Phóng sự - Ký sự

Đi xin việc thời khó - Kỳ 1: Những cái lắc đầu!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dịch COVID-19 hoành hành khiến thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã được khống chế, mọi thứ bắt đầu khôi phục, nhưng hậu quả nó gây ra vẫn trầm trọng. Chưa bao giờ người lao động đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay...
 
Người lao động giờ chỉ mong giữ được việc, đừng bị cho nghỉ là mừng (ảnh chụp trước Công ty PouYuen) - Ảnh: MẠNH DŨNG
Người lao động giờ chỉ mong giữ được việc, đừng bị cho nghỉ là mừng (ảnh chụp trước Công ty PouYuen) - Ảnh: MẠNH DŨNG
Thời điểm này, tôi chỉ mong phục hồi được 25% lương phải giảm của công nhân, chứ chưa hề nghĩ đến chuyện tuyển thêm người.
Ông Trần Nam Văn (chủ một doanh nghiệp ngành bao bì ở TP.HCM)
Giảm giờ làm, thất nghiệp, bị trừ lương, lâm cảnh nợ nần, đi xin việc, không có việc... đang là vòng luẩn quẩn khó khăn của người lao động.
"Rải mưa" đơn
Để thấu hiểu hiện trạng khó khăn này, tôi nhập vai người thất nghiệp cần tìm việc gấp để trang trải cuộc sống. Mấy ngày sau khi "rải mưa" đơn xin việc qua email đến nhiều nơi, tôi nhận điện thoại từ người tên Ngọc Mai. Cô phụ trách nhân sự một nhà hàng tiệc cưới trên đường Lê Hồng Phong, Q.10 (TP.HCM).
Mai thông báo hồ sơ online xin làm nhân viên phục vụ của tôi đã được "duyệt" và hẹn đến phỏng vấn vào hôm sau. Sáng cuối tuần, khu ẩm thực nhà hàng tương đối đông, còn sảnh tiệc cưới thì vắng lặng.
Gặp mặt tại phòng nhận tiệc, Mai cho biết nhà hàng vừa mới hoạt động trở lại khoảng hơn một tháng, tiệc cưới chưa nhiều, nhưng do vừa mở thêm khu ẩm thực món Hoa ở một số chi nhánh nên cần tuyển nhân viên phục vụ.
Khi tôi nói muốn làm phục vụ tiệc cưới, Mai từ chối ngay. "Tụi chị tạm không nhận nhân viên phục vụ tiệc cưới vì số lượng tiệc chưa nhiều. Tụi chị chỉ tuyển phục vụ khu ẩm thực nhà hàng. Công việc của em là đón khách, order món, bưng đồ ăn lên xuống và dọn dẹp. Làm full-time (toàn thời gian) và sẽ được điều đi các chi nhánh khi thiếu người. Lương khoảng 4-6 triệu đồng/tháng cho một ca 8 tiếng" - Mai cho biết.
 
Như Quỳnh mỏi mòn tìm việc trong tình hình thất nghiệp đang trầm trọng - Ảnh: DIỆU QUÍ
Như Quỳnh mỏi mòn tìm việc trong tình hình thất nghiệp đang trầm trọng. Ảnh: DIỆU QUÍ
Sáng tôi đến, Trần Bảo Ngọc, 20 tuổi, cũng có mặt. Cô đang là sinh viên năm hai. Tranh thủ nghỉ hè, cô muốn làm nhân viên part-time tiệc cưới để trang trải cuộc sống nhưng bị từ chối vì nhà hàng không nhận thêm người khâu này.
"Ba mẹ ở quê buôn bán ế ẩm nên em không dám xin tiền nhà, tự đi làm đỡ đồng nào hay đồng đó" - Ngọc tâm sự nhiều bạn của cô phải về quê vì mất việc ở thành phố, không có tiền chi tiêu cá nhân.
"Em sẽ gửi đơn đến vài chỗ nữa, khi nào được nhận mới thôi" - Ngọc buồn bã cầm hồ sơ ra về, sau khi nhận được cái lắc đầu của nhà hàng.
Thử kiên trì tìm việc, tôi tiếp tục lần theo số điện thoại tuyển dụng đăng trên mạng của công ty giày da có trụ sở ở Q.Gò Vấp. Một giọng nữ là người ở phòng tuyển dụng nghe máy cho biết từ tháng 3-2020 đến nay công ty đã ngưng tuyển lao động và không biết khi nào tuyển dụng trở lại, rồi cúp máy ngay.
Ráng chờ đợi!
Không chỉ các ngành sản xuất, du lịch cũng là một trong những ngành chịu tác động nặng nhất. Hiện các hoạt động kinh doanh của ngành này đang từng bước phục hồi, các công ty lần lượt khuyến mãi để kích cầu du lịch.
Trong vai một người muốn làm hướng dẫn viên, tôi được Việt Cường - nhân viên một đại lý du lịch ở Q.3 - cho biết dù đang là mùa cao điểm du lịch nhưng nơi này vẫn chưa tuyển nhân viên.
Theo Cường, thời buổi hiện tại đang khó tìm việc nên các nhân viên cũ vẫn cố trụ lại dù lương chỉ bằng 2/3 so với trước khi có dịch. Các tour dẫn khách vẫn chưa nhiều dù công ty liên tục đưa ra một số ưu đãi để kích cầu.
"Bên anh hiện chưa nhận người mới vì đã đủ người trước mùa dịch. Mà em có đi được các tour đảo không? Mới hết dịch nên khách chưa đi đảo nhiều. Nhưng sắp tới tour này chắc cần người. Em cứ gửi hồ sơ, khi nào tuyển thì anh gọi" - Cường nói tôi... ráng đợi!
 
