Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Đề nghị thay 2 từ “xét xử” bằng 2 từ “tài phán”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
 

 

Theo đó, Điều 1, Dự thảo nêu: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Nên đưa cụm từ “độc lập” về trước cụm từ “dân chủ” để nhấn mạnh tính độc lập chủ quyền. Đối với  Điều 2, Dự thảo quy định: “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”.

Quy định như vậy là khá dài dòng và thiếu đội ngũ doanh nhân, không còn phù hợp với thực tế hiện nay và mai sau. Chính vì vậy, nên quy định thật ngắn gọn, mà đầy đủ là: “…Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân”.

Khoản 2, Điều 18 quy định chế tài trục xuất chỉ dùng đối với người nước ngoài, công dân Việt Nam không phải là đối tượng áp dụng biện pháp trục xuất. Do vậy, khoản 2, Điều 18 này chỉ cần ghi rõ: “Công dân Việt Nam không thể bị giao nộp cho nhà nước khác” là đủ.

Điều 28, Dự thảo quy định cụ thể: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp”. Quy định này cần xem xét lại ở vế sau: “…đủ hai mươi mốt tuổi…” nên nâng tuổi có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp cho phù hợp với thực tế.

Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “Nhà nước bảo hộ quyền an sinh xã hội” vào tiếp theo, Điều 35 của Dự thảo: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”.
Điều 50, Dự thảo phải ghi đầy đủ rõ ràng là: “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước theo quy định của pháp luật”.

Khoản 3, Điều 58 nên viết lại cho ngắn gọn và dễ hiểu là: “Trong trường hợp cần thiết vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng; nhà nước có quyền thu hồi đất và bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1, Điều 107 đề nghị thay 2 từ “xét xử” bằng 2 từ “tài phán” và thêm cụm từ “cao nhất” vào sau cụm từ “tư pháp” để khẳng định rõ vai trò của Tòa án Nhân dân trong khối tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp. Cụ thể là: “Tòa án Nhân dân là cơ quan tài phán của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp cao nhất”.

Hoàng Cư (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm