Phóng sự - Ký sự

Dấu lặng từ những cuộc "hồi hương" giữa mùa dịch Covid-19 - Bài 6: Tạo sinh kế cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ông Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) cho rằng, để tạo sinh kế, hỗ trợ nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng dậy sau đại dịch Covid-19 cần cả hệ thống chính trị các cấp ở tại địa phương phải vào cuộc.
 
Để tiếp tục loạt bài "Dấu lặng từ những cuộc 'hồi hương' giữa mùa dịch Covid-19", PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Khắc Đính (ảnh) – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN)
Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho rằng, để tạo sinh kế, hỗ trợ nông dân khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng dậy sau đại dịch Covid-19 cần cả hệ thống chính trị các cấp ở tại địa phương phải vào cuộc; đồng thời phát huy vai trò các thành viên trong hệ thống chính trị, trong đó có tổ chức Hội ND.
Những ngày qua, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, hàng nghìn người dân ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đang sống và làm việc tại phía Nam đã trở về quê hương. Ông có đánh giá gì về tình hình này?
- Về tình hình lao động khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhiều năm nay nổi lên vấn đề là những người trong độ tuổi lao động đều đổ xô về các thành phố lớn, các khu công nghiệp để lập nghiệp. Điều này khiến số người trong độ tuổi lao động ở lại địa phương rất thấp. 
Những ngày qua, có hàng nghìn người lao động ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... trở về quê hương trong lúc dịch Covid-19 bùng phát, trong đó chủ yếu là các lao động của miền Trung - Tây Nguyên. Vô hình trung tình trạng này gây ra áp lực lớn cho các địa phương khi tiếp nhận dòng người lớn hồi hương trở về. 
Nhưng theo tôi, từ những áp lực đó sẽ tạo thành cơ hội mới về nguồn nhân lực lao động cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Anh Trương Ngọc Phúc (ở huyện Krông Năng, Đăk Lăk) trên đường đạp xe từ TP.HCM về quê. Ảnh: P.V
Anh Trương Ngọc Phúc (ở huyện Krông Năng, Đăk Lăk) trên đường đạp xe từ TP.HCM về quê. Ảnh: P.V
"Hội NDVN đang khảo sát, đánh giá tổng hợp tham mưu cho Đảng tổng kết Nghị quyết 26. Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới...".
Ông Đinh Khắc Đính
Thời gian qua, T.Ư Hội NDVN đã có giải pháp nào để đóng góp thêm vào chính sách phát triển kinh tế khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đặc biệt là với lực lượng nông dân ở khu vực này, thưa Phó Chủ tịch?
- Những tiềm năng, lợi thế, dư địa của khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn rất lớn. Miền Trung có biển, đảo, đầm… Tây Nguyên có tiềm năng về đất đai rất dồi dào, màu mỡ. Vấn đề ở đây là cần đưa đội hình lao động này tham gia phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản, dịch vụ nông nghiệp sẽ tạo được sinh kế cho số lao động này. Khi tạo được sinh kế sẽ có ý nghĩa rất quan trọng trong việc góp phần phân bố lại lực lượng lao động này.
Nhưng trước hết, cần đón, quản lý, phân loại lao động khi hồi hương. Việc này cần được triển khai ngay từ thôn, từ xã, huyện, tỉnh. Sau đó các cấp địa phương cần phải nghiên cứu đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù tạo môi trường thuận lợi cho số lao động này tham gia phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở chính trên quê hương họ.
Cái khó hiện nay với số lao động này không nằm ở chất lượng nguồn lao động. Bởi vì họ là lao động tại các khu công nghiệp ở thành phố lớn, có kinh nghiệm trong các lĩnh vực. Cái khó khi họ về quê hương là nguồn lực về vốn sản xuất. Chúng ta cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ nguồn vốn, có thể hỗ trợ cho vay không lãi suất một vài năm đầu.
Thứ 2, cần có môi trường để họ tạo sinh kế. Cần đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp về đầu tư nông nghiệp ở nông thôn. Trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị định nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền Trung-Tây Nguyên, tuy nhiên có rất ít doanh nghiệp tham gia. 