Nhiều cơ sở môi giới việc làm giờ thường xuyên đóng cửa vì không có việc để giới thiệu - Ảnh: MẠNH DŨNG
Nhiều cơ sở môi giới việc làm giờ thường xuyên đóng cửa vì không có việc để giới thiệu. Ảnh: MẠNH DŨNG
Tiếp tục cầu may, tôi đến xin làm nhân viên bán hàng tại một shop quần áo trên đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, và nhận được sự mỉm cười kèm cái lắc đầu của người quản lý. Từng là khách hàng vài lần nên tôi biết nơi này khá đông vào cuối tuần, giá quần áo ở đây cũng "nhẹ" tiền mà mẫu mã đa dạng nên được lòng các bạn trẻ.
Tuy nhiên, hôm tôi đến xin việc là thứ bảy mà chỉ lưa thưa khách. Yến Nhi, nhân viên shop, cho biết các chi nhánh TP.HCM và ở tỉnh vừa mới cắt giảm nhân sự. "Người ta thất nghiệp nhiều, đâu còn tiền đi mua sắm. Hết dịch nhưng hàng bán chậm hơn so với lúc trước. Cửa hàng đã cho nhân viên nghỉ bớt rồi, sao tuyển thêm được nữa" - Nhi cho biết.
Gần hai tháng nay, hầu hết thời gian của Dương Lê Như Quỳnh là dán mắt vào màn hình máy tính và thấp thỏm đợi hồi âm từ các lá đơn xin việc. Học ngành tài chính ngân hàng, với kinh nghiệm hai năm là nhân viên bảo hiểm nhân thọ và tư vấn bất động sản, Quỳnh xin việc ở cả hai mảng này. Tuy vậy, đáp lại sự mong mỏi tìm việc của cô chỉ là những cái lắc đầu. Chỗ không nhận, chỗ nhận thì đòi hỏi yêu cầu công việc khá cao.
"Chưa bao giờ tôi bị tình cảnh này. Mỗi ngày tôi đều ngồi thẫn thờ không biết đơn của mình có được nhận không, cuộc sống sắp tới sẽ thế nào. Tôi vỡ mộng vì nghĩ mình từng đi làm thì ra trường sẽ dễ kiếm được việc. Mấy ngân hàng tôi xin vào đều từ chối vì họ đang cắt giảm nhân sự, giảm chi nhánh để giải quyết khó khăn. Còn bên bất động sản, tình hình vẫn chưa thể phục hồi như trước. Ngày thường tìm khách hàng khó một, sau dịch khó gấp trăm" - Quỳnh rầu rĩ kể.
Mới rồi, cô gái 23 tuổi này được nhận thử việc tại một ngân hàng ở Q.4, nhưng yêu cầu đặt ra khá khó với Quỳnh. "Không chỉ tôi mà bạn bè tôi cũng đang khóc ròng vì không có việc làm, có đứa xin nghỉ vì lương bị hạ quá thấp. Biết là khó khăn nhưng ai cũng phải cố gắng để tồn tại qua mùa thất nghiệp này" - Quỳnh thở dài, tâm sự...
30,8 triệu người
Là số người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Người bị giảm thu nhập đến 17,6 triệu người, và khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nhất với 72% lao động.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê 6 tháng đầu năm 2020)
Giấy cho vay nợ thay tờ tuyển lao động
Cô N.T.T.K., thạc sĩ ngành tài chính, vừa được tăng lương lên 16 triệu đồng ở một công ty truyền thông nổi tiếng tại TP.HCM, đã bị hạ xuống còn 10 triệu đồng. "Nỗ lực lắm mới lên được trưởng phòng kế toán, tôi vừa nhận được một tháng lương mong muốn thì bị hạ ngay một nửa" - T.K. cười mếu kể cô sắp sinh em bé nên không dám nghỉ. Mấy nhân viên phòng cô bị hạ lương còn 6-7 triệu đồng nên đã có người xin nghỉ và họ đang khóc dở vì không thể xin được việc mới.
Nhiều người làm việc ở các ngành nghề khác cũng lâm tình trạng tương tự. Năm 2019, dân môi giới địa ốc đã gặp khó vì thị trường đóng băng. Dịch bệnh xảy ra, họ càng gặp khó khăn hơn. Anh Lê Trần Hoàng Phú cho biết mình có 5 năm kinh nghiệm mà đi tìm việc suốt ba tháng không ai nhận.
"Thời giờ phải làm môi giới trong công ty, sàn giao dịch này nọ, một mình cò con khó ăn lắm. Nhưng tôi gọi mấy chỗ quen biết, họ chỉ trả lời sẵn sàng nhận nếu chịu làm ăn hoa hồng trên hợp đồng ký được mà không trả lương căn bản" - Phú kể.
Hình ảnh rất dễ nhận thấy là trước đây các tờ tuyển lao động dán khắp cột điện, vách tường, giờ chỉ thấy toàn là giấy... cho vay nợ.
MẠNH DŨNG
DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm