(GLO)- Tiếc nuối-đó chính là cảm giác của nhiều người khi nhìn lại một năm khá trầm lắng của hoạt động âm nhạc Phố núi.
1. Vào khoảng thời gian này năm ngoái, hoạt động âm nhạc tối thứ bảy hàng tuần tại phòng trà Sesan Coffee Piano (đường Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku) đã nói lời tạm biệt với người yêu nhạc Phố núi. Sesan Coffee Piano là nơi chuyên tổ chức các đêm âm nhạc chủ đề, giới thiệu tác giả-tác phẩm, có thiên hướng “nhạc xưa”, được xem là địa chỉ âm nhạc chuyên nghiệp duy nhất của Pleiku lúc ấy.
Ca sĩ Cao Công Nghĩa trong một đêm nhạc tại Sesan Coffee Piano. Ảnh: Quang Vũ |
Do vậy, phòng trà ngừng hoạt động đã để lại một khoảng trống cùng sự tiếc nuối trong hoạt động âm nhạc Pleiku cho đến bây giờ. Trước đó, chủ đầu tư phòng trà đã đi khảo sát hàng loạt phòng trà ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và cho biết tình trạng chỉ có vài ba khách trong mỗi đêm diễn là “chuyện thường”; đồng thời khẳng định sẽ duy trì bằng được sân chơi này. Nhưng trên thực tế, yếu tố lợi nhuận không thể không được tính đến khi đầu tư vào lĩnh vực nghệ thuật. Và tại Pleiku, nơi nghệ thuật vẫn chưa tìm được chỗ đứng xứng đáng thì việc giải quyết bài toán với 2 đáp số (nghệ thuật và lợi nhuận) là cực kỳ khó.
Chậm hơn mấy tháng, Hội quán Trịnh (đường Wừu, TP. Pleiku), một nhóm hoạt động ca nhạc cũng khá đình đám được sáng lập bởi nhạc sĩ Nguyễn Tâm cùng 2 cộng sự có thừa niềm đam mê là Nguyễn Bình Minh, Phan Duy Hảo dù đã cố gắng để duy trì hoạt động nhưng cuối cùng cũng phải nói lời chia tay với các hội viên vào tháng 11-2017. Linh động hơn Sesan Coffee Piano, Hội quán Trịnh từng chọn giải pháp “hùn vốn” để giải quyết chi phí qua việc đóng góp kẻ ít người nhiều của hội viên, song cũng không trụ nổi với hoạt động vô vụ lợi, chỉ trông huề vốn của mình.
Duy chỉ còn Cuội Acoustic (đường Đống Đa, TP. Pleiku) là duy trì được những đêm diễn. Đây là địa chỉ được nhiều người ưa thích nhưng cũng thăng trầm theo năm tháng. Người đầu tư và quản lý Cuội Acoustic dù sẵn lòng chấp nhận đương đầu với lỗ lã cũng không khỏi lắc đầu ngán ngẩm.
2. Dấu ấn của Sesan Coffee Piano mỗi tối thứ bảy ở Phố núi là không thể phủ nhận, nói như ông Võ Như Minh Quang, một người yêu âm nhạc, gần như cuối tuần nào cũng đến với Sesan Coffee Piano hoặc Hội quán Trịnh: “Đó là những địa điểm tôi thường mời khách, bạn bè từ xa đến, ngầm vui mà khoe rằng phòng trà Pleiku của mình đâu thua gì nơi khác!”. Ca sĩ Hoài Ngân cũng từng thổ lộ: “Là một diễn viên thuộc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, tôi vẫn có ít nhiều hồi hộp khi hát ở Sesan Coffee Piano. Không gian ấy bắt buộc mình phải nghiêm túc, đầu tư kỹ cho phần trình bày của mình”.
Sự biến mất của các địa chỉ đã thành thương hiệu ca nhạc ở Pleiku là điều đã được thấy trước. Dân số khiêm tốn (hơn 200 ngàn dân), lượng khách nghe nhạc “không thời thượng” của thành phố này không quá đôi trăm người. Và sẽ thật hiếm hoi để một người có thể hàng tuần đến với chương trình ca nhạc mình yêu thích và đóng góp cho sự sống còn của nó. Theo anh Giang Lê Toàn-người quản lý phòng trà Sesan Coffee Piano, đêm được xem là ít khách nhất tại đây cũng đạt 30 người, đó là một thắng lợi trong cái xám buồn của hoạt động âm nhạc trên phạm vi cả nước. Một thắng lợi đậm chất tinh thần, song vẫn không nuôi nổi sự tồn tại của một hoạt động ca nhạc lành mạnh và có tính chuyên nghiệp. Ánh đèn sân khấu hàng đêm ở Phố núi dần trở nên hiu hắt, tiếng đàn giọng hát đành quay sang những chương trình mang tính phụ diễn.
Nửa năm cuối này, Sesan Coffee Piano chuyển hướng qua tổ chức các chương trình ca nhạc không định kỳ nhằm tận dụng ưu thế về địa điểm, trang thiết bị đã có sẵn và nhất là không bỏ đi một thương hiệu được gầy dựng suốt hơn 4 năm. Cái khó của Sesan Coffee Piano, một doanh nghiệp nhà nước, chính là áp lực lợi nhuận, việc cân đối chặt chẽ chi phí và doanh thu. Điều đó đã làm cho địa điểm này chưa đáp ứng được mong mỏi của người yêu nhạc về chất lượng chương trình trong khoảng thời gian sau này.
3. Giờ đây, hàng tuần, Cuội Acoustic vẫn vang tiếng với chất riêng của mình. Hãy lắng nghe những tâm tư của anh Phan Minh Toàn, người đầu tư, người quản lý ở đây khi phải “gồng mình” để cố gắng duy trì một sân chơi âm nhạc: “Nếu không có đam mê, tôi đã bỏ cuộc. Đêm nào chỉ có khán giả với 2/3 số ghế trong khán phòng là đã phải bù lỗ chứ chưa nói đến lúc ít khách hơn”.
Nhưng cũng thật thú vị khi Toàn nói tiếp: “Khán giả đến với Cuội, dù ít hay nhiều thì họ luôn là động lực để tôi không bỏ cuộc. Năm 2018, tôi sẽ mời toàn bộ ê-kíp ở Sesan Coffee Piano (cũ) cộng tác nhằm đa dạng hóa, tăng thêm sắc màu cho hoạt động âm nhạc ở Cuội Acoustic”.
Mong rằng mọi sự sẽ được như mong muốn của Toàn, để phần nào mang lại sự khởi sắc của ánh đèn sân khấu Phố núi trong năm mới 2018.
Nguyễn Sơn