Một góc khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy |
Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lệ Thanh đạt 140 triệu USD, tăng 18% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua biên giới ước 9 tháng đầu năm 2023 đạt 85 triệu USD. Khu Kinh tế Cửa khẩu hiện có 36 nhà đầu tư thực hiện 40 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 556,6 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 242,85 tỷ đồng (đạt 43,6% tổng vốn đầu tư đăng ký); trong đó 11 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 20 dự án đang xây dựng, 09 dự án đang làm thủ tục. Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Bước đầu đã có 4 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp-Khu Kinh tế cửa khẩu (2 dự án chế biến sản xuất gỗ, hàng nội thất xuất khẩu và 2 dự án chế biến nấm). Tại các xã biên giới đã được đầu tư và đưa vào sử dụng 3 chợ biên giới. Cũng trong năm 2022, Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thành công 2 chợ phiên nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm OCOP với 88 gian hàng, 1 phiên chợ biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với 60 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh Gia Lai, các hộ kinh doanh huyện Oyadav, Campuchia.
Nhìn chung, hoạt động thương mại biên giới tỉnh hiện nay cơ bản ổn định, có sự tăng trưởng qua các năm nhưng chưa thật sự sôi động, mức độ giao thương hàng hóa giữa tỉnh Gia Lai với Campuchia còn hạn chế. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú. Hàng nhập khẩu chủ yếu là cao su định chuẩn kỹ thuật, quả chuối, quả xoài, hạt điều thô, mì lát… Hàng xuất khẩu chủ yếu là bách hóa tổng hợp, thùng carton, vật tư nông nghiệp phục vụ cho các dự án của doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đầu tư tại Campuchia. Số lượng doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh còn ít.
Khu vực cửa khẩu chưa thu hút được các dự án lớn, dự án đầu tư nước ngoài. Các dự án đầu tư đa số có quy mô nhỏ, chủ yếu là ngành sản xuất chế biến nông-lâm sản và kinh doanh thương mại dịch vụ. Hoạt động chợ, giao thương trao đổi mua bán chủ yếu diễn ra theo thời vụ.
Xe chở hàng hóa từ Campuchia nhập khẩu sang Việt Nam thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Hà Duy |
Nguyên nhân của các hạn chế trên là do đời sống kinh tế-xã hội khu vực biên giới còn chậm phát triển. Cư dân biên giới dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa có sản phẩm chủ lực mang tính cạnh tranh. Lượng dân cư các xã biên giới còn thưa thớt. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp tại địa phương chưa xác định Campuchia là thị trường tiềm năng, chủ yếu tập trung xuất khẩu hàng hóa vào thị trường truyền thống. Thị trường xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lệ Thanh chủ yếu là các tỉnh Ratanakiri và Stung Treng (Campuchia). Đây là khu vực hiện còn khó khăn về đời sống vật chất, hạ tầng xây dựng thiếu thốn, dịch vụ kém phát triển, trình độ sản xuất nông nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh ở khu kinh tế cửa khẩu chủ yếu phụ thuộc các mặt hàng nông sản của Campuchia nên chỉ mang tính mùa vụ.
Bên cạnh đó, thị trường Campuchia có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đáng chú ý là các doanh nghiệp của Trung Quốc, Thái Lan và một số nước ASEAN khác. Gia Lai là tỉnh biên giới xa cảng biển. Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh phải tốn thêm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ về cảng biển để phục vụ xuất khẩu dẫn tới việc gia tăng chi phí đầu vào sản phẩm, ảnh hưởng việc cạnh tranh về giá.
Hầu hết doanh nghiệp chỉ thuê kho bãi để thu mua, tập kết, sơ chế nhanh hàng hóa, không chế biến sâu tại chỗ nhằm tiết kiệm chi phí quản lý, nhân công. Ngược lại, nếu các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia (tỉnh Ratanakiri) qua các cửa khẩu khác gần cảng biển về các khu công nghiệp sẽ tiết kiệm được phần chi phí vận chuyển, chi phí kho tàng, bến bãi và chi phí quản lý, nhân công giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh. Lực lượng lao động tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu về lượng và chất cũng là một trong những lý do khiến hoạt động thương mại tại cửa khẩu chưa được khởi sắc.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới trong thời gian tới, cần phải có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, văn hóa-xã hội, các dự án phát triển chợ biên giới nhằm tạo điều kiện cho người và phương tiện, hàng hóa qua lại Cửa khẩu phục vụ giao thương, góp phần nâng cao đời sống, trình độ cư dân khu vực biên giới; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai với tỉnh Ratanakiri nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại. Chủ động tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư có khả năng xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp như: điều, cao su, sắn lát, cọ dầu…
Hoạt động thương mại tại khu vực biên giới vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: Hạ Vy |
Cùng với đó, xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm đặc trưng (hàng nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP...) thông qua ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản; chú trọng hoàn thiện bao bì, nhãn mác và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; tổ chức mạng lưới phân phối hiệu quả; thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá sản phẩm địa phương; chủ động kết nối cung cầu, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với quy mô thị trường của từng địa bàn; đánh giá, khảo sát thị hiếu, nhu cầu tiêu thụ của cư dân nước bạn để đưa ra sản phẩm chất lượng, phù hợp.
Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thương mại biên giới; cung cấp thông tin pháp luật về quản lý hoạt động thương mại biên giới; lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xuất xứ hàng hóa; các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; thông tin thị trường… đến các thương nhân và cư dân biên giới để có sự thay đổi, điều chỉnh hoạt động kinh doanh kịp thời, hiệu quả.
Chú trọng công tác quản lý hoạt động dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nhằm tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, bình đẳng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan, xuất khẩu hàng hóa; tăng cường quảng bá hình ảnh, thế mạnh của tỉnh góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm ở nước ngoài thông qua hoạt động thương mại điện tử, tham gia chương trình hội chợ triển lãm quốc tế, hội chợ thương mại biên giới, các hoạt động kết nối, thúc đẩy ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Việt Nam, qua đó tăng cường cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.