Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Một số giải pháp về phòng-chống tham nhũng, tiêu cực ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Chi bộ Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về đấu tranh phòng-chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực; phát huy vai trò cấp ủy trong chỉ đạo thực thi công vụ.

Những năm qua, Chi bộ Viện KSND thị xã An Khê đã kịp thời báo cáo, tham mưu giúp cấp ủy địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Xây dựng chương trình công tác của Chi bộ gắn với nội dung Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về tăng cường vai trò cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, nhất là trong đấu tranh phòng-chống tội phạm. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương và nhiệm vụ chính trị của đơn vị, Chi bộ tiếp tục xác định trọng tâm, đột phá “Tăng cường thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”, kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn thụ lý tin báo.

 Các cơ quan khối Nội chính thị xã An Khê ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ảnh: Ngọc Minh
Các cơ quan khối Nội chính thị xã An Khê ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ảnh: Ngọc Minh


Bên cạnh đó, đơn vị rà soát sửa đổi quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp tại địa phương như: Quy chế phối hợp trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, khởi tố điều tra, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Quy chế phối hợp trong công tác xét xử; Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự; Quy chế phối hợp với Ban Pháp chế HĐND thị xã về kiểm tra, giám sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự... Tăng cường công tác quản lý chỉ đạo điều hành, công tác tự kiểm tra, không để xảy ra oan, hạn chế đến mức thấp nhất sai sót và bỏ lọt tội phạm, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp.

Những năm qua, Chi bộ Viện KSND thị xã An Khê luôn xác định công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả các chủ trương; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phòng-chống tội phạm thuộc lĩnh vực được giao đảm bảo không có oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm cũng như tăng cường công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện vi phạm, kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục. Phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, cơ quan trong tổ chức thực hiện công tác phòng-chống tội phạm tại địa phương. Tiếp tục tổ chức quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên về vị trí, vai trò của công tác kiểm sát trong việc phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đơn vị kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi có phát sinh. Chủ động phối hợp với Ban Pháp chế HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã và các cơ quan nội chính, đặc biệt là Cơ quan Điều tra, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm và tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng trong đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ cho kiểm sát viên, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những thiếu sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Qua công tác kiểm tra nội bộ về chế độ, định mức, tiêu chuẩn về công tác phí, xăng xe, hội nghị, tiếp khách, mua sắm, sửa chữa tài sản công... không phát hiện có trường hợp nào vi phạm. Công tác kê khai và công khai bản kê khai tài sản, thu nhập được thực hiện đúng theo quy định; báo cáo kết quả kê khai tài sản thu nhập theo yêu cầu cấp trên; không có trường hợp nào phải xác minh, kết luận về việc kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

Công tác đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả khi đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ trong sạch, vững mạnh. Thực hiện Kết luận số 84-KL/TW ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đơn vị sắp xếp đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có đủ năng lực, trình độ vào các vị trí làm việc phù hợp đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Quan tâm cử cán bộ, công chức đi đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Chú trọng đề ra các biện pháp cụ thể để kiểm sát chặt chẽ, toàn diện các hoạt động tư pháp, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm trong hoạt động tư pháp, tổng hợp tình hình vi phạm từ đó ban hành kiến nghị. Tổ chức triển khai đồng bộ các mặt công tác, thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng, kiểm tra, thường xuyên đôn đốc đến từng bộ phận nghiệp vụ và cán bộ, kiểm sát viên nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng hiệu quả công tác. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong đơn vị. Tiếp tục cải tiến, đổi mới lề lối làm việc, quan hệ công tác và trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương.

Quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của Chi bộ có sự phối hợp chặt chẽ của tập thể cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát ở địa phương.

Dưới sự lãnh đạo thường xuyên, kịp thời của Thị ủy An Khê và Viện KSND tỉnh, Chi bộ Viện KSND thị xã An Khê đã lãnh đạo thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu cấp trên giao, nhiều khâu công tác đã hoàn thành vượt chỉ tiêu. Không để xảy ra oai sai, bỏ lọt tội phạm trong khởi tố, truy tố, xét xử, giam, giữ, không có án trả hồ sơ điều tra bổ sung do lỗi của kiểm sát viên, điều tra viên hoặc quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Ban hành kiến nghị chung, kiến nghị phòng ngừa vi phạm tội phạm trên địa bàn. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên trong đơn vị ngày càng được nâng cao thông qua công tác tự đào tạo, tạo điều kiện, môi trường nghiên cứu, tìm hiểu và thảo luận các văn bản, tài liệu liên quan nghiệp vụ vào đầu giờ làm việc hàng ngày, qua các buổi sinh hoạt chuyên đề.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm vẫn còn hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo đôi lúc chưa kiểm tra sâu sát, kiểm sát viên chưa bám sát tiến độ giải quyết vụ án, có vụ còn để kéo dài. Nguyên nhân do khối lượng công việc ngày càng tăng, các đạo luật mới về tư pháp, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự có nhiều thay đổi, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện được ban hành nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu vận dụng; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án còn một số bất cập chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ tư pháp chậm đổi mới; tinh thần trách nhiệm của một số đảng viên, cán bộ, kiểm sát viên chưa cao, kinh nghiệm giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ chưa nhiều, trình độ trong một số lĩnh vực chuyên ngành còn hạn chế ảnh hưởng đến việc phát hiện, xử lý các vụ, việc về tham nhũng.

Trên cơ sở những kinh nghiệm thực tiễn, Chi bộ Viện KSND thị xã An Khê đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, quán triệt quan điểm của Đảng về công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, gắn liền với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện những quy định về công vụ. Theo đó, xác định rõ phạm vi trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, kiểm sát viên, nhất là nguyên tắc chịu trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cơ quan nhưng cần có cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh để xảy ra lạm quyền.

Thứ hai, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy địa phương và ngành dọc cấp trên về đường lối xử lý đối với các vụ, việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đối với công tác cải cách tư pháp và công tác phối hợp liên ngành tại địa phương.  

Thứ ba, quá trình thực thi nhiệm vụ cần nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là những văn bản mới có liên quan đến công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, đạt hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Thứ tư, qua công tác kiểm sát kiến nghị với các cơ quan chức năng xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, phù hợp nhất đối với các hoạt động dễ nảy sinh tiêu cực, tội phạm tham nhũng. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm huy động, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, kiềm chế và giảm sự gia tăng của các loại tội phạm.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả nghiệp vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án của Viện KSND.

Thứ sáu, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, các cơ quan trong khối Nội chính, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể thị xã. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật.

Thứ bảy, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên về tư tưởng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và các kỹ năng cần thiết khác phục vụ cho công tác.

 

DIỆP CÔNG TRƯƠNG
Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã An Khê

 

Có thể bạn quan tâm