Thời sự - Bình luận

Đẩy mạnh cơ chế "đặt hàng" các nhà khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã kết thúc sau 5 năm thực hiện, với sáu chương trình thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ và một chương trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

 

Cán bộ Trung tâm Giám định ADN chuẩn bị mẫu giám định.


Kết quả, đã có hơn 257 nhiệm vụ khoa học-công nghệ được triển khai, hơn 9.700 cán bộ nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành tham gia thực hiện; phát triển khoảng 469 sản phẩm, 103 thiết bị, máy móc, 85 vật liệu mới, 31 dây chuyền công nghệ, 136 loại sản phẩm là hàng hóa có thể tiêu thụ...

Đáng chú ý, nhiều kỹ thuật và công nghệ tiên tiến đã được các nhà khoa học làm chủ, như: Quy trình kỹ thuật ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống hoặc người cho chết não được ứng dụng tại Bệnh viện Quân y 103. Điều trị hội chứng truyền máu song thai và giải xơ buồng ối bằng laser quang đông được ứng dụng hiệu quả tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, mở ra hướng điều trị mới, giúp cứu sống nhiều thai nhi và hạn chế các dị tật sau sinh… Các nhiệm vụ của chương trình thuộc lĩnh vực khoa học-công nghệ đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tăng 48% so với các chương trình tương ứng của giai đoạn trước.

Các nhiệm vụ còn tiếp cận với các bài toán, những vấn đề được quan tâm nghiên cứu tầm thế giới như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (kết nối vạn vật), công nghệ điện toán đám mây, vật liệu tiên tiến.

Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, các kết quả đã minh chứng cho hiệu quả của đầu tư. Nhiều kết quả nghiên cứu đã phục vụ phát triển cho ngành, địa phương, doanh nghiệp, góp phần tích cực cho đào tạo và phát triển nhân lực khoa học và công nghệ cho đất nước.

Tuy nhiên, từ thực tiễn tham gia Chương trình, nhiều nhà khoa học đã chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục như: Chưa đẩy mạnh được cơ chế “đặt hàng” từ các bộ, ban, ngành đối với các nhiệm vụ của Chương trình. Do đó, cần tăng cường “đặt hàng” để phục vụ chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh sự tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong việc đề xuất và triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhất là trong các khâu xác định nhiệm vụ, chuyển giao ứng dụng kết quả. Trong bối cảnh lấy doanh nghiệp làm trung tâm phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo, số lượng 10% nhiệm vụ của các chương trình có doanh nghiệp hoặc đơn vị nghiên cứu thuộc doanh nghiệp chủ trì nghiên cứu là quá ít.

Bên cạnh đó, hoạt động của các Chương trình vẫn còn sự dàn trải về nội dung, chưa có nhiều nhiệm vụ có tính quy mô và phạm vi ứng dụng rộng rãi. Ngoài ra, cần xem xét bổ sung những quy định khuyến khích, thúc đẩy hoặc ràng buộc sự liên kết, hợp tác của các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp ở các vùng miền, địa phương trong việc phối hợp triển khai  nhiệm vụ, các chương trình khoa học và công nghệ. Qua đó, thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức và sự lan tỏa trong nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần gắn chặt chẽ giữa nghiên cứu với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình.

Các vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện sẽ giúp định hướng cho xây dựng, tổ chức quản lý Chương trình giai đoạn 2021-2025, đồng thời phục vụ việc xây dựng chiến lược về khoa học và công nghệ cho những năm tiếp theo. Mục tiêu nhằm thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Theo GIA BẢO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm