Đi Tây Bắc thăm "nàng công chúa ngủ trong rừng" Thu Cúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mang một cái tên đẹp, dịu dàng như người con gái nơi miền sơn cước - Thu Cúc cứ lặng lẽ, khiêm nhường cuốn hút chúng tôi.

 Đập Ú, con đập làm bằng gỗ độc đáo của người Mường
Đập Ú, con đập làm bằng gỗ độc đáo của người Mường



Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, kỳ diệu cùng những nét văn hóa bản sắc đậm đà của cư dân bản địa đã biến Thu Cúc thành một nàng công chúa ngủ trong rừng với tiềm năng du lịch rộng mở.

Khiêm nhường mà quyến rũ

Cách Hà Nội 130 km, Thu Cúc là một xã thuộc huyện vùng cao Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, nằm ở ngã ba giữa quốc lộ 32 lên Yên Bái và 32B sang Sơn La. Chính vì thế, rất nhiều đoàn du lịch và những phượt thủ với hành trình khám phá Tây Bắc đã qua đây.

Họ dừng chân bên đường nghỉ ngơi mà không biết rằng mình đã bỏ qua một thắng cảnh quyến rũ. Chúng tôi cũng vậy, từng vài lần bỏ qua, quyết định chẳng đi đâu nữa thử một lần khám phá Thu Cúc.

Từ ngã ba - điểm dừng chân quen thuộc của dân phượt, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá bản Soi, bản Ú. Hai bên đường thấp thoáng những nếp nhà lợp lá cọ đơn sơ của đồng bào Mường.

Càng đi, khung cảnh hiện ngày một hoang sơ, thanh bình với những cánh đồng lúa xanh tươi bên dòng sông Bứa cuồn cuộn chảy.

Những hàng cây cổ thụ lâu năm tỏa bóng mát trên thảm cỏ xanh, đây cũng là nơi nghỉ ngơi tránh nắng của bà con nông dân. Mấy chú mục đồng vui đùa bên đường khiến quang cảnh càng nên thơ.


 

Miếu nàng Cúc - nơi thờ người con gái Mường trong truyền thuyết
Miếu nàng Cúc - nơi thờ người con gái Mường trong truyền thuyết


Bản Ú, một bản hẻo lánh nhất vùng Thu Cúc, lập tức cho chúng tôi một ngạc nhiên thú vị: một con đập bằng gỗ chặn ngang dòng sông Bứa.

Người Mường ở bản Ú sống dựa chủ yếu vào nghề trồng lúa nước nên nguồn thủy lợi để canh tác đặc biệt được bà con coi trọng. Ngay từ những năm 1960, cộng đồng dân cư bản Ú đã cùng nhau chặn dòng sông Bứa làm hồ chứa nước phục vụ canh tác.

Cũng từ đó hình thành nên đập Ú - con đập gỗ độc đáo có một không hai. Đập được người dân làm từ gỗ keo, phên lứa, lá cọ và đất. Đầu tiên một lớp gỗ được xếp ngang dòng sông rồi một lớp gỗ khác xếp dọc lên trên, cứ như vậy cho đến khi đập cao chừng 5m mới thôi.

Tiếp theo người dân sẽ đan một phên lứa dài để che phủ mặt phía trong của đập, sau đó dùng lớp lá cọ trải lên lớp phên lứa và cuối cùng là một lớp đất phủ lên lớp lá cọ.

Có lẽ đây là cách làm đập thủ công và độc nhất vô nhị của người Mường không chỉ riêng vùng Thu Cúc mà cả vùng Tây Bắc nước ta.

Tuy làm đập thủ công, cầu kỳ như vậy nhưng tuổi thọ của đập cũng chỉ được một năm. Nếu ai muốn được tận mắt thấy quá trình làm đập gỗ nơi đây thì hãy đến bản Ú, Thu Cúc vào dịp đầu tháng 12 dương lịch hằng năm.

Ngược lên phía trên đập gỗ lạ mắt là một hồ nước trong xanh, nơi ghi dấu thành quả chặn sông lấy nước của bà con xứ Mường. Dòng sông Bứa đoạn chạy gần đập Ú quanh co uốn khúc với những tảng đá lớn nhỏ như một ma trận. Đôi bờ sông là cảnh sắc hoang sơ với những vạt rừng già nguyên sinh và thảm thực vật xanh tươi.

