Báo xuân

Đến với vùng dân ca Bahnar, Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù cho đến nay, chưa có một công trình điều tra, nghiên cứu nào cho biết chính xác về số lượng các bài bản dân ca đã và đang tồn tại trong đời sống sinh hoạt tinh thần của người Bahnar, Jrai, nhưng chúng tôi có thể  khẳng định, người Bahnar, Jrai đang sở hữu một kho tàng dân ca vô cùng phong phú và độc đáo cả về thể loại và ngôn ngữ thể hiện. Đó là những bài hát ru; là những bài đồng dao/Kvơng kvao/Hơ yu; những khúc hát giao duyên/Joh hri, hoặc Joh adruh tơdăm/Alư hoặc Che/Nhik; là những bài hát sinh hoạt Joh/Adôh; hát kể-trường ca-sử thi/A amon/Hri-Khan...
 

Lễ mừng cơm mới.

Hát ru người Bahnar gọi là joh pơlung, người Jrai gọi là pơ ngui. Hát ru của người Bahnar, Jrai cũng mang tính chất chung giai điệu mềm mại, ít thấy hoặc nói đúng hơn là không có những bước nhảy quãng rộng; tốc độ (tempo) chậm vừa. Lời ca mộc mạc, đơn giản, thường khuyên em bé đừng khóc, bố mẹ đang bận việc rẫy nương, con-em-cháu hãy ngủ cho ngoan, bố mẹ về sẽ cho quà...

Cái nỏ xinh xinh của cháu đây/Cháu ơi, cháu ngủ ngoan nào/Để mẹ đi múc nước hái rau/Để cha đi cuốc rẫy, thăm bẫy trong rừng... (Pơ lung sâu-Ru cháu-dân ca Bahnar). Hoặc, Ơ... này con! Mong con giữ lấy giấc mơ/Lúc còn bé, con múa hay hát giỏi/Mai khôn lớn, con đi làm du kích... (Pơ ngui ană-Ru con-dân ca Jrai).

Qua nhiều năm nghiên cứu, chúng tôi được biết chẳng mấy khi trẻ em ngủ trên sàn nhà lúc vắng người lớn, mà lúc nào cũng thấy trẻ được người lớn mang theo bên người (sau lưng hoặc trước bụng). Hát ru vang lên trong nhà, ngoài nương rẫy, trên đường đi, bên bến nước... Hát ru cất lên bất cứ  thời gian nào trong ngày. Thông thường, người ta chỉ hát ru trong hai hoàn cảnh điển hình, đến lúc cần ngủ mà em bé không chịu ngủ; em bé đang ngủ, vì một lý do nào đó chợt tỉnh dậy.

 

Lễ hội cầu mưa. Ảnh: Hoàng Ngọc

Vốn được hấp thụ âm nhạc, múa từ lúc còn nằm trên lưng mẹ, rồi theo bố mẹ, người lớn, lớn lên trong từng lời ru tiếng nhạc, trẻ em Bahnar, Jrai rất hiếu động và thích ca hát, nhảy múa. Đặc biệt, trong những dịp buôn làng tổ chức lễ hội, chúng tôi thấy, người lớn đánh cồng chiêng, uống rượu, nhảy múa thâu đêm, các em nhỏ chưa biết đánh cồng thì cũng uống rượu, múa hát những bài hát đồng dao-vừa chơi-vừa hát, vừa hát vừa sáng tạo. Tuy nhiên, những sáng tạo bước đầu ấy còn hết sức thơ ngây so với sự đánh giá của người lớn, nhưng chính sự ngây thơ ấy lại là đặc điểm của tư duy trẻ em nói chung, trẻ em Bahnar, Jrai nói riêng.

Trước đây, trai gái Bahnar, Jrai ngoài việc phát nương làm rẫy, đan gùi dệt vải, ai cũng phải thuộc nhiều bài hát dân ca, đặc biệt là những lời hát giao duyên để thể hiện tình yêu lứa đôi khi lao động, sản xuất, khi vui chơi trong những ngày lễ hội, khi mùa trăng lên hoặc lúc nghỉ ngơi trên các chòi canh trên rẫy. Đó là những lời hứa hẹn tình yêu thủy chung, là những bài ca ca ngợi vẻ đẹp tự nhiên của người con gái và dũng khí phi thường của người con trai. Vẻ đẹp của các chàng trai cô gái được ví von như những loài hoa, loài chim, trăng, sao.

- Anh Him ơi, anh Him/Em nhớ thương anh nhiều/Anh đẹp như chim phí/Anh khỏe như Yang (Thần)/Em muốn đi theo anh/Em muốn sống bên anh/Cùng anh xây tổ ấm (Ayong Him-dân ca Jrai).

- Anh Bênh đứng dậy, bước đi oai phong/Anh mặc khố, áo mới và đeo lục lạc/Tiếng lục lạc kêu rung reng, rung reng/Cái hông anh thon và chắc nịch/Anh khoác ô vàng trông thật là oai phong (Pluk iung Bênh-dân ca Bahnar).

Đồng thời với những khúc hát ru, những bài đồng dao, những bản tình ca ca ngợi tình yêu đôi lứa là những bài ca ca ngợi quê hương xứ sở mà người Bahnar gọi là Joh, còn người Jrai gọi là Adoh. Đây là thể loại dân ca, có nhiều làn điệu và tên gọi khác nhau, thường được dùng rộng rãi trong quần chúng, từ cụ già đến các em nhỏ. Người ta có thể hát Adoh/joh trong lễ  bỏ mả, trong lễ đâm trâu, trong lao động sản xuất, trên nương rẫy, bên bếp lửa hồng trong đêm thanh vắng hoặc khi giã gạo hay ở nơi bến nước, đặc biệt là khi uống rượu... Họ hát để san sẻ niềm thương nỗi nhớ, hát để tỏ lòng biết ơn buôn làng, họ mạc, hát để xua tan bao nỗi nhọc nhằn, hát cho cỏ cây đâm hoa kết trái. Nội dung của thể loại này rất phong phú, nhờ đó, con người mới nói nhau hết mọi niềm cảm xúc. Trong bài: Anh dựng chòi bên vách núi/Dưới chân núi con suối lượn quanh/Cảnh núi rừng đẹp lắm anh ơi... (Pơm ku kang kông-dân ca Bahnar).

 

Tái hiện không gian sử thi tại lễ đón nhận Sử thi của người Bahnar là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nói đến dân ca Bahnar, Jrai, chúng ta không thể bỏ qua những đêm Hơ amon-Hri-Sử thi (hát kể-trường ca) huyền thoại đã làm rạng danh mảnh đất đầy nắng gió Tây Nguyên. Đó là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian, là một cốt truyện nhiều nhân vật, nhiều tình tiết. Truyện thể hiện bằng văn vần theo luật thơ ca dân tộc, xen lẫn với những đoạn văn xuôi. Sử thi bao giờ cũng được trình bày dưới dạng hát ngâm bằng những làn điệu dân tộc, cộng với ngữ điệu, sắc thái, cường độ, tốc độ với cách đổi giọng thật sang giọng giả hay thay đổi tầm cữ âm thanh của người nghệ nhân. Những yếu tố diễn xuất này mang đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc và vượt ra khỏi phạm vi biểu cảm của ngôn ngữ nói. Cả người kể lẫn người nghe đều tiếng hát dẫn vào không gian và thời gian lịch sử của câu chuyện. Nhờ những yếu tố thần kỳ trong Hơ amon-Hri-Sử thi với những nội dung ca ngợi những anh hùng-dũng sĩ của dân tộc, thêm vào đó là nghệ thuật hát kể của nghệ nhân, nên khi các cụ già hát kể thì già trẻ, trai gái, kéo nhau đến nghe một cách chăm chú.

Nhìn chung, nội dung lời ca trong các làn điệu dân ca Bahnar, Jrai đã diễn đạt được cơ bản các trạng thái tình cảm của con người với các mối quan hệ đa chiều. Hình thức-nghệ thuật ngắn gọn, súc tích, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế. Đó là sự vận dụng một cách tài tình các thủ pháp nghệ thuật so sánh, ví von, ẩn dụ, giàu hình ảnh với lối gieo vần độc đáo và lối nhắc lại nguyên câu (điệp câu), đảo câu..., trên một âm hình tiết tấu nhất định nhưng lại ở các cao độ khác nhau tạo cho câu nhạc tròn trĩnh và có sức cuốn hút người nghe.

Nhạc sĩ Lê Xuân Hoan

Có thể bạn quan tâm