Bên cạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người, các di sản cũng trở thành nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Câu chuyện làm sao để khai thác nguồn tài nguyên này một cách bền vững đã được các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý bàn thảo
Bảo tồn hiệu quả nhiều di sản phi vật thể
Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận. Cùng với các di sản văn hóa vật thể, di sản phi vật thể Việt Nam, đặc biệt là các di sản thế giới được UNESCO công nhận đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tăng sức hút về du lịch, thương mại và đầu tư quốc tế, quảng bá, giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến bạn bè và cộng đồng quốc tế. Tại một số tỉnh, thành phố, các di sản thế giới đã trở thành điểm nhấn nổi bật, hấp dẫn, riêng có, thu hút khách tham quan, du lịch.
Bảo tồn Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đang đứng trước nhiều thách thức |
Trong thời gian qua, việc kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đã góp phần nhận diện giá trị của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhờ nhận diện được hiện trạng, sức sống của di sản để triển khai kịp thời các đề án/dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền, góp phần tích cực trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa tộc người. Ngoài ra, các di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm nghiên cứu, phục dựng, trao truyền và tổ chức trình diễn đã trực tiếp nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở và phát triển kinh tế-xã hội cộng đồng cư dân tại địa phương.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa ở các địa phương cũng được quan tâm. Các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và di sản được đưa vào Danh mục quốc gia đã chủ động xây dựng và triển khai các đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Điển hình như Phú Thọ triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ (giai đoạn từ năm 2013 đến 2020) với tổng kinh phí 165 tỷ đồng; Bắc Ninh phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca Quan họ Bắc Ninh và Ca trù giai đoạn từ năm 2013 đến 2020” với kinh phí 65 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố có di sản Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử của tỉnh, thành phố (Sóc Trăng, Đồng Nai và Bình Thuận đều cấp 3 tỷ đồng)…
Một trong những thành tựu nổi bật mà UNESCO ghi nhận về công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, đó là tháng 12/2017, Hát Xoan Phú Thọ trở thành di sản đầu tiên được UNESCO chuyển từ Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Với kết quả nêu trên, Việt Nam đã đóng góp kinh nghiệm cũng như thể hiện nỗ lực cho việc bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhưng vẫn còn những nỗi lo
Tuy nhiên, vẫn còn những di sản đã được UNESCO công nhận đang đứng trước khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị, trong đó, đặc biệt là với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Ca trù cũng còn nhiều khó khăn |
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trước đây, số lượng nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng ở các bon, buôn trên địa bàn tỉnh khá nhiều (trung bình khoảng 50-70 người/bon, buôn). Nhưng hiện nay, con số này chỉ còn là 10-20 người. Có những buôn, bon đã mất trắng không còn bộ chiêng nào và cũng không còn người biết đánh chiêng.
Đại diện tỉnh Đắk Nông nhận định: Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã và đang làm cho “Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” trên địa bàn tỉnh đứng trước thách thức, có nguy cơ mai một ngày càng ở mức độ đáng báo động.
Tương tự, di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là Ca trù. Cái khó trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản này là di sản thuộc hơn 10 tỉnh/thành cùng sở hữu nhưng các địa phương chưa “bắt tay” để phát huy và gìn giữ. Từ khi được công nhận vào năm 2009 đến nay, dường như chỉ có Hà Nội là địa phương thường niên tổ chức các hoạt động liên hoan Ca trù nhằm kiểm kê, cổ vũ các nghệ nhân, khích lệ thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của di sản này.
Theo bà Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa từng chia sẻ: “Địa bàn của Ca trù trải khắp 11 tỉnh, thành phố và mỗi tỉnh, thực trạng của Ca trù lại có những diễn biến phức tạp và rắc rối. Đó là một khó khăn lớn trong việc bảo tồn".
Sau khi đưa Ca trù vào tình trạng bảo vệ khẩn cấp, UNESCO đã hai lần hỏi về thực trạng bảo tồn di sản này ở Việt Nam vào năm 2014 và 2017. Hiện tại, đa số nghệ nhân chung nhận định Ca trù chưa đủ khả năng để thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Ca trù cần thêm khán giả và lan tỏa hơn nữa giá trị tới cộng đồng. Các nghệ nhân mong muốn trong tương lai, ca trù có nhà hát riêng, sự đầu tư quan tâm của cơ quan chức năng và đặc biệt có đơn vị cụ thể - những người am hiểu về ca trù - đứng ra nhận trách nhiệm bảo tồn.
Trước những khó khăn này, việc các di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia, quốc tế; các nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa được phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” là cần thiết. Có như vậy mới khơi dậy niềm tự hào và khuyến khích mạnh mẽ các cộng đồng có di sản, các cấp chính quyền địa phương, toàn xã hội quan tâm, tự nguyện và chủ động tham gia bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, đẩy mạnh giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình, tạo thêm động lực trong quá trình xã hội hoá các hoạt động bảo tồn di sản văn hoá.
PGS.TS Trương Quốc Bình- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng, để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thì các tỉnh, thành phố cần quan tâm, ưu tiên dành tỷ lệ đáng kể từ nguồn thu của địa phương cho các hoạt động bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, với nhận thức ngày càng được nâng cao về vai trò, tầm quan trọng của di sản, cần cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, phát huy giá trị di sản vào các nghị quyết chuyên đề, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình.
Hồng Hà (Tổ Quốc)