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chia sẻ với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, về nông thôn trong điều kiện nguồn lao động như vậy rất khó cho các doanh nghiệp. Cần có thêm hỗ trợ một số doanh nghiệp đi đầu tạo môi trường sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm ở khu vực nông thôn.
Nếu làm đồng bộ được thì rất tốt nhưng có thể từng tỉnh chọn một số vùng làm điểm. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm sao năm đầu cơ bản và đến năm thứ 2 trở đi hầu như số lao động này khi về với quê hương họ cảm thấy gắn bó với quê hương vì đã có việc làm, đời sống, thu nhập ổn định hơn. 
Thực ra bà con khu vực miền Trung-Tây Nguyên ra thành phố làm ăn cũng chỉ vì mục đích đó. Bây giờ bà con đạt được yêu cầu đó trên chính mảnh đất quê hương mình họ sẽ rất trân trọng, phấn khởi.
Thứ 3, các hội đoàn thể phải vào cuộc tích cực. Trong đó, riêng với Hội ND phải chủ động tiếp cận với bà con, với người lao động để phân loại lao động. Đồng thời gắn với việc thành lập các chi tổ, hội nghề nghiệp, đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.
Các cấp Hội cũng phải chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển các sản phẩm chủ lực tạo thành chuỗi sản xuất. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để nông dân yên tâm làm ăn, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Từ đó, từng bước góp phần khắc phục việc phân bố tình hình lao động không đồng đều giữa nông thôn và thành phố trong nhiều năm qua.
Hội NDVN đã có những hỗ trợ gì riêng cho bà con nông dân khu vực này, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, thưa ông?
Hỗ trợ tìm việc làm cho thanh niên
"Vừa qua, chúng tôi báo cáo với UBND tỉnh về việc phải lên phương án đảm bảo an ninh trật tự khi người dân về từ các tỉnh phía Nam, đặc biệt đợt này thanh niên về nhiều sẽ tiềm ẩn mất an ninh trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị tỉnh Quảng Bình có chính sách hỗ trợ thanh niên thất nghiệp và giới thiệu các kênh để tìm việc làm cho thanh niên. Trong số các tỉnh bắc miền Trung, du lịch ở Quảng Bình được xem là thế mạnh nhưng giờ đang lao đao, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Chúng tôi đang động viên thanh niên Quảng Bình ở lại các tỉnh phía Nam, khi nào dịch ổn, các công ty đón lao động trở lại thì nộp hồ sơ vào làm. Về Quảng Bình lúc này cũng tạo nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên địa bàn tỉnh Quảng Bình".
Ông Đặng Đại Bàng - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình
- Những năm qua, các cấp Hội NDVN đã thường xuyên chăm lo, hỗ trợ về giống, cây con, tạo điều kiện sinh kế cho bà con khu vực này. Hàng năm, Hội NDVN đã triển khai hàng nghìn mô hình ở nông thôn. 
Theo đó, đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội đã xây dựng các mô hình giảm nghèo. Sắp tới đây theo chương trình mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc miền núi của Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ T.Ư Hội đã có xây dựng riêng một đề án về xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với xây dựng các chi tổ hội nghề nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Thời gian tới, cùng với việc triển khai hiệu quả công tác xây dựng Hội vững mạnh, các cấp Hội ND các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Tuyên truyền hội viên nông dân tích cực sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương, phát triển sản xuất hàng hoá, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. 
Đồng thời cùng địa phương tham gia tiếp nhận lao động từ thành phố về quê, vận động bà con nông dân tham gia các chi tổ hội nghề nghiệp theo phương châm 5 cùng (cùng lĩnh vực lao động, cùng ngành nghề sản xuất, cùng mối quan tâm, cùng có sự chia sẻ trách nhiệm và cùng hưởng lợi); tạo môi trường thuận lợi để người nông dân có chung lợi ích và trách nhiệm được trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chia sẻ thông tin giá cả thị trường…
Xin cảm ơn Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam.
(Còn nữa)
Theo Thu Hà (thực hiện/Dân Việt)
https://danviet.vn/dau-lang-tu-nhung-cuoc-hoi-huong-giua-mua-dich-covid-19-bai-6-tao-sinh-ke-cho-nong-dan-20210806172037337.htm

Có thể bạn quan tâm