Những con người từ lúc mới sinh ra đã quen với đầu sóng ngọn gió nay phải chịu những va đập nơi phố thị khi được lên bờ tái định cư. Những thanh niên xưa chỉ quen dọc ngang bám biển, lấy trời làm nhà nay lại co chân ngồi quán nước chờ giờ quay xổ số. Cuộc sống khó khăn, túng thiếu một lần nữa lại thúc đẩy ước mơ quay về với biển của ngư dân làng chài trên vịnh Hạ Long.
Đề án chưa xác đáng
Làng chài cổ Cửa Vạn nằm trong tuyến tham quan số 3 của vịnh Hạ Long, một số ít ngư dân được thuê quay lại làng cũ làm nghề chèo đò đưa khách tham quan quanh làng. Nhưng vì yêu cầu của đề án quy định không được để ngư dân ở lại qua đêm trên vịnh nên việc di chuyển ra vào bờ gặp rất nhiều khó khăn. Sau hơn 8 năm thực hiện đề án, du khách đến với Cửa Vạn từ vài triệu lượt mỗi năm nay chỉ còn vài trăm nghìn lượt.
Sau hơn 8 năm thực hiện đề án di dời làng chài, du khách đến với Cửa Vạn từ vài triệu lượt mỗi năm nay chỉ còn vài trăm nghìn lượt. Ảnh: Hoàng Dương |
“Nhiều người cũng không mặn mà gì với nghề chèo đò đưa khách đi tham quan nữa vì lượng khách đến đây rất ít. Từ khi dịch bệnh, du lịch đóng cửa, ngư dân không có việc làm, họ dắt díu nhau xuống biển lênh đênh nay đây mai đó để kiếm miếng ăn. Nhiều gia đình ngư dân cũng “tan đàn xẻ nghé” vì cuộc sống quá khó khăn”, anh Vượng, một trong số những ngư dân ít ỏi còn bám trụ với nghề chèo đò ở Cửa Vạn cho biết.
Trong đề án di dời các làng chài, với mục đích để bảo đảm an toàn tính mạng cho ngư dân sống trên vịnh mỗi mùa mưa bão và tránh cuộc sống sinh hoạt của ngư dân làm ảnh hưởng đến môi trường vịnh di sản, những người lập đề án đã không tính đến việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân khi đột ngột thay đổi hoàn toàn môi trường sống của họ khiến cuộc sống của hàng nghìn ngư dân lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Bản thân các di sản văn hoá, đặc biệt là di sản thế giới như vịnh Hạ Long là tài nguyên du lịch vô cùng giá trị. Ảnh: Hoàng Dương |
"Lấy lý do lo cho an toàn của ngư dân sống trên vịnh bấp bênh, nguy hiểm liệu đã thuyết phục. Cách đây hàng nghìn năm họ đã là chủ nhân của cả vùng vịnh này. Cuộc sống và tạo hóa đã ban cho họ những bản năng để tồn tại với sóng nước. Qua hàng nghìn năm, họ vẫn đang sống tốt sao cứ phải bế họ lên bờ?”, cụ Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Quảng Ninh nói.
Cụ Thực cũng trăn trở vì khi lập đề án di dời làng chài, chính quyền Quảng Ninh chưa đánh giá hết được những tác động mạnh mẽ đến đời sống, phong tục tập quán, thậm chí cả về đời sống tâm linh của ngư dân. Những người có trách nhiệm nghiên cứu đề án đã bỏ qua giai đoạn điền dã, bỏ qua cả nguyện vọng của chủ thể là những ngư dân tại các làng chài.
“Vấn đề về ô nhiễm môi trường vì đời sống của ngư dân tác động đến di sản cũng là một lý do chưa xác đáng. Nguồn gây ô nhiễm trực tiếp đến vịnh Hạ Long phải kể đến là các hoạt động kinh doanh du lịch; hoạt động khai thác than; nước thải sinh hoạt của người dân ven bờ; hoạt động chuyển tải của các tàu vận chuyển hàng hóa dạng rời. Rác thải sinh hoạt và hoạt động nuôi trồng thủy sản của ngư dân trên vịnh phải được xếp sau cùng”, cụ Thực nói.
Cần phục dựng làng chài để phát huy những văn hóa của di sản vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Dương |
Trả lại hồn cho di sản
Ngay sau khi báo Tiền Phong đăng tải 3 kỳ ký sự “Đâu rồi hồn cốt vịnh di sản?”, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi của nhiều bạn đọc bày tỏ cảm xúc đối với số phận của những ngư dân trên vịnh Hạ Long. Một vài người xin đầu mối liên lạc để gửi quà cho ngư dân, số ít bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những khó khăn mà ngư dân đang gặp phải.
Đặc biệt, trong đó có cuộc gọi của 2 người khiến chúng tôi phải tức tốc ra vịnh thăm lại các làng chài thêm một lần nữa. Họ là những doanh nhân, qua cách trình bày những ý tưởng, tôi phần nào cảm nhận được họ là những người có tâm huyết thật sự và có mong muốn phục dựng lại các làng chài cổ trên vịnh Hạ Long.
“Trước hết là tạo công ăn việc làm ổn định cho ngư dân. “Có thực mới vực được đạo”, những công việc vừa tạo ra sản phẩm nhưng phải gắn liền với cuộc sống của ngư dân thì mới mong họ làm tốt được. Sâu xa hơn nữa là lập lại đề án để phục dựng làng chài một cách bài bản, khi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của các làng chài chính là giữ được hồn cốt của vịnh di sản”, vị doanh nhân chia sẻ ý tưởng.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như ở các vùng ven biển nước ta, tại các khu bảo tồn biển, cộng đồng đóng một vai trò rất quan trọng. Khi họ được tham gia trong việc bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường sẽ tăng cường sự chủ động, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
“Sau gần chục năm lên bờ, những người thạo biển đã già đi, lớp trẻ không được thường xuyên tiếp xúc với sóng nước sẽ là bài toán khó khi muốn phục dựng lại các làng chài. Nhưng khi định hướng được họ vừa mưu sinh chài lưới, vừa tham gia phát triển du lịch sẽ góp phần làm giảm tác động của ngư dân đến các giá trị cảnh quan, tự nhiên và chính ngư dân sẽ là những người bảo tồn tài nguyên, môi trường đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững”, vị doanh nhân nói.
Vị doanh nhân cũng bày tỏ về những toan tính và những khó khăn sẽ gặp phải khi thực hiện ý tưởng này. Với họ, các thủ tục hành chính và những nguyên tắc cứng nhắc từ phía chính quyền là điều làm họ lo ngại nhất. Trước khi đưa ra ý tưởng này, họ cũng đã tham vấn một số ý kiến từ phía UNESCO và đã nhận được những khuyến cáo về môi trường của di sản thiên nhiên thế giới.
“Bản thân các di sản văn hoá, đặc biệt là di sản thế giới như vịnh Hạ Long là những tài nguyên du lịch vô cùng giá trị. Nhắc đến Bắc Ninh có dân ca quan họ, nhắc đến Huế có hò Huế, nhưng nhắc đến vịnh Hạ Long thì chỉ có đá với nước. Vấn đề là cần phục dựng lại các làng chài để biến những giá trị văn hoá có từ hàng nghìn năm trước trở thành sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch”, vị doanh nhân phân tích.
|
Theo H.D (TPO)