Nhiều người Mường bản địa vẫn giữ cách qua sông bằng bè mảng được ghép từ những cây giang. Chúng tôi bắt gặp những chàng trai, cô gái Mường đi chặt giang, nứa trên rừng rồi bó lại cho trôi sông. Họ cưỡi trên bó giang, nứa rẽ nước, len lỏi qua những tảng đá với chiếc sào trên tay để cầm lái trông thật phiêu lưu, mạo hiểm.

Vào những ngày hè oi bức, người Mường ở Thu Cúc và các khu vực lân cận thường tìm đến đập Ú và các điểm dọc sông Bứa để tận hưởng không khí mát mẻ trong lành.


 

Tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa Thu Cúc là một trải nghiệm thú vị
Tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa Thu Cúc là một trải nghiệm thú vị


Truyền thuyết nàng Cúc

Chúng tôi may mắn được ở lại nhà dân thêm một đêm. Cũng hiếm khi bản Mường có nhóm du khách phương xa ngủ trọ qua đêm, nên gặp mọi người ai cũng rất hồ hởi chào mời.

Chúng tôi được thưởng thức vài món ăn bản địa khó quên như rau sắn muối chua, ốc suối hấp và cá bống tẩm gia vị nướng ở nhà một người dân Mường thân thiện.

Trong bữa ăn ấm cúng, chủ nhà kể: “Xứ Mường chúng tôi có một truyền thuyết gắn với người con gái tên Cúc. Nàng Cúc từ thuở hồng hoang gắn bó với người Mường bằng câu chuyện cảm động đi tìm giống lúa mới”.

Xưa kia, người Mường Bi, Mường Vang ở Hòa Bình di cư qua sông Bứa, lên thượng nguồn tìm thấy vùng Thu Cúc ngày nay. Thấy đây là vùng đất xanh tốt, phì nhiêu, cảnh vật thanh bình nên đã dừng chân dựng nhà, lập bản, định cư làm ăn sinh sống.

Tuy đã lập được bản nhưng cuộc sống của bà con Mường rất khó khăn do hạn hán kéo dài, không có cây trồng vật nuôi nào chịu nổi. Khi ấy ở bản có một người con gái giỏi giang, xinh đẹp lại thông minh, thạo nghề nông vẫn được mọi người gọi là nàng Cúc.

Thương bà con xứ mình quanh năm nghèo đói, nàng Cúc đã tình nguyện lên đường vượt suối băng rừng tìm hồn vía của giống lúa mới về cho bản.


 

Dòng sông Bứa trong xanh
Dòng sông Bứa trong xanh



Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, cuối cùng nàng Cúc đã tìm được giống lúa mới về cho dân bản. Nhưng khi về đến gần bìa rừng ở bản Mường quê mình, nàng đã bị thú rừng hãm hại, kéo mất xác đi, chỉ còn bó lúa giống quý trên nền đất. Từ bó lúa giống của nàng Cúc, ruộng đồng xứ Mường lại xanh tươi, sai bông trĩu hạt.

Để tưởng nhớ công ơn người đưa giống lúa mới về cho bản làng, dân Mường đã cùng nhau dựng lên miếu thờ nàng Cúc tại nơi tìm thấy bó lúa quý. Hằng năm người dân tổ chức lễ rước vía lúa từ miếu thiêng này về bản.

Trong các lễ rước vía lúa, dân và thầy mo đến miếu nàng Cúc làm các nghi lễ để xin vía lúa về, rồi sau đó mọi người mới cùng nhau xuống đồng gieo cấy. Và mảnh đất này từ đó cũng mang tên Thu Cúc - người con gái xinh đẹp, dũng cảm xứ Mường.

 


Thu Cúc là điểm trung chuyển của những ngả đường du lịch Tây Bắc nên du khách muốn qua đêm ở Thu Cúc cũng dễ dàng tìm được chỗ trọ. Có thể thuê phòng bình dân với giá 150.000 - 200.000 đồng/đêm ở các nhà nghỉ trong khu trung tâm xã. Hoặc ngủ qua đêm ở bản Ú, bản Soi, bản Mơ, bản Tang... trải nghiệm cuộc sống đậm chất bản địa.

Ngoài những món ăn quen thuộc như: ốc suối hấp, gỏi cá, cá tẩm gia vị cho vào ống giang nướng, rau sắn muối chua... du khách có thể nhờ người Mường ở các bản làm món rêu đá trộn gia vị bọc lá chuối, hoặc lá rong rồi vần than nóng. Thưởng thức món này rất lạ miệng, nhớ mãi không quên.

Nguyễn Duy - Hải Dương

Có thể bạn quan tâm