Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Đề nghị bỏ cụm từ “không được ủy quyền”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban MTTQ tỉnh thời gian vừa qua nhận được hàng ngàn ý kiến của các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số các ý kiến đóng góp đều cho rằng: Dự thảo lần này đã được chuẩn bị khá công phu, quy định các điều luật khá rõ ràng và đặc biệt là phát huy được tinh thần dân chủ, trí tuệ của nhân dân tham gia góp ý xây dựng. Tuy vậy, một số điều luật vẫn còn bất cập, thiếu cụ thể, cần sửa đổi cho phù hợp hơn.
 

 

Khoản 4, Điều 51 cần bổ sung một điểm mới là: “Trường hợp thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng khu dân cư hoặc các dự án khác thì giá đất thu hồi đó phải bằng ít nhất 40% giá thành của lô đất ở cấp mới cho nhân dân”.

Đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc giao cho UBND cấp xã chưa thành lập trung tâm phát triển quỹ đất” vào khoản 1 Điều 56 thành: “Quỹ đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 của Luật này thì giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án đầu tư hoặc giao cho tổ chức phát triển quỹ đất hoặc giao cho UBND cấp xã chưa thành lập trung tâm phát triển quỹ đất quản lý đối với trường hợp chưa triển khai dự án đầu tư”. Quy định như vậy là chi tiết và phù hợp với các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa và tạo thuận lợi cho công tác quản lý quỹ đất đai sau khi bị thu hồi và tái định cư ở các cấp.

Cần bổ sung cụm từ “tố cáo” vào sau cụm từ “có quyền khiếu nại” của khoản 1, Điều 57 thành: “Người có đất bị thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; trường hợp không chấp hành thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất ra quyết định cưỡng chế. Người bị cưỡng chế thu hồi đất phải chấp hành quyết định cưỡng chế và có quyền khiếu nại, tố cáo”.

Khoản 4, Điều 66 đề nghị nên bỏ cụm từ “không được ủy quyền”. Bởi vì chúng ta đang thực hiện công cuộc cải cách thủ tục hành chính, mọi thủ tục hành chính đều quy định cụ thể thời hạn phải giải quyết. Trường hợp lãnh đạo đi công tác, đi nghỉ chế độ phép hàng năm, đi đâu đó xa thì phải có người được ủy quyền thay thế để giải quyết công việc. Nếu không cho phép ủy quyền thì công việc sẽ không đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí vi phạm thời hạn giải quyết thủ tục hành chính.

Bởi vậy, nếu quy định trong mọi trường hợp người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải là Chủ tịch UBND cấp tỉnh và Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp ký duyệt là rất khó khăn, thậm chí không thể thực hiện theo đúng các quy định. Do đó, đề nghị chỉnh sửa lại khoản 4, Điều 66 là: “Người có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được phép ủy quyền cho cấp phó của mình”.

Hoàng Cư (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm