“Để thành công cần có can đảm và lòng tin...”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đông đảo sinh viên đến từ các Trường đại học Sư phạm, Đại học Khoa học- Đại học Huế, học sinh Trường THPT Quốc Học, THCS Nguyễn Tri Phương, TP.Huế  đã có một buổi giao lưu thú vị với giáo sư Ngô Bảo Châu- nhà Toán học đầu tiên của Việt Nam giành được giải thưởng Fields, giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới.
Hội trường Trường đại học Sư phạm Huế chiều 1-7 đông nghịt sinh viên và học sinh. Không còn một chỗ trống ngay cả giữa các lối đi. Tất cả đều háo hức được tận mắt nhìn thấy vị giáo sư trẻ đã làm rạng danh đất nước. Và GS Ngô Bảo Châu đã đến trong sự chào đón của mọi người.
GS Ngô Bảo Châu trình bày bài nói chuyện thú vị về Dựng hình bằng thước kẻ và compa. Ảnh: Thanh Vân
Sau bài nói chuyện thú vị về toán với chủ đề Dựng hình bằng thước kẻ và compa là phần giao lưu vốn được các sinh viên, học sinh và các giảng viên trẻ có mặt tại hội trường chờ đợi từ lâu.
“Có lúc nào GS thấy nản trong khi chứng minh Bổ đề cơ bản?”, trả lời câu hỏi mở đầu buổi giao lưu của một bạn sinh viên, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Đã có lúc cảm thấy rất khó khăn. Bước khó nhất trong chứng minh tôi đã bỏ ra 3 năm vật lộn và đã có lúc tưởng chừng vô vọng. Đến năm 2007, tình cờ gặp một giáo sư ở Viện nghiên cứu Princeton và qua buổi nói chuyện với vị giáo sư này, tôi đã có mảnh ghép cuối cùng cho một miếng ghép hoàn chỉnh”. GS kết luận: “Nếu có can đảm và lòng tin thì sẽ vượt qua được những khó khăn mà đôi lúc tưởng chừng như tuyệt vọng”.
Với câu hỏi của một giảng viên trẻ ở Trường đại học Sư phạm Huế “yếu tố dẫn đến đam mê đối với toán học của GS?”, GS Châu kể, thực ra hồi nhỏ chưa yêu thích môn Toán mà đó là định hướng của cha mẹ; nhưng sau đó tình cờ đọc một cuốn sách hay về toán và bắt đầu cảm thấy say sưa với toán. “Giải được bổ đề cơ bản cần một lượng kiến thức khổng lồ, nhưng GS thì còn rất trẻ?”, trước câu hỏi này GS Ngô Bảo Châu khẳng định: “So với bạn bè, tôi học không học nhanh nhưng đã học gì thì hiểu rất kỹ. Cái gì đã làm thì biết rất rõ ngọn nguồn, trong đó luôn tìm ra được cái mới. Tôi đi đến đâu học đến đó. Một khi có câu hỏi trong đầu thì đọc sách hiểu rất nhanh vì có sự thôi thúc. Tóm lại, chúng ta phải học nhiều nhưng học theo phương pháp”.
Trước câu hỏi của một sinh viên về kinh nghiệm trong giải quyết những bài toán khó, GS Châu khẳng định, để làm được những bài toán hóc búa chính là sự vững tin vào khả năng bản thân. “Những điều chúng ta không biết là chuyện rất bình thường. Để làm khoa học phải thật kiên trì. Đứng trước một bài toán khi đã cảm thấy tìm được hướng đi thì nên chuyên tâm vào và không nên sao nhãng về tâm lý nữa”. Cũng về kinh nghiệm trong làm toán, một học sinh Nguyễn Tri Phương đưa ra câu hỏi khá thực tế: cách học toán tốt nhất là giải được nhiều bài toán hay là giải tốt một bài rồi tìm cách giải các bài toán mở rộng ra từ bài toán đó? GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: “Khi bắt đầu làm quen một kiến thức mới thì nên giải nhiều bài toán nhưng ngoài ra phải tự tìm những bài toán khó để giải. Nên ghi chép cẩn thận những bài toán liên hệ với nhau, ghi lại những suy nghĩ của mình. Đó là cách mà tôi đã làm”.
Sinh viên Huế đặt câu hỏi với GS Ngô Bảo Châu tại buổi giao lưu. Ảnh: Thanh Vân
Trước thực trạng ít học sinh chuyên toán không tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, một giảng viên trẻ đưa ra câu hỏi: “Đã từng có học sinh đoạt giải Olympic toán quốc tế tuy nhiên sau đó không tiếp tục đi trên con đường nghiên cứu về toán mà chuyển sang một ngành khác dù các thầy cô đã có nhiều lời khuyên ở lại với toán. Ý kiến GS về hệ thống giáo dục chuyên hiện nay và làm sao để nuôi dưỡng tài năng toán?”. “Phải nghĩ học toán là hạnh phúc còn nếu nghĩ là khổ thì nên chuyển sang làm việc khác. Đây không chỉ là vấn đề của Huế mà cả các thành phố khác trong nước và cả ở nước ngoài. Phải chấp nhận thực tế đó và cũng không nên ép các bạn trẻ theo khoa học cơ bản vì như thế chưa hẳn là thành công”.
Cũng về vấn đề này, một học sinh Trường Quốc học đưa ra câu hỏi khá chững chạc: “Giáo sư có thể tư vấn cho Huế về bồi dưỡng rèn luyện những học sinh giỏi toán để Huế được ghi tên là mảnh đất về đào tạo toán học?”. “Huế là đất hiếu học nhưng Huế hôm nay không được như cách đây 20 năm, GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận- Lãnh đạo tỉnh cần suy nghĩ về vấn đề đào tạo những tài năng về toán nói riêng và khoa học cơ bản nói chung vì đất nước rất cần những người làm khoa học cơ bản”.
Về những dự định sắp tới ở Viện nghiên cứu cao cấp về toán (GS Ngô Bảo Châu vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học của Viện này vào tháng 3-2011- PV), GS Ngô Bảo Châu cho biết, viện sẽ tổ chức những hoạt động nghiên cứu theo chủ đề nhất định, tụ họp những cán bộ nghiên cứu về toán ở các trường trong nước, mời một số anh em và một số giáo sư nước ngoài về. “Viện hy vọng sẽ có đủ kinh phí để mọi người trong 2-3 tháng có thể cùng làm việc với nhau và một khi đã có đà thì khi các cán bộ này trở về lại trường sẽ tiếp tục nghiên cứu. Các trường cũng cần có chính sách lôi cuốn anh em trẻ về làm giảng viên cho mình”, GS Ngô Bảo Châu nói.
Không chỉ chia sẻ những vấn đề về kinh nghiệm trong học tập, nghiên cứu về toán, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ rất cởi mở về gia đình. GS cho rằng việc mình lập gia đình sớm không hề cản trở mà còn là một niềm hạnh phúc giúp cân bằng trong cuộc sống.
“23 tuổi tôi đã có con gái. Tôi nghĩ khó khăn đôi khi cũng tốt vì như vậy sẽ không sa đà vào những cái khác, biết làm chủ thời gian và dành thời gian cho gia đình. Với tôi thời gian đi đón con, chờ con ở cổng trường là những lúc cảm thấy tâm hồn thư thái. Đó là những cái không thể thiếu trong cân bằng cuộc sống. Gia đình là niềm hạnh phúc nhất trong mỗi con người”, GS Ngô Bảo Châu bộc bạch.
Thanh Vân

Có thể bạn quan tâm