cao cột cờ hiện còn khoảng 19-20 m.
Hiện nay cột cờ vẫn còn nguyên vẹn, đế đã được gia cố bằng gạch, nền lát gạch Bát Tràng.
Một thời dậy sóng
Năm 1908, dưới chân cột cờ ngay chính cửa Tiền - cửa chính của thành Bình Định đã diễn ra cuộc biểu tình chống thuế do các sĩ phu lãnh đạo. Sử chép: "Ở Bình Định, ngày 12-4-1908, hàng mấy vạn người biểu tình, chia thành từng lớp vây quanh thành, lớp trong gọi là "dân cảm tử", lớp ngoài gọi là "dân tự cường". Bọn tri phủ, tri huyện sợ hãi phải trốn về tỉnh. Các lý dịch làm việc đắc lực cho Pháp bị trừng trị. Phong trào lan đến các tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa".
 
Lỵ sở thành Bình Định
Từ tháng 4 đến tháng 5-1908, thành Bình Định là nơi đọ sức giữa một bên là quần chúng yêu nước, một bên là súng đạn của thực dân phong kiến. Hàng vạn người dân ở các huyện trong tỉnh theo tiếng gọi của các sĩ phu yêu nước do ông Hồ Sĩ Tạo đứng đầu kéo về thành Bình Định đấu tranh đòi giảm thuế, miễn sưu. Đám tay sai trong thành gần như bị cô lập trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng nhân dân. Cuộc đấu tranh quyết liệt của quần chúng buộc thực dân Pháp phải điều động ba phân đội thuộc binh đoàn thuộc địa và bản xứ đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Bình Định tiến hành cuộc đàn áp đẫm máu, làm hàng chục người chết và 100 người bị bắt đày đi Côn Đảo. Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo - linh hồn của cuộc biểu tình - bị triều đình Huế xử tử hình.
Trong Cách mạng Tháng Tám, thành Bình Định chứng kiến cuộc mít-tinh long trời chuyển đất của hàng vạn nhân dân, tuyên bố ủy ban khởi nghĩa ra đời. Lần đầu tiên trên cột cờ thành Bình Định, quần chúng yêu nước nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ cách mạng phấp phới bay.
Cột cờ là dấu ấn một thời của tòa thành, một chi tiết trong quần thể kiến trúc của thành Bình Định, nơi đã chứng kiến bao nỗi thăng trầm của lịch sử vùng đất, con người Bình Định từ hôm qua và mãi tận hôm nay. Nơi đây đã chứng kiến chế độ quân chủ sụp đổ, nhà nước mới của nhân dân ra đời. Nó là dấu ấn một thời của tòa thành lịch sử của người Bình Định, của người dân nước Việt. 
Bài và ảnh: ĐINH BÁ HÒA (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm