Phóng sự - Ký sự

Đẩy lùi hủ tục ở buôn làng - Kỳ 2: Cất đi "gánh nặng" lệ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nói đến Tây Nguyên là nói đến miền đất của lễ hội và những nét văn hóa giàu bản sắc. Người dân bản địa có hệ thống lễ hội phong phú, nhiều màu sắc, tạo nên sự kỳ bí, quyến rũ trong văn hóa tộc người. Nhưng phía sau những ngày vui bất tận, vẫn còn đó nhiều hệ lụy dai dẳng làm khổ chính người trong cuộc như chuyện hiến sinh quá nhiều trong lễ hội khiến nhiều gia đình “vui một ngày mà nợ một đời”, hay “biến tướng” trong thách cưới khiến ngày vui của không ít đôi trẻ trở thành kỷ niệm buồn vì gánh nặng nợ nần.
Già làng “cởi trói” hủ tục 
Càng gần tới ngày bỏ mả cho ông Kpă Va, lòng chị Kpă H’Loar (buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) càng nặng trĩu. Chị muốn góp một con trâu hoặc con bò cho người bác mà chị xem không khác gì cha mình. Chị yêu thương người anh ruột của mẹ vì ông thường bảo vệ, bồng bế các cháu suốt thời gian dài cha chị hoạt động cách mạng. Hơn nữa, theo phong tục truyền đời của người Jrai, con cháu đều phải góp trâu, bò khi bỏ mả cho người thân. Chị H’Loar rất sợ bị người làng chê cười, họ hàng trách cứ nếu không làm như vậy. Nhưng nhà chị khó khăn quá, làm sao kiếm đủ hàng chục triệu đồng để mua bò hay đi vay rồi đến vụ mì bán vài sào trả nợ. Tâm tư ấy cứ bám riết, trói chặt ý nghĩ khiến chị vô cùng khổ sở. 
Hiểu được nỗi lòng của con gái, già làng Rơ Ô Blia gọi chị H’Loar về làm công tác tư tưởng. Ông kể cho chị nghe về những gia đình Jrai cả đời không trả hết nợ nần chỉ vì suy nghĩ tương tự. Ông nói với con bằng tất cả tấm lòng của người cha: “Bỏ mả là truyền thống văn hóa của ông bà từ xưa tới nay. Nhưng nếu vì “hơn thua” giữa nhà này với nhà khác, giữa dòng họ này với dòng họ khác để làm cho to, sau đó nợ nần trả cả đời không xong thì đến khi nào mới hết nghèo. Con thương bác Va như thế nào thì ai cũng hiểu, con khó khăn như thế nào thì cả dòng họ bên mẹ đều biết, mọi người sẽ châm chước, không ai trách phạt gì con cả”. Chính những lời động viên của cha giúp chị H’Loar cảm thấy nhẹ lòng, bớt đi một gánh nặng vô hình. Lễ bỏ mả ông Kpă Va diễn ra không có nhiều trâu, bò nhưng đầm ấm, kỷ niệm với người chết được người sống nhắc nhớ, rì rầm kể lại với nhau bên đống lửa trong một đêm pơ thi giữa tháng 6 vừa qua.
Nhắc lại câu chuyện ấy, già làng Rơ Ô Blia chia sẻ: “Mình “cởi trói” suy nghĩ đó không chỉ cho con H’Loar mà cho nhiều người khác nữa. Thế hệ sau này thấy cái gì hay thì giữ, cái gì không phù hợp nữa thì bỏ đi. Vùng Đất Bằng sau 46 năm giải phóng mà tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao nhất huyện. Cần phải giúp người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế thì mới có điều kiện để duy trì các phong tục tập quán, giữ gìn được truyền thống văn hóa. Bỏ đi những nhiêu khê, phiền phức trong lễ hội cũng là giảm gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình”.
bài 2- Vợ chồng già làng Rơ Ô Blia chỉ có cặp vòng đồng là kỷ vật của tình yêu nhưng vẫn sống hạnh phúc suốt hơn nửa thế kỷ-ảnh H.N
Vợ chồng già làng Rơ Ô Blia chỉ có cặp vòng đồng là kỷ vật của tình yêu nhưng vẫn sống hạnh phúc suốt hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cũng vì trả ơn nhau mà trong lễ bỏ mả mẹ vợ của ông Kpă Jao (buôn Chính Đơn, xã Ia Mlah) cách đây nhiều năm, họ hàng đã góp tới 57 con trâu, bò, heo. Đó là lễ bỏ mả to nhất vùng đất Ia Mlah. Đáng ra, chủ lễ phải rất hãnh diện với dân làng nhưng ngược lại. Ngay sau đó, ông Kpă Jao đã họp với gia đình, họ hàng và nói: “Truyền thống của người Jrai coi trọng tình cảm, sống tình nghĩa mà cũng sòng phẳng với nhau, người ta đi con bò, mình phải đi lại con bò; người ta đi con heo, mình phải trả lại con heo. Trước nay, tôi ơn nghĩa với mọi người vì gia đình tôi có điều kiện, kinh tế khấm khá. Nhưng từ nay trở đi, mọi người không cần phải trả lại như vậy, hễ ai khó khăn, chỉ cần đến với nhau bằng tình cảm, bằng tinh thần. Biết điều kiện của nhau rồi thì phải giúp đỡ, chứ đừng đòi hỏi, gây khó cho nhau làm gì”. Sau phát biểu của ông, nhiều người thở phào, có những ánh mắt biết ơn không nói thành lời. 
Nói đến đây, già làng Kpă Jao bắc chiếc ghế gỗ lấy từ giàn bếp chiếc vòng cột trâu để tế thần. Đã hơn 10 năm không dùng tới, chiếc vòng bám dày một lớp bụi. Chủ ý không tổ chức các lễ hội rình rang để tập trung phát triển kinh tế, ông Jao hồ hởi khoe: “5 năm nay, gia đình mình đều đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Nếu Yàng cho mình nhiều sức khỏe và chúng ta đẩy lùi được dịch Covid-19, sang năm, mình sẽ tổ chức ăn trâu, tạ ơn thần linh. Mình sẽ mời cả buôn tới chung vui”. 
Những “đám cưới nợ” 
Một nhà văn hóa từng nói rằng, có thể nghe rõ “tiếng nói” của người Tây Nguyên chính từ các lễ hội. Trong vô số lễ hội lớn, nhỏ phong phú, đặc sắc đến độ khiến thế giới bên ngoài choáng ngợp, có một phong tục rất đặc biệt, thiêng liêng, gắn kết trọn đời 2 con người xa lạ với nhau, đó chính là lễ cưới. Tục “thách cưới” nguyên thủy là nét đẹp văn hóa, sự thử thách cuối cùng trước khi 2 con người chính thức về chung một nhà nhưng sau đó đã biến tướng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình. Theo phong tục của người Jrai, người con gái khi cưới chồng phải trả đủ những sính lễ do nhà trai đưa ra. Do vậy, nhiều cô gái nghèo đành chọn cách “cưới nợ”. Có những món nợ cưới trả cả đời không hết, khiến bao cặp vợ chồng và bậc sinh thành của họ khốn quẫn.
Đầu năm 2021, để chuẩn bị cho đôi trẻ Ksor Thước (buôn Sai, xã Chư Ngọc) và Nay H’Trúc (buôn Chơ Tung, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) về sống chung một nhà, cuộc gặp mặt giữa 2 bên gia đình để bàn chuyện cưới xin bỗng biến thành “cuộc đàm phán sinh tử” trước sự thách cưới của nhà trai. Cái giá nhà trai đưa ra gồm 20 triệu đồng tiền mặt, 3 con bò để nuôi cùng 1 con bò, 2 con heo để “đốt” mời họ hàng trong lễ cưới. Ông Ksor Mít-bác ruột cô dâu-được nhờ đi đàm phán, quyết định sự thành bại của cuộc hôn nhân. Ông kể: “Lúc đầu, ngoài các lễ vật như bò, heo..., nhà trai yêu cầu 30 triệu đồng tiền mặt trả ơn nuôi dưỡng cho cha mẹ chú rể. Nhưng mình thương lượng mãi xin giảm bớt xuống 20 triệu đồng. Hai bên gia đình đã thỏa thuận song nhà gái hoàn cảnh khó khăn mới chỉ lo được 13 triệu đồng tiền mặt, 1 con bò và 2 con heo, số còn lại phải xin khất nợ, sau này đôi trẻ dành dụm trả cho cha mẹ chồng”. Số nợ cưới được quy thành những chiếc que treo lên gian nhà chính để vợ chồng luôn nhớ mà lo trả. Hạnh phúc chưa kịp nếm trải thì đôi bạn trẻ đã canh cánh gánh nợ trên vai.
Việc góp trâu, bò tổ chức lễ bỏ mả trở thành gánh nặng cho đồng bào dân tộc thiểu số suốt một thời gian dài. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Việc góp trâu, bò tổ chức lễ bỏ mả trở thành gánh nặng cho đồng bào dân tộc thiểu số suốt một thời gian dài. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Cũng vì hủ tục này mà nhiều người mang nợ cả đời. Năm nay đã 73 tuổi nhưng bà Alê H’Lút (buôn Ia Sóa, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) chỉ mới trả hết nợ cưới được vài năm. Buồn thay, món nợ cưới vừa trả xong thì chồng bà cũng qua đời. Bà nói: “Khi cưới chồng, mình nghèo lắm, bố mẹ lại mất sớm nên phải “cưới nợ”. Hồi đó, sau khi thống nhất được lễ vật thách cưới gồm 3 con bò đưa cho nhà chồng, mình còn phải đốt 1 con bò và 1 con heo. Nhưng mình mới đốt được bò, heo đãi họ hàng thôi. Đến khi thành ông, thành bà mới trả hết món nợ còn lại”. Nhiều vùng ở Krông Pa trước đây quy mọi lễ vật cưới xin thành tiền, thậm chí có nơi còn… cân chú rể lên để đòi tiền, chú rể càng nặng thì tiền càng nhiều. Có những đám cưới, giá trị thách cưới lên đến trên 200 triệu đồng!
Già Rơ Ô Blia cho rằng, để chuyện này xảy ra có một phần trách nhiệm của già làng, người có uy tín. “Cưới xin là chuyện cá nhân, nhưng người Tây Nguyên luôn gắn mình với cộng đồng. Với vai trò của mình, nếu già làng phản đối hiện tượng biến tướng trên thì sẽ không có tâm lý bắt chước để đám này thách cưới cao hơn đám khác. Mới đây, biết chuyện một vụ thách cưới vô lý, mình đã đến tận nơi phân tích phải trái. Mình nói với cha mẹ chú rể phải tạo điều kiện cho con cái làm ăn, bởi để có tiền cưới chồng cho con, có gia đình phải bán hết rẫy, rồi cả cuộc đời con cái họ phải đi làm thuê. Nghèo đói sẽ kéo theo nhiều thiệt thòi cho chính con cái mình, thách cưới càng cao thì nghèo đói càng dài”-già làng Rơ Ô Blia chia sẻ. 
Cách đây gần nửa thế kỷ, ông Blia và người vợ của mình từng có một đám cưới đặc biệt. Đó là một đám cưới thiếu chú rể khi ông đang phải thực hiện nhiệm vụ thời hậu chiến ở Ayun Pa. Giờ đây, mỗi khi ông nắm chặt đôi bàn tay nhăn nheo của bà Kpă Hmlai, chiếc vòng đồng trên tay họ va vào nhau tạo ra thanh âm trong trẻo. Đó là kỷ vật duy nhất cho tình yêu của ông bà-thứ tình yêu được thử thách qua mưa bom bão đạn, qua những năm tháng gian khổ chỉ ăn củ mài cầm hơi. “Thời chúng tôi thường nhìn vào hoàn cảnh của nhà gái để thách cưới. Đó vừa là thử thách tấm lòng, vừa là một nét đẹp văn hóa. Dù có nhiều của cải vật chất hay không, chỉ có tình yêu mới giúp 2 con người gắn bó với nhau. Chúng tôi chỉ thách cưới một cặp vòng đồng, nhưng mấy chục năm rồi vẫn sống hạnh phúc bên nhau”-ông Blia nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN
--------------------------------------------------------
Kỳ 3: Xa dần những câu chuyện buồn

Có thể bạn quan tâm