(GLO)- Những năm qua, Đảng bộ thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Xây dựng Đảng về đạo đức là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò cầm quyền của Đảng; để Đảng ta là tổ chức của những người ưu tú, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xứng đáng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc.
Đảng bộ thị xã Ayun Pa có 41 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 2 Đảng bộ cơ sở (Công an và Quân sự thị xã), 8 Đảng bộ xã, phường với 87 chi bộ trực thuộc và 31 chi bộ cơ sở, tổng số đảng viên là 1.968 người. Trong những năm qua, Đảng bộ thị xã luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Năm 2017, Ban Thường vụ Thị ủy Ayun Pa đã ban hành Chương trình hành động số 32-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng chương trình hành động phù hợp cấp mình và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nghị quyết và các văn bản triển khai thực hiện một cách kịp thời. Đồng thời, giao trách nhiệm các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc Thị ủy, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, cấp ủy thị xã, cơ sở thường xuyên giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết và các văn bản chỉ đạo; nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết hàng năm; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh tập thể, cá nhân thực hiện chưa nghiêm hoặc còn thiếu sót.
Các đại biểu biểu quyết thông qua nội dung chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Ayun Pa lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020-2025). Ảnh: Minh Triều |
Bên cạnh đó, Đảng bộ thị xã chú trọng triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các cấp ủy Đảng đều xây dựng kế hoạch đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào sinh hoạt định kỳ hàng tháng và sinh hoạt theo chuyên đề hàng quý. Nội dung gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.
Việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của tập thể và cá nhân được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng. Các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ chủ chốt xây dựng chương trình hành động của cá nhân gắn với chức trách nhiệm vụ được giao và Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp; thực hiện công khai để cán bộ, đảng viên và người dân biết, giám sát. Toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên xây dựng kế hoạch cá nhân giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó đều đăng ký 10 nội dung phấn đấu gắn với chức trách, nhiệm vụ của bản thân để thực hiện tốt trong năm và xác định đây là một trong các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên cuối năm.
Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân được tiến hành gắn với kiểm điểm, xếp loại cán bộ, tổ chức Đảng hàng năm và đột xuất một cách nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ. Trước khi kiểm điểm đều tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức cơ sở Đảng, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội cùng cấp bằng các hình thức phù hợp. Cấp trên và người đứng đầu luôn gương mẫu, tự giác kiểm điểm để cấp dưới học tập, làm theo. Đối với những nơi có dư luận bức xúc, có vấn đề nổi cộm, để xảy ra sai phạm, Ban Thường vụ Thị ủy gợi ý kiểm điểm, yêu cầu báo cáo giải trình, gắn trách nhiệm cá nhân với hạn chế, khuyết điểm tập thể. Sau kiểm điểm, từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và báo cáo cấp có thẩm quyền. Cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cấp dưới và cán bộ, đảng viên. Coi trọng việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng gương người tốt, việc tốt, những điển hình tiên tiến, những tổ chức Đảng, đảng viên có cách làm sáng tạo, tự điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Theo đó, các hạn chế, khuyết điểm cơ bản sớm được khắc phục và kết quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức vẫn còn một số hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức Đảng hiệu quả chưa cao. Công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình năm đầu thực hiện đôi lúc còn lúng túng. Trong kiểm điểm, ít góp ý đối với cá nhân các đồng chí cấp ủy viên, nhất là Ủy viên Ban Thường vụ các cấp; công tác đấu tranh, ngăn chặn biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên chưa cao, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm.
Thời gian tới, để công tác xây dựng Đảng về đạo đức đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, các tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện thật tốt một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, trong đó chú trọng các hình thức để nhận diện kịp thời, chính xác những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động thiết thực, cụ thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch.
Hai là, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW, gắn với việc kiểm điểm đánh giá chất lượng và xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và xây dựng; kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức Đảng và cá nhân không tự giác trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình.
Ba là, tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nội dung tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) trở thành nội dung thường xuyên trong sinh hoạt chi bộ. Đổi mới nội dung và phương thức sinh hoạt chuyên đề theo hướng bám sát nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng chi bộ. Tiến hành đánh giá việc thực hiện kế hoạch cá nhân đảng viên trong sinh hoạt chi bộ thường kỳ để kịp thời định hướng cho việc thực hiện kế hoạch của cá nhân được tốt hơn.
Bốn là, cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm các quy định nêu gương của Đảng, quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, cán bộ giữ cương vị càng cao càng phải tiên phong, gương mẫu; đổi mới phong cách, lề lối làm việc; bảo đảm dân chủ, không độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng; luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân nơi cư trú cũng như nơi công tác. Đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, việc “nói đi đôi với làm” là cách nêu gương tốt nhất. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm; nói và làm không nhất quán giữa khi còn đương chức với lúc nghỉ hưu.
TRẦN QUỐC KHÁNH
Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ayun Pa