Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Để con tàu thẳng tiến về phía trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chúng ta vừa kết thúc năm 2018 với những thành tựu đáng tự hào về phát triển kinh tế-xã hội, nổi bật là tăng trưởng GDP vượt mốc 7%, cao nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt, chỉ số niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào sự điều hành của Chính phủ; tính minh bạch, liêm chính, hành động của cả hệ thống chính trị đã được cải thiện đáng kể. Có một điều dễ nhận ra là ở bất kỳ bộ, ngành, địa phương nào, dù là thành công hay thất bại, thành tựu hay hạn chế cũng đều mang dấu ấn của người đứng đầu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “Cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Bằng cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu, Người muốn nói với những công bộc của dân rằng: Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính; mình không chính, mà muốn người khác chính, là vô lý. Cán bộ, đảng viên phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó để làm điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII). (ảnh nguồn: dangcongsan)
Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XII). (ảnh nguồn: dangcongsan)
Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức và tác phong công tác. Các nguyên tắc đạo đức, phong cách công tác Bác đề ra, trước hết là cho mình, sau đó mới để giáo dục người khác. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng viết: “Mọi lời nói, việc làm của Hồ Chí Minh đều thiết thực và cụ thể. Nói là làm, thường là làm nhiều hơn nói, có khi làm mà không cần nói, tư tưởng hiện ra trong hành động”.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu, chịu trách nhiệm chính trong việc đề ra chủ trương, nghị quyết, chính sách và các quyết định quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị. Vì vậy, sự thành công hay thất bại, phong trào đi lên hay trì trệ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, phẩm chất của người đứng đầu, dẫu rằng chúng ta hoạt động theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. 
Nhìn lại nửa nhiệm kỳ 2016-2020, cả hệ thống chính trị đã vận hành theo một khí thế mới, tư duy mới, quyết tâm mới. Khó khăn từ những nhiệm kỳ trước để lại không hề nhỏ, lòng tin của cán bộ, nhân dân vào Đảng, vào chế độ có lúc, có nơi cũng đã lung lay khi nạn tham nhũng, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, bổ nhiệm vợ con, người thân, phe nhóm vẫn còn diễn ra…
Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh một mất một còn của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng giương ngọn cờ tiên phong đã nhận được sự ủng hộ rất cao của toàn Đảng, toàn dân. Tính hình thức của nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đã bước đầu được khắc phục. Tình trạng tranh công, trốn tránh trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, trì trệ… của một số cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đã được “bắt bệnh” và “chữa trị” bằng những phương thuốc đặc hiệu. Hàng chục cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật Đảng, bị cách chức, bị pháp luật trừng trị. Với tư cách người đứng đầu khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, một người từng là Ủy viên Bộ Chính trị đã phải vào tù; nhiều người đương nhiệm hoặc nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng bị kỷ luật, mất chức; nhiều Thứ trưởng bị cách chức; nhiều tướng lĩnh trong ngành Công an, Quân đội cũng chung số phận bị hạ cấp hạ hàm, bị khởi tố ra tòa; những đại gia ngân hàng từng “hét ra lửa” một thời, nay đã phải tra tay vào còng chờ ngày xét xử… là sự trả giá cho những ai không tự tiết chế, không biết giữ mình, để cho quyền lực và tiền bạc cám dỗ, quật ngã.      
Không ai có thể phủ nhận niềm tin của dân được lấy lại là nhờ ở những kết quả trông thấy từ cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, do “Người đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo. Không ai có thể phủ nhận không khí dân chủ, tinh thần làm việc trách nhiệm với cử tri, với đất nước của Quốc hội khóa này là nhờ ở sự nỗ lực không mệt mỏi, cách điều hành khoa học, linh hoạt và uy tín cá nhân của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Một nền kinh tế vốn bị bó buộc bởi nợ công sắp chạm trần, hệ thống tài chính-ngân hàng bị một số cá nhân lũng đoạn, bộ máy công quyền hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu dân… đã được xốc lên, điều chỉnh bằng những giải pháp quyết liệt, hữu hiệu. GDP tăng trưởng vượt mức 7% trong năm qua có phần đóng góp không nhỏ từ tinh thần hành động quyết liệt của Chính phủ “Liêm chính, kiến tạo, vì dân, vì doanh nghiệp” dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.  
Trung ương làm được, địa phương lý gì lại không làm được. Thực tiễn cho thấy, nhiều tỉnh, thành đã ban hành những bộ tiêu chí đánh giá trách nhiệm người đứng đầu trên cơ sở quy định của Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Giờ là lúc chúng ta phải ngồi lại để kiểm điểm, đánh giá, rút kinh nghiệm về những thành công, thất bại trong việc thực thi nhiệm vụ của người đứng đầu các ngành, lĩnh vực, đơn vị. Bởi quyền lực được trao nếu không có cơ chế kiểm soát, đánh giá, uốn nắn kịp thời sẽ dễ xảy ra lạm dụng và trốn tránh trách nhiệm cá nhân khi xảy ra sai sót.
Hơn lúc nào hết, trách nhiệm người đứng đầu và tính nêu gương của cán bộ lãnh đạo phải được quán triệt và thực hiện một cách quyết liệt nhất để luôn xứng đáng với vị trí là người đứng mũi chịu sào, là đầu tàu gương mẫu cho mọi phong trào hoạt động. Cả bộ máy chỉ có thể tiến lên khi mỗi bộ phận, mỗi cá nhân trong bộ máy ấy hoạt động trơn tru và cùng hướng về phía trước.
Